Doanh nghiệp thời VUCA, làm gì để bứt phá?

Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh và nhiều biến động hiện nay, các doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ (SMEs), đang phải đối diện với nhiều thách thức. Việc xây dựng một nền tảng vững chắc để thu hút nhà đầu tư và mở rộng kinh doanh là vấn đề đặt ra cấp thiết.

Ngày 27/9, Câu lạc bộ CEO 1983 tổ chức CEO Talks với chủ đề “Bứt phá từ thách thức: Xây dựng doanh nghiệp vững mạnh và thu hút đầu tư”. Chương trình được thực hiện dưới sự chủ trì của Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trực thuộc Sở KH&ĐT Hà Nội.

Quanh cảnh CEO Talks với chủ đề: Bứt phá từ thách thức.

Quanh cảnh CEO Talks với chủ đề: Bứt phá từ thách thức.

Xác định đích đến của doanh nghiệp

Theo Phó Trưởng phòng Ươm tạo và Phát triển doanh nghiệp (Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp) Nguyễn Hoài Nam, có đến 97% tổng số DN hoạt động trên cả nước là DN thuộc nhóm SMEs; đang tạo ra hơn 50% việc làm cho người lao động.

Dù đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhưng các DN SMEs đang đối diện với nhiều khó khăn. Đặc biệt trong thời đại VUCA như hiện nay, khi môi trường kinh doanh hiện đại luôn biến động (volatility), không chắc chắn (uncertainly), phức tạp (complexcity) và mơ hồ (ambiguity). Vì vậy, việc xác định được đích đến, mục tiêu để có định hướng củng cố, phát triển DN là hết sức quan trọng.

Bày tỏ quan điểm về đích đến của DN, Founder & CEO Công ty CP Inmergers Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, trong thời đại VUCA, mọi điều kiện kinh doanh là khó có thể dự báo được. Ngày mai xảy ra chuyện gì thì không ai biết; việc cần làm là làm tốt việc của hôm nay.

ThS Lê Dung - Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, Viện trưởng Viện Doanh Trí.

ThS Lê Dung - Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, Viện trưởng Viện Doanh Trí.

Nhấn mạnh trong thời đại nào thì cũng có quy luật không thay đổi, đó là 4 đích đến của DN. Ở đó, phá sản là điều không ai muốn; đến được thế hệ thứ 2 - 3 kế thừa là tốt; IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) và lên sàn chứng khoán thì rất hiếm DN SMEs đạt được.

Cũng bởi vậy, hiện nay hầu hết các DN SMEs hướng đến M&A (mua bán và sáp nhập) và có nhân tố mới tham gia điều hành. “Đây là đích đến phù hợp hơn cả dành cho các DN SMEs, có thể góp phần giải quyết những bài toàn về quản trị và tài chính, vốn là những vấn đề rất phức tạp đối với DN…” - bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhìn nhận.

AI, thương hiệu và quản trị doanh nghiệp

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, nhiều DN nói chung, SMEs nói riêng đang phải vật lộn với bài toán tăng trưởng kinh doanh. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng một thương hiệu vững mạnh và thu hút khách hàng. Tối ưu hóa quản trị, tìm kiếm cách thu hút nhà đầu tư và mở rộng quy mô để phát triển bền vững.

CEO Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch SaoKim Branding cho rằng, để xây dựng được thương hiệu thì đòi hỏi cần có thời gian. Thêm nữa, không phải lúc nào DN cũng đủ nguồn lực để thực hiện được mục tiêu tạo dựng thương hiệu ngay trong một sớm một chiều.

Các diễn giả tham gia trao đổi tại CEO Talks.

Các diễn giả tham gia trao đổi tại CEO Talks.

CEO Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ, lộ trình xây dựng thương hiệu với 6 bước. Từ nghiên cứu (về ngành hàng, khách hàng, đối thủ cạnh tranh…), đến chiến lược thương hiệu (điểm khác biệt, định vị…); bộ nhận diện thương hiệu (logo, slogan…); truyền thông thương hiệu; quản trị thương hiệu và bảo vệ thương hiệu.

Bộ rễ của cái cây thương hiệu, theo CEO Nguyễn Thanh Tuấn nằm ở tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh và lịch sử thương hiệu. Quá trình xây dựng thương hiệu của DN nên được quan tâm từ gốc; như vậy mới thực sự bền vững.

Trong khi đó, Founder & CEO Công ty CP Simplamo Enterprise Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh vai trò của AI, đồng thời tin rằng các DN SMEs hoàn toàn có thể bứt phá nhờ những ứng dụng tuyệt vời của AI. Điều này có thể có được thông qua những giá trị tuyệt vời của AI trong hỗ trợ xây dựng khung tổ chức vận hành, thiết lập các bảng điểm đo lường và giúp chủ DN nắm bắt DN.

Câu lạc bộ CEO 1983 và CEO Talks góp phần kết nối cộng đồng doanh nghiệp trẻ.

Câu lạc bộ CEO 1983 và CEO Talks góp phần kết nối cộng đồng doanh nghiệp trẻ.

Chia sẻ góc nhìn của nhà đầu tư chuyên nghiệp về định giá DN, Chủ tịch Quỹ đầu tư Việt Nam - Singapore (VNS Capital) Nguyễn Trung Kiên chỉ ra 12 tiêu chí chính đánh giá DN để đầu tư. Cụ thể là: sản phẩm và dịch vụ, chính sách và quản trị, ban điều hành, chiến lược phát triển, marketting và bán hàng, thị trường và cạnh tranh; hệ thống kinh doanh và tổ chức; cơ hội và rủi ro; kiểm soát hoạt động; tốc độ triển khai; ứng dụng công nghệ và các báo cáo tài chính.

Chủ tịch VNS Capital cũng nhấn mạnh, trước khi muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cần trở thành nhà nghiên cứu phân tích chuyên nghiệp. Đồng thời, khuyến nghị các DN, bao gồm cả SMEs, cần chuẩn bị tâm thế đầu tư ngay từ khi có ý tưởng, để chủ động phát triển dự án khi có nguồn lực.

Founder & CEO Công ty CP Inmergers Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, M&A và mở rộng đầu tư là xu hướng, và thời điểm vàng để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là khi DN đang hoạt động ổn định, tăng trưởng tốt.

“Để DN không bị “nuốt chửng”, cần xây một doanh nghiệp vững mạnh. Ở đó, đội ngũ lãnh đạo cần có tư duy mở, sẵn sàng đón nhận nhân tố mới. Việc cập nhật những số liệu tài chính rõ ràng cũng là vấn đề cần thiết để có thể tạo dựng được niềm tin của nhà đầu tư…” - CEO Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh.

“Doanh nghiệp muốn phát triển vững mạnh thì phải hợp lực và trang bị đầy đủ kiến thức để phòng, chống rủi ro, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động như hiện nay. Thông qua CEO Talks hôm nay, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được những giải pháp, kiến thức nền tảng và tự tin hơn trong hành trình phát triển doanh nghiệp từ Zero lên Hero. Bên cạnh đó, CEO Talks cũng là kênh kết nối hữu ích để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh…” - ThS Lê Dung - Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, Viện trưởng Viện Doanh Trí.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-thoi-vuca-lam-gi-de-but-pha.html
Zalo