Doanh nghiệp trước xu hướng tiêu dùng mới

Theo nghiên cứu của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), tần suất mua sắm thường xuyên nhất của người tiêu dùng Việt là khoảng 2-3 lần/ tuần đối với mạng xã hội và khoảng 1 lần/ tháng đối với các sàn thương mại điện tử nói chung.

Doanh nghiệp cần nắm bắt tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng để có hướng phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Doanh nghiệp cần nắm bắt tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng để có hướng phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Xu hướng tiêu dùng này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất cần có sự thay đổi trong chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Thay đổi hành vi mua sắm

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử, người tiêu dùng ngày càng thay đổi hành vi mua sắm. Yêu cầu về tính nhanh chóng và thuận tiện đã có tác động lớn đối với hành vi mua sắm qua mạng xã hội của người tiêu dùng.

Ngoài ra, xu hướng mua hàng chính hãng, mua hàng qua livestream (phát sóng trực tiếp) đang là những trào lưu phổ biến. Có 30,5% người tiêu dùng chọn mua sắm tại trang chính thức của thương hiệu; 29,4% mua qua livestream; 21,5% qua trang của nhà bán hàng cá nhân.

So với sàn thương mại điện tử, mạng xã hội có sự đa dạng hơn về kênh phân phối. Một số kênh khác như qua hội nhóm, trang của người có tầm ảnh hưởng, trang của đại lý, nhà phân phối hay các đường link quảng cáo chiếm tỉ lệ từ 16 - 20%. Tiết kiệm thời gian mua bán vẫn là lý do chính thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng trực tuyến.

Đáng chú ý, tỉ lệ người tiêu dùng mua vì lý do “giá rẻ hơn so với mua trực tiếp” đã tăng mạnh kể từ năm 2023.

Đó là những dữ liệu cho thấy, bối cảnh nền kinh tế hiện nay, thu nhập co lại là yếu tố khiến cho người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu. Họ hướng đến việc mua sắm trực tuyến nhiều hơn nhằm giảm thiểu các chi phí phát sinh như xăng xe, giá thuê mặt bằng áp lên sản phẩm...

Bên cạnh đó sự thuận tiện trong mua sắm online cũng khiến phần lớn người tiêu dùng lựa chọn kênh thương mại điện tử thay vì kênh bán hàng truyền thống.

Anh Đỗ Trường Giang (phố Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nếu như trước đây, một tuần anh phải đến siêu thị ít nhất một lần để sắm những hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, thì nay phải một tháng anh mới đến siêu thị một lần.

“Thay vì đến các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống để mua hàng, tôi đặt hàng trên các kênh thương mại điện tử bởi tính thuận tiện và nhanh chóng, giá cũng ưu đãi hơn vì người bán không mất tiền thuê mặt bằng. Đặc biệt những ngày cao điểm nắng nóng, nhiệt độ lên đến 40 độ C thì mua hàng online là tốt nhất, tránh được những nguy cơ có thể xảy ra về sức khỏe”, anh Giang cho hay.

Có thể thấy, với nhiều điểm ưu việt, kênh thương mại điện tử đang ngày càng trở nên quen thuộc với phần lớn người tiêu dùng.

Thông tin khảo sát thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam của một tổ chức nghiêu cứu thị trường công bố mới đây cho thấy, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, họ tìm kiếm các kênh mua sắm có nhiều ưu đãi để giảm thiểu các chi phí.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam cho biết, xu hướng mua sắm hiện đại và đa kênh khiến cho các nhà sản xuất ngày càng khó thu hút người mua và giữ chân họ. Các nhãn hiệu lớn cũng gặp khó khăn trong việc tăng trưởng.

"Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến như một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm hàng tạp hóa”, bà Nga nhận định và khuyến nghị, chính bởi vậy, doanh nghiệp (DN) cần quan tâm và khai thác hiệu quả kênh thương mại điện tử để gia tăng doanh số.

Cách nào để thích nghi

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện BCSI cũng đưa ra nhận định, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng, hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây. “Những thay đổi này mang tới nhiều thách thức và biến động, buộc DN cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng”, ông Thành nói.

Trên thực tế, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.

Tuy nhiên, ông Thành đưa ra cảnh báo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 chủ yếu nhờ vào nguồn thu từ du khách nước ngoài tăng đến hơn 34% so với cùng kỳ.

Đứng trước thách thức về thị trường cũng như thị phần, việc thắt chặt chi tiêu, thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, ông Võ Trí Thành khuyến cáo, trong bối cảnh chung nhiều biến động, việc nắm bắt nhu cầu, thói quen mua sắm, cũng như dự đoán và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của khách hàng đối với mỗi DN càng trở nên khó khăn.

Chính vì vậy, việc bám sát các nguồn dữ liệu nghiên cứu thị trường uy tín, với những phân tích cụ thể, sâu sát các biến động trong hành vi người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra lời giải đúng cho bài toán trên, từ đó gia tăng sức cạnh tranh, bứt phá thành công.

Ở vai trò nhà quản lý, theo ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), sự thay đổi trong thị phần của các kênh mua sắm từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị đã và đang trở thành cơ hội, thách thức buộc DN phải thích nghi.

Do đó, để không bị chững lại trong xu thế phát triển của nền kinh tế, các DN cần nỗ lực trong việc nắm bắt xu hướng, hành vi tiêu dùng của khách hàng trong bối cảnh mới, để từ đó có những chiến lược kinh doanh phù hợp, đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cùng với đó, giới chuyên gia cho rằng, DN cần đẩy mạnh đầu tư, phát triển công nghệ thu thập dữ liệu về mức độ phát thải. Ứng dụng công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa để cải thiện chuỗi cung ứng nhằm giảm lãng phí nước, năng lượng và nguyên liệu. Đây là thời kỳ của các sản phẩm xanh, sạch bởi vậy, những yếu tố về môi trường, công nghệ cần phải được chú trọng.

DUY KHANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doanh-nghiep-truoc-xu-huong-tieu-dung-moi-10283911.html
Zalo