Doanh nghiệp tư nhân Hà Nội tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Kỷ nguyên mới

Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp tư nhân Hà Nội không chỉ là lực lượng kinh tế nòng cốt mà còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Từ vai trò thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, đến ý thức chính trị, trách nhiệm xã hội và văn hóa doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Thủ đô đang từng bước khẳng định vị trí trên mặt trận tư tưởng trong thời đại mới. Cùng với đánh giá khách quan và toàn diện vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế Thủ đô, trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi muốn cùng làm rõ vị thế, thách thức, những đóng góp thiết thực cũng như đề xuất giải pháp là cần thiết, để doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Doanh nghiệp tư nhân – lực lượng kinh tế trọng yếu của Thủ đô

Trong tiến trình hơn ba thập niên đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã từng bước khẳng định vị trí là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Tại Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố về chính trị, hành chính, văn hóa và khoa học công nghệ, khu vực doanh nghiệp tư nhân không chỉ là lực lượng sản xuất chủ lực mà còn là môi trường kết tinh tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, đến năm 2024, Hà Nội có trên 360 nghìn doanh nghiệp, trong đó hơn 97% là doanh nghiệp tư nhân, đóng góp gần 40% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và tạo việc làm ổn định cho hàng triệu lao động.

Sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân không phải là hiện tượng mang tính ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình cải cách thể chế kinh tế, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền đô thị, đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần tự cường, khát vọng làm giàu chính đáng của đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị "về phát triển kinh tế tư nhân" đã nhấn mạnh, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và mang tính chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Đây không chỉ là sự khẳng định về vai trò, vị thế của khu vực tư nhân mà còn là cơ sở pháp lý rõ ràng về sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển và quản trị quốc gia.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội "về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội (tháng 10/2024). Ảnh: Thanh Hải

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội "về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội (tháng 10/2024). Ảnh: Thanh Hải

Với năng lực đổi mới, khả năng thích ứng linh hoạt và tinh thần dấn thân trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, doanh nghiệp tư nhân Hà Nội đang thể hiện rõ vai trò là lực lượng tiên phong trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt, vượt lên trên vai trò kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị của mình, góp phần củng cố trận địa tư tưởng trong lòng dân và tạo dựng niềm tin xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên mới. Trong tiến trình đó, đội ngũ doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt, vừa là chủ thể sản xuất kinh doanh, vừa là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận tư tưởng.

Doanh nhân Hà Nội – những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng

Trong thời đại bùng nổ thông tin và chuyển đổi số, không gian mạng đã trở thành một mặt trận quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Trước các âm mưu xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, trong đó đội ngũ doanh nhân giữ một vị trí đặc biệt. Không chỉ làm kinh tế, doanh nhân ngày nay còn góp phần định hình hệ giá trị xã hội trong môi trường thị trường, lan tỏa tinh thần yêu nước và trách nhiệm cộng đồng.

Tại Thủ đô Hà Nội, nhiều doanh nhân tiêu biểu đã chủ động tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngay trong nội bộ doanh nghiệp. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị cho người lao động mà còn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo doanh nghiệp, góp phần nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, doanh nghiệp tư nhân Hà Nội đã tích cực tham gia các chương trình truyền thông chính trị, phổ biến pháp luật, phối hợp với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ để đưa chủ trương của Đảng đến gần hơn với người lao động. Không ít doanh nhân còn đi đầu trong các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, xây dựng quỹ học bổng, hỗ trợ người yếu thế. Những đóng góp cụ thể đó vừa mang giá trị nhân văn, vừa củng cố niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng bằng những hành động thực tiễn, thiết thực và bền bỉ. Tuy nhiên, để những nỗ lực ấy tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi đội ngũ doanh nhân phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức phức tạp, đặc biệt là trong môi trường số. Đây chính là không gian mới nơi cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra âm thầm nhưng đầy cam go.

Thách thức trong kỷ nguyên số và vai trò của doanh nghiệp tư nhân

Bước vào kỷ nguyên số, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang đứng trước những thời cơ quan trọng để bứt phá về năng suất, đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là những thách thức phức tạp, đặc biệt trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Không gian mạng đang trở thành “địa bàn chiến lược” của các thế lực thù địch; chúng triệt phá để khai thác tính lan tỏa và khó kiểm soát của nền tảng số qua đó phát tán tin giả, bóp méo đường lối, chính sách của Đảng, bôi nhọ hình ảnh đội ngũ doanh nhân, kích động tư tưởng phi chính trị trong cộng đồng doanh nghiệp. Tội phạm công nghệ cao cũng ngày càng tinh vi, sử dụng các thủ đoạn như chiếm đoạt dữ liệu, lừa đảo tài chính, phát tán thông tin sai lệch nhằm gây hoang mang, xói mòn niềm tin của người lao động vào Đảng và Nhà nước. Đồng thời, một số thế lực còn lợi dụng tổ chức đa phương, tôn giáo, nhân quyền, môi trường để lồng ghép quan điểm chống đối, can thiệp vào công việc nội bộ, phủ nhận vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.

Quang cảnh Thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Quang cảnh Thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trước thực trạng này, doanh nghiệp tư nhân Hà Nội không thể chỉ là người thụ hưởng thành quả, mà cần trở thành lực lượng tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây không chỉ là phản ứng tự vệ, mà còn là hành động chính trị mang tính chiến lược, gắn liền với yêu cầu về ổn định tư tưởng và bảo vệ an ninh quốc gia. Mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng văn hóa nội bộ lành mạnh, môi trường truyền thông tích cực, đồng thời nâng cao năng lực phản biện và “sức đề kháng tư tưởng” trong nội bộ. Trong bối cảnh đó, không thể chỉ trông chờ vào phản ứng tự phát từ doanh nghiệp, mà cần một hệ thống giải pháp mang tính tổng thể, phù hợp với đặc thù phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Thủ đô.

Đề xuất giải pháp phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân Hà Nội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là yêu cầu cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Trước hết, tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị – tư tưởng cho doanh nhân và người lao động, thông qua các lớp bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần củng cố nền tảng nhận thức chính trị trong doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm và nhân văn. Mỗi doanh nghiệp cần được xem là một "tế bào chính trị – xã hội", nơi các giá trị đúng đắn được duy trì và lan tỏa.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, doanh nghiệp tư nhân phải chủ động ứng dụng công nghệ vào quản trị và truyền thông, đồng thời kiểm soát tốt môi trường thông tin nội bộ, hạn chế tác động từ các thông tin sai lệch. Doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng.

Khi doanh nghiệp tư nhân Hà Nội phát huy tinh thần yêu nước, giữ vững đạo đức kinh doanh và đề cao trách nhiệm xã hội, cũng chính là lúc họ tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng hành động cụ thể. Đó không chỉ là nghĩa vụ chính trị, mà còn là điều kiện sống còn để doanh nghiệp phát triển bền vững trong một xã hội ổn định, nhân văn và có định hướng rõ ràng.

Nguyễn Trung Thành - Nguyễn Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-ha-noi-tham-gia-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-trong-ky-nguyen-moi.707619.html
Zalo