Doanh nghiệp TP.HCM ở Đông Nam Á: Những vấn đề đáng quan tâm

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt, vị thế của doanh nghiệp (DN) TP.HCM ở Đông Nam Á đang rất khiêm tốn. Danh sách Fortune 500 ASEAN được công bố trong năm 2024 cho thấy rất rõ điều này, qua phân tích vị trí DN ở TP.HCM so với 6 thành phố ở Đông Nam Á, gồm Bangkok, Hà Nội, Jakarta, Kuala Lumpur, Manila và Singapore.

So sánh ấy dựa vào những chỉ tiêu về quy mô (số DN và tổng tài sản) và hiệu quả hoạt động (lợi nhuận và số việc làm) trên cơ sở tham chiếu dân số, tổng GDP và GDP/người.

Vị trí của nền kinh tế TP.HCM

Dân số của TP.HCM là gần 10 triệu người, chiếm 13,7% tổng dân số và xếp thứ tư trong nhóm so sánh, sau Manila, Bangkok, Jakarta. Tuy nhiên, quy mô và mức độ phát triển của TP.HCM còn rất thấp trong nhóm này.

Vinamilk nằm trong nhóm 150 doanh nghiệp đầu tiên của danh sách Fortune 500 Southeast Asia 2024 do Tạp chí Fortune (Mỹ) công bố lần đầu tiên

Vinamilk nằm trong nhóm 150 doanh nghiệp đầu tiên của danh sách Fortune 500 Southeast Asia 2024 do Tạp chí Fortune (Mỹ) công bố lần đầu tiên

Với 67 tỷ USD vào năm 2023, GDP của TP.HCM chiếm 4,5% trong nhóm so sánh, chỉ cao hơn một chút so với Hà Nội (54 tỷ USD và chiếm 3,7%), nhưng thấp hơn nhiều so với những thành phố còn lại. Gần nhất là Manila cũng gấp hơn hai lần TP.HCM.

Sự khiêm tốn trong phát triển của TP. HCM được thể hiện rất rõ ở GDP/người. GDP/người của TP.HCM vào năm 2023 là 7.100 USD, cao hơn một chút so với Hà Nội, nhưng chỉ bằng khoảng ¾ Manila, ⅓ Bangkok và Jakarta, ¼ Kuala Lumpur và 1/12 Singapore.

Quy mô của lực lượng DN TP.HCM

TP.HCM có 25 DN trong danh sách Fortune 500 ASEAN, chiếm tỷ lệ 5% và xếp cuối cùng trong nhóm so sánh. Có thể thấy, số DN góp mặt trong bảng xếp hạn Fortune của TP.HCM không chỉ thấp hơn các trung tâm kinh tế lớn như Bangkok với 90 DN, chiếm 18% mà còn thấp hơn cả Hà Nội với 27 DN.

Quy mô DN của 7 thành phố. Nguồn: Fortune 500 Đông Nam Á và thống kê của các thành phố

Quy mô DN của 7 thành phố. Nguồn: Fortune 500 Đông Nam Á và thống kê của các thành phố

Tổng tài sản của DN TP.HCM đạt 147 tỷ USD, chiếm 2,3% tỷ phần và thấp nhất trong trong nhóm so sánh. Con số này thua xa Singapore với 2.281 tỷ USD, chiếm 35,1% hay Bangkok với 1.076 tỷ USD, chiếm 16,6%. Bên cạnh đó, tỷ lệ tổng tài sản/GRDP của TP.HCM chỉ là 2,19 lần, chỉ bằng khoảng một nửa các thành phố khác và ¼ của Hà Nội.

Hiệu quả của DN TP.HCM

25 DN của TP.HCM tạo được 277.000 việc làm, chiếm 5,5% tổng số lao động và thấp nhất trong nhóm so sánh. Tỷ lệ lao động trong các DN được xếp hạng so với dân số của TP.HCM chỉ là 2,9%, thấp hơn 3,9% của Manila, 5,1% của Hà Nội và thấp hơn hẳn so với các thành phố khác.

Xét về khả năng tạo lợi nhuận, giá trị của các DN tại TP.HCM chỉ đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 3% tổng lợi nhuận của các thành phố có trong danh sách xếp hạng. So với các thành phố còn lại trong danh sách, giá trị về mặt lợi nhuận của TP.HCM đang nằm ở vị trí cuối cùng, ngày càng bị bỏ xa so với thành phố dẫn đầu là Singapore với 44,4 tỷ USD, chiếm 36,5%. Tỷ phần lợi nhuận so với GRDP của TP.HCM là 5,5%, thấp hơn hẳn so với các thành phố khác đặc biệt là 11,7% của Hà Nội.

Hiệu quả hoạt động DN của 7 thành phố. Nguồn: Fortune 500 Đông Nam Á và thống kê của các thành phố

Hiệu quả hoạt động DN của 7 thành phố. Nguồn: Fortune 500 Đông Nam Á và thống kê của các thành phố

Không những vậy, tỷ suất lợi nhuận/GRDP của TP.HCM cũng chỉ đạt 5,5%, thấp nhất trong bảng xếp hạng. Điều này cho thấy phần nào hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lời của các DN TP.HCM còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khu vực.

Điểm sáng của lực lượng DN TP.HCM là lợi nhuận trên tổng tài sản. Con số của TP.HCM là 2,5%, cao hơn 0,1% so với thành phố xếp thứ hai là Jakarta và cao hơn đáng kể so với các thành phố khác.

Những yếu tố tác động đến khả năng cạnh tranh của DN TP.HCM

Là một đô thị có dân số thuộc nhóm đông trong khu vực đông nam Á. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của TP.HCM là khá khiêm tốn. Nói một cách khác, năng lực cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á của lực lượng DN nói riêng, TP.HCM nói chung cần phải mau chóng cải thiện.

Kết quả phân tích trong Báo cáo Đánh giá năng lực cạnh tranh của lực lượng DN TP.HCM năm 2024 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Viện Sáng kiến Việt Nam cho thấy rất rõ điều này.

Năng lực cạnh tranh ở cấp độ DN. Chiến lược vận hành và định hướng cạnh tranh toàn cầu của DN nói chung, DN dẫn đầu nói riêng là không rõ ràng. Trình độ phát triển của các cụm ngành thấp và liên kết DN - hiệp hội chưa hiệu quả. Môi trường kinh doanh so với các thành phố khác trong khu vực có vị trí rất khiêm tốn.

Năng lực cạnh tranh ở cấp độ chính quyền. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP.HCM đang ở khoảng cách rất xa so với các thành phố khác, trong khi hiệu quả phục vụ của chính quyền cũng cần phải cải thiện.

Các yếu tố có sẵn. Trong các yếu tố sẵn có thì vị trí địa lý của TP.HCM thuộc nhóm thuận lợi, tài nguyên tự nhiên về cơ bản như những nơi khác. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế và tài nguyên sẵn có là rất khiêm tốn. Đây là yếu tố cần thời gian để có thể cải thiện.

Một số chỉ tiêu về kinh tế của TP.HCM và các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á. Nguồn: Tổng hợp từ thống kê chính thức của các thành phố

Một số chỉ tiêu về kinh tế của TP.HCM và các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á. Nguồn: Tổng hợp từ thống kê chính thức của các thành phố

DN là lực lượng tạo ra phần lớn của cải cho xã hội và là nhân tố quyết định đến vị thế kinh tế của một địa phương. Để trở thành một đô thị có vị thế và năng lực cạnh tranh ở nhóm giữa của khu vực, TP.HCM cần phải cải thiện rất nhiều yếu tố. Đối với DN, không chỉ xác định tầm nhìn, tạo lập vị thế trong nước và quốc tế mà khả năng hợp tác và liên kết là hết sức quan trọng. Với chính quyền và chính sách, chất lượng của hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cần được cải thiện song song với việc nâng cao năng lực và hiệu quả phục vụ.

TP.HCM đang đứng trước thời điểm quan trọng trong hành trình cải thiện vị thế tại Đông Nam Á, là hành trình tự chuyển mình để trở thành một trung tâm kinh tế thực sự trong khu vực.

Điều quan trọng không nằm ở hiện trạng mà ở cách Thành phố tận dụng nguồn lực, cải thiện chính sách và xây dựng môi trường kinh doanh đổi mới, công bằng và bền vững. Để vươn lên, TP.HCM không chỉ cần tầm nhìn chiến lược mà còn cần sự đồng lòng từ DN, chính quyền và cộng đồng.

Huỳnh Thế Du - Huỳnh Tuấn Kiệt

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nghiep-tp-hcm-o-dong-nam-a-nhung-van-de-dang-quan-tam-315345.html
Zalo