Doanh nghiệp tham gia kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn: 'Có nơi thời gian xin thủ tục gấp 3 lần thời gian lắp đặt vận hành'

Phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Những xu hướng này đang tạo ra những cơ hội và thách thức lớn, đặc biệt cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình hoạt động thực tiễn không tránh khỏi một số khó khăn.

Mô hình vòng tuần hoàn khép kín: khai thác – sản xuất – sử dụng – tái sử dụng – tái chế

Tại Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đối tác liên quan tổ chức sáng 25/9, các chuyên gia phân tích, trong vòng 30 đến 40 năm tới, sự biến động dân số thế giới sẽ được ước tính tăng lên khoảng 8 tỷ người vào năm 2030, khoảng hơn 9 tỷ người vào năm 2050. Đến năm 2050 sẽ cần đến ba hành tinh Trái đất để cung cấp tài nguyên và hấp thụ rác thải.

Theo Ủy ban Châu Âu, lượng chất thải phát sinh trung bình của Châu Âu (khoảng 12,43 kg/người mỗi ngày) cao gấp 2,74 đến 16,8 lần so với mức trung bình toàn cầu do Ngân hàng Thế giới ước tính (khoảng 0,74kg đến 4,54kg/người mỗi ngày).

Từ đó nhấn mạnh việc tái chế nhiều hơn là rất cấp thiết. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ thể hiện cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra nhiều cơ hội.

Đầu tiên là tạo cơ hội và động lực quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa (gắn với cộng sinh công nghiệp), và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thêm vào đó, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tạo điều kiện để khai thác hiệu quả hơn các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Cuối cùng, cần sớm có chủ trương và lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn để tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận nhanh và hiệu quả hơn đối với các nguồn tài chính xanh và nguồn vốn hỗ trợ phát triển từ đối tác.

Thực tế khi thực hiện kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp

Theo WB, Việt Nam thuộc 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học (tổn thất có thể lên đến 11% GDP vào năm 2100), vì thế tăng trưởng xanh là điều tất yếu.

Tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định: “Việc tăng trưởng xanh sẽ tăng hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn khi cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm (so với đầu tư năng lượng hóa thạch). Bên cạnh đó, tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp”.

Trao đổi với phóng viên Doanhnhanvn, TS Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sạch hơn Việt Nam (đơn vị tư vấn thuộc hệ thống doanh nghiệp của trường Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Trung tâm là đơn vị tư vấn giúp cho các doanh nghiệp cũng như khu công nghiệp chuyển đổi, áp dụng mô hình về sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và tuần hoàn tái chế, tái sử dụng tại doanh nghiệp.

Cụ thể, trong công nghiệp có rất nhiều các mô hình tuần hoàn khác nhau. Ví dụ như doanh nghiệp dệt may có thể tuần hoàn nước, tái sử dụng nước trong sản xuất, hay đơn vị mía đường thì tất cả chất thải đều quay trở về sản xuất. Bã mía thì quay trở về làm phát điện, bùn thải thì làm phân vi sinh, nước thải tuần hoàn trở lại thành nước làm mát, các chất thải như mật rỉ đường để làm cồn… Đây là các mô hình trong thực tế và đã thành công.

Ngoài ra còn có mô hình kinh tế tuần hoàn giữa các doanh nghiệp với nhau, hoặc doanh nghiệp với khu công nghiệp, thậm chí là tuần hoàn ngay trong khu công nghiệp để chuyển mình từ khu công nghiệp thông thương sang khu công nghiệp sinh thái, để tất cả có thể giảm thiểu những chất phát thải ra để quay trở về trong quá trình sản xuất”.

Theo ông Thịnh, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Thứ nhất là sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận để phát triển bền vững hơn. Đồng thời thân thiện với môi trường hơn và đáp ứng với các tiêu chuẩn ngày càng đòi hỏi cao của thị trường người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài. Ví dụ như tại doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, việc tuần hoàn nước có thể tiết kiệm được tới 50-60% nước thải ra bên ngoài, nghĩa là không tốn chi phí xử lý. Đồng thời, họ thu lại được lượng bột giấy thải, giảm tác động đến môi trường và mang lại lợi ích kinh tế, tăng thêm lợi nhuận 3-5%.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. “Hiện nay chúng ta có Luật về bảo vệ môi trường cũng đã khuyến khích về phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên các nghị định, thông tư có những hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa có những bộ tiêu chí để có thể đưa cho doanh nghiệp thực hiện một cách đầy đủ, làm thế nào để kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn như doanh nghiệp mong muốn tái sử dụng nước thì hiện nay còn đang lúng túng, không biết thực hiện như thế nào vì có thể sẽ vướng vào một số cam kết, các đánh giá báo cáo tác động môi trường đã đăng ký trước đây”, ông Thịnh nói.

“Chúng tôi cũng đã đề nghị với các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có rà soát và dỡ bỏ rào cản để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn”, vị này nói thêm.

Ngoài ra, dù đã được đề cập đến nhiều thế nhưng các mô hình triển khai chưa rõ ràng và chưa có nhiều ví dụ thành công để doanh nghiệp có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Do đó, cần phải dần xây dựng được một bộ tiêu chí kinh tế tuần hoàn cho từng lĩnh vực để xác định được thế nào là kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cũng phải xây dựng được chứng nhận về kinh tế tuần hoàn để doanh nghiệp, đối tác có thể tăng độ nhận diện.

Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho hay, để tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn cũng như phát triển bền vững, công ty đã lên mục tiêu và triển khai hành động cụ thể để đáp ứng các các yêu cầu pháp lý trong nước cũng như thỏa mãn các yêu cầu đánh giá từ các thị trường nhập khẩu (như Mỹ, EU, Nhật Bản).

Các yêu cầu về xanh hóa ngày càng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới. Ảnh: May 10

Các yêu cầu về xanh hóa ngày càng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới. Ảnh: May 10

“Trong thời gian gần đây, người ta đã áp dụng rất nhiều các định chế, quy tắc đối với hàng nhập khẩu vào các thị trường của họ, đối với ngành may của Việt Nam nói chung cũng như tại Tổng công ty May 10 cũng không ngoại lệ. Chúng tôi phải chịu áp lực đánh giá của rất nhiều khách hàng. Từ quản lý chất lượng, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 với trách nhiệm xã hội và thêm nữa là các hành động, chương trình cũng như kết quả của việc thực hiện đảm bảo về môi trường, đảm bảo xanh hóa trong sản xuất”, ông Mạnh nói.

“Chuyển đổi xanh có thể có những điểm bắt đầu nhưng chắc chắn không có điểm kết thúc với sự phát triển văn minh, tiến bộ của loài người cũng như sự phát triển không ngừng và khoa học công nghệ. Chắc chắn trong tương lai xa nữa sẽ có nhiều nhu cầu, cơ hội hơn nữa để chúng ta chuyển đổi xanh trong sản xuất”.

Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10

Ông Mạnh nói thêm: “Thực tế trong quá trình sản xuất và chuyển đổi xanh, công ty đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng ISO năm 2001, thường xuyên kiểm toán năng lượng và tìm ra những các cơ sở, khía cạnh có thể cải tạo, nâng cấp tiết kiệm và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn. Song song với đó thì cũng tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo, lắp những hệ thống điện năng lượng mặt trời và đã có được chứng chỉ chứng nhận. Việc này không chỉ mang những lợi ích về kinh tế, giảm chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh công ty với thị trường và các đối thủ.

Về vấn đề khí thải nhà kính, chúng tôi cũng đã triển khai kiểm kê khí nhà kính. Tổng công ty May 10 trước đây cũng sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch từ than. Bình quân hàng năm khoảng 1.500 tấn than cho việc đốt lò hơi để sử dụng hơi nóng cho dây chuyền sản xuất nhưng đến nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang việc sử dụng nhiên liệu Biomass (nhiên liệu tồn tại đa dạng từ phụ phẩm nông - lâm nghiệp như trấu, bã mía, mùn cưa gỗ, dăm bào…). Với việc chuyển đổi này thì theo tính toán và kiểm kê chúng tôi đã giảm được khoảng được 3.500 - 3.600 tấn khí thải CO2/năm.”

Ngoài ra, công ty còn có các giải pháp như thay thế các thiết bị công nghệ đã lạc hậu, siết chặt việc định mức của nguyên phụ liệu,...

“Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng không tránh khỏi một số bất cập. Về chính sách vĩ mô cũng như cơ sở của luật pháp thì cũng có đầy đủ, nhưng cụ thể trong quá trình thực tiễn triển khai cũng không tránh được một số bất cập, vì việc dẫn giải chưa rõ ràng, có những cách hiểu của địa phương, các cơ quan ban, ngành ở một số địa phương không giống nhau.

Công ty May 10 hiện nay có 13 nhà máy tại 7 tỉnh, thành phố. Khi thực hiện triển khai các dự án liên quan đến lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái hoặc vấn đề về xử lý cấp 2 của nước thải để tận dụng nước sau khi xử lý cho một quy trình khác trong quá trình sản xuất… cũng phải phụ thuộc vào rất nhiều quy chế, quy định khác của địa phương. Và có nhiều điều chưa được rõ ràng đối với các doanh nghiệp hay những người sử dụng, trong khi cần phải xin ý kiến, cần sự sự đồng ý của nhiều cơ quan, chủ thể liên quan khác thì mới đủ điều kiện để có thể được thực hiện một dự án mong muốn về năng lượng tái tạo, xử lý về môi trường, sản xuất, tái chế về rác thải để có được nguồn nguyên liệu cung ứng cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ví dụ như đối với lĩnh vực điện năng lượng mặt trời áp mái thì Nghị định 80 của Chính phủ mới ban hành cơ chế có thể mua bán điện trực tiếp giữa những nhà sản xuất và đơn vị lắp đặt năng lượng mặt trời tự sản, tự tiêu, được phép bán lượng dư thừa không quá 20% đối với công suất lắp đặt. Đây là một điều mới, mở ra một cơ hội, động lực tốt đối với các doanh nghiệp khi muốn đầu tư, vừa để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí về nhiên liệu và đồng thời tăng thêm tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo để chung tay vào việc bảo vệ môi trường. Cũng để giảm bớt áp lực thu hồi vốn đầu tư đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng cần thiết phải có một cơ chế về tính giá rõ ràng hơn. Đồng thời, các cơ chế về đấu nối cũng cần xem lại. Thực tế hiện tại chưa có sự rõ ràng về việc đấu nối của hệ thống điện năng lượng mặt trời của doanh nghiệp tự sản, tự tiêu đối với doanh điện với điện lưới quốc gia.

“Có những nơi cách hiểu và cách giải quyết quy định có phần “thông thoáng” hơn nên việc triển khai thác lắp đặt rất nhanh. Có những nơi thời gian chúng tôi xin các thủ tục gấp 3 lần thời gian tổ chức triển khai lắp đặt hệ thống đến lúc khai thác vận hành. Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là sự rõ ràng, hướng dẫn cụ thể. Trong các chính sách cần cụ thể hơn để cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan chủ quản có được tiếng nói hiểu nhau hơn, rút ngắn lại các quy trình, thủ tục trong việc giải quyết các điều kiện cho các doanh nghiệp được triển khai thực hiện các dự án mình mong muốn”, ông Hà đề xuất.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nghiep-tham-gia-kinh-te-xanh-kinh-te-tuan-hoan-co-noi-thoi-gian-xin-thu-tuc-gap-3-lan-thoi-gian-lap-dat-van-hanh.html
Zalo