Doanh nghiệp thủy sản thiệt hại sau bão lũ, đối diện nguy cơ 'lỡ hẹn' các đơn hàng lớn

Do ảnh hưởng liên tiếp của cơn bão số 3 và mưa lũ, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng, buộc phải tạm dừng hoạt động, đối diện với muôn vàn khó khăn…

Lồng bè nuôi trồng thủy sản của doanh nghiệp và người dân bị hư hại nặng nề

Lồng bè nuôi trồng thủy sản của doanh nghiệp và người dân bị hư hại nặng nề

Dự báo thời điểm cuối năm lượng đơn hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện tại nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng do ảnh hưởng của bão lũ, nguồn nguyên liệu cũng bị nước lũ cuốn trôi, khó khăn chồng chất khó khăn.

Đã gần một tuần trôi qua kể từ thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta, nhưng thiệt hại do cơn bão gây ra vẫn còn chưa thể khắc phục. Ngay sau đó, hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ quét tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều tỉnh miền Bắc. Nhiều địa phương ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão như Hải Phòng, Quảng Ninh. Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, vận tải… hoạt động sản xuất thủy sản cũng đối diện với hàng loạt khó khăn khi nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh tan hoang sau thiên tai.

 Nhiều nhà xưởng sản xuất bị mưa bão tàn phá

Nhiều nhà xưởng sản xuất bị mưa bão tàn phá

Ước tính sơ bộ tại các địa phương, tổn thất về tài sản của các nhà máy sản xuất ít nhất từ 300 - 400 triệu đồng, có nhà máy thiệt hại 1-2 tỷ đồng, thậm chí có nhà máy tổn thất lớn lên đến gần 100 tỷ đồng.

Theo cập nhật từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), hiện trạng tại các khu vực sản xuất ven biển, nhiều nhà xưởng bị tốc mái, hệ thống điện bị hư hỏng, hàng đông lạnh bị ảnh hưởng vì mất điện... Có nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục cơ bản cho hệ thống sản xuất trở lại...

Ông Nguyễn Trường, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng) cho biết, công ty bị thiệt hại rất lớn sau bão số 3. Công ty có 3 nhà máy thì 2 nhà máy số 2 và số 3 thiệt hại rất lớn. Tổng thiệt hại của cả công ty (gồm 3 nhà máy) khoảng 100 tỷ đồng, và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và bị chậm thời hạn giao hàng đến khách hàng.

Tại nhà máy số 2 có 5 xưởng sản xuất đã bị thiệt hại rất lớn: 2 kho xưởng bao bì, thức ăn viên bị bị tốc mái và đổ hoàn toàn, bao bì bị ướt hỏng hết; hệ thống mái và tường của các xưởng khác đều bị bong tróc và bay mái nhiều chỗ. Đặc biệt, khu xưởng hệ thống máy điện của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hệ thống máy phát điện chính của nhà máy bị đánh hỏng hoàn toàn nên không có điện cho toàn bộ nhà máy.

 Doanh nghiệp đối diện khó khăn trong việc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu

Doanh nghiệp đối diện khó khăn trong việc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu

Nguyên liệu công ty nhập khẩu về đang phải tạm lưu container tại cảng (và chấp nhận chịu chi phí lưu kho và điện cắm tại cảng) vì hiện tại điều kiện tại nhà máy không đảm bảo để công ty đưa nguyên liệu về. Doanh nghiệp dự kiến phải tạm dừng hoạt động 20 ngày để có thể đảm bảo các điều kiện sản xuất.

Tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh, ông Đỗ Quang Sáng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cho biết, xưởng sản xuất của công ty bị bay một phần mái tôn, xưởng đá bị bay hoàn toàn mái tôn, bị lật 400-500m2. Trước mắt, ước tính công ty bị thiệt hại cơ sở vật chất khoảng gần 2 tỷ đồng, chưa kể đến thiệt hại do công ty phải tạm dừng sản xuất 4-5 ngày để dọn dẹp toàn nhà máy.

Chi nhánh Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (SEAPRODEX VIET NAM) tại Hải Phòng cũng bị ảnh hưởng tương tự, bởi có nhiều cây xanh bị đổ gãy nên ảnh hưởng đến việc ra vào nhà máy và cảng. Ông Nguyễn Tiến Thắng, Giám đốc chi nhánh cho biết, mái tôn của khu xưởng khô bị lật. Mái tôn và tường ở khu nhà kho cũng bị đổ và tốc mái. Mái tôn ở một số vị trí ở khu khác cũng bị bong vít và móp méo. Công ty đang tạm dừng sản xuất để thu dọn và dọn dẹp nhà xưởng. Ước tính thiệt hại của Chi nhánh khoảng hơn 400 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group cho biết, khu vùng nuôi của công ty tại Quảng Ninh bị đứt và trôi đi hết. Các thiết bị computer công ty gắn tại các lồng nuôi đều bị đánh chìm và không hoạt động được. Mặc dù tới giờ, công ty xác định được định vị của các thiết bị này nhưng vẫn chưa đi trục vớt được để kiểm tra xem còn hoạt động được không. Công ty bị mất toàn bộ lưới neo, phù du, sinh vật, nhiều cá lớn cỡ khoảng 40kg/con cũng bị trôi. Ước thiệt hại của công ty khoảng gần 10 tỷ đồng

Không chỉ thiệt hại lớn về tài sản, các doanh nghiệp còn đang đối mặt với nguy cơ không thể thực hiện các đơn hàng xuất khẩu theo đúng thời hạn. Cơ sở nhà xưởng, thiết bị, máy móc, điện, nước bị hư hỏng, đình trệ khiến hoạt động sản xuất bị ngưng lại làm ảnh hưởng đến đơn hàng và nguy cơ bị khách hàng phạt tiền là những tổn thất về cơ hội kinh doanh chưa thể tính được hết.

Hiện các doanh nghiệp vẫn đang tích cực khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do những ngày qua, thời tiết khu vực miền Bắc tiếp tục diễn biến theo hướng cực đoan, mưa lớn càng gây khó khăn cho việc khôi phục hoạt động sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo các địa phương về việc chăm sóc số cá còn sống để tiếp tục duy trì. Đối với cá chết, khung lồng gãy, phao đang ảnh hưởng đến môi trường... Cục Thủy sản yêu cầu các địa phương thu gom đưa lên bờ, rút kinh nghiệm, thay đổi vật liệu làm lồng, bè bằng vật liệu dẻo, chống chịu được sóng gió để giảm thiểu thiệt hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị nuôi biển với các địa phương miền Bắc bị thiệt hại để khắc phục hậu quả, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản tu sửa, khôi phục sản xuất.

Như Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/doanh-nghiep-thuy-san-thiet-hai-sau-bao-lu-doi-dien-nguy-co-lo-hen-cac-don-hang-lon-post554596.html
Zalo