Doanh nghiệp quan tâm đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

Đồng Nai hiện có 35 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, trong đó có 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng; 3 KCN mới được thành lập là: Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp và Phước Bình 2. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đã quan tâm, tìm hiểu và đề xuất xây dựng hạ tầng các KCN mới trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN thứ cấp.

Phối cảnh một dự án nhà xưởng cho thuê thế hệ mới tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 của Công ty CP Tập đoàn KCN Việt Nam.

Phối cảnh một dự án nhà xưởng cho thuê thế hệ mới tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 của Công ty CP Tập đoàn KCN Việt Nam.

Phát triển KCN và gia tăng thu hút đầu tư nhưng Đồng Nai cũng đang thực hiện mục tiêu chọn lọc dự án không chỉ sản xuất, chế tạo mà cả trong việc xây dựng hạ tầng KCN nên các nhà đầu tư hạ tầng cũng phải hiểu rõ Quy hoạch tỉnh và tuân thủ các cam kết của mình khi tìm cơ hội tại địa phương.

Nhiều nhà đầu tư đề xuất xây dựng khu công nghiệp

Gần đây nhất, ngày 3-1, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã có buổi làm việc với Công ty CP Đầu tư và xây dựng KCN Vĩnh Lộc - Bến Lức cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan về đề xuất xây dựng dự án KCN trên địa bàn tỉnh.

Công ty CP Đầu tư và xây dựng KCN Vĩnh Lộc - Bến Lức đã đề xuất với tỉnh được nghiên cứu đầu tư dự án KCN quy mô 500 hécta nằm trong khu vực được quy hoạch xây dựng KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp (quy mô 2,6 ngàn hécta). Trong quy mô 2,6 ngàn hécta, có 1 ngàn hécta đã được Chính phủ đã chấp thuận cho Công ty CP KCN Tân Hiệp làm chủ đầu tư; phần diện tích còn lại 1,6 ngàn hécta tỉnh đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư thực hiện. Do đó, Công ty CP Đầu tư và xây dựng KCN Vĩnh Lộc - Bến Lức đề xuất một khu vực rộng 500 hécta trong phần còn lại nói trên.

Để phát triển bền vững, Đồng Nai đang tăng cường nghiên cứu, đề xuất phát triển các KCN mới, có tính chất chuyên sâu như KCN liên kết ngành, công nghiệp hỗ trợ, sinh thái...

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng KCN Vĩnh Lộc - Bến Lức Nguyễn Tiến Trung, DN đề xuất phát triển dự án theo đúng quy hoạch của tỉnh và phát triển đồng bộ với hạ tầng của khu vực.

Ngoài khu vực Bàu Cạn - Tân Hiệp thì KCN Long Đức 3 và KCN Xuân Quế - Sông Nhạn giai đoạn 1 cũng đã được chấp thuận đầu tư cho các DN. Trước đó, một số DN trong ngành gỗ cũng mong muốn xây dựng KCN chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. Công ty CP Tập đoàn Tân Mai đề xuất nghiên cứu, thành lập KCN Mo Nang quy mô hơn 200 hécta ở huyện Vĩnh Cửu. DN này muốn xây dựng KCN chuyên ngành gỗ phục vụ việc di dời các cơ sở chế biến gỗ tại thành phố Biên Hòa và các địa phương lân cận ra khỏi khu dân cư hiện hữu.

Tương tự, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai và các đối tác cũng đề xuất xây dựng một trung tâm sản xuất, triển lãm đồ gỗ liên vùng trên quy mô khoảng 1 ngàn hécta tại huyện Xuân Lộc.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành Mai Hữu Tín cho rằng, Đồng Nai hội tụ các yếu tố để quy tụ nhân lực, công nghệ, mặt bằng để có thể tái cấu trúc, sắp xếp lại ngành gỗ trên phạm vi không chỉ của tỉnh, mà là cả nước. Việc có khu sản xuất tập trung quy tụ những DN lớn ngành gỗ nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho mặt hàng này của Việt Nam.

Đồng Nai hướng tới phát triển khu công nghiệp thế hệ mới

Quy hoạch tỉnh trong thời kỳ 2021-2030 có định hướng xây dựng các KCN xanh để thu hút các ngành công nghệ cao, đồng thời chuyển đổi các KCN hiện hữu thành các KCN sinh thái. Định hướng phát triển các KCN xanh cũng phù hợp với xu hướng đầu tư hiện nay. Tỉnh đã nhận được những quan tâm và triển khai thực hiện từ các thương hiệu quốc tế như: Amata, Sojitz, các tập đoàn từ Hàn Quốc... Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, một số tập đoàn trong nước như Sovico, Saigon Tel cũng quan tâm và muốn đầu tư các dự án KCN xanh, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Phối cảnh vị trí đề xuất xây dựng Dự án Khu công nghiệp Mo Nang tại huyện Vĩnh Cửu của Công ty CP Tập đoàn Tân Mai. Ảnh: V.GIA

Phối cảnh vị trí đề xuất xây dựng Dự án Khu công nghiệp Mo Nang tại huyện Vĩnh Cửu của Công ty CP Tập đoàn Tân Mai. Ảnh: V.GIA

Theo Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương, Đồng Nai đang triển khai Đề án Net zero để thực hiện chuyển đổi xanh, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, hạn chế thu hút các dự án sử dụng lao động lớn, dự án thuộc các nhóm ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, Đồng Nai đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư hạ tầng KCN và tỉnh cũng đang chọn lọc thu hút đầu tư cả dự án thứ cấp lẫn phát triển KCN theo hướng sinh thái. Do đó, các nhà đầu tư đề xuất dự án cần nắm rõ chủ trương của tỉnh, làm việc với các bên liên quan để thực hiện các thủ tục pháp lý, nếu được chấp thuận đầu tư thì phải thực hiện nghiêm theo cam kết đã đề ra.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/doanh-nghiep-quan-tam-dau-tu-ha-tang-khu-cong-nghiep-d876c14/
Zalo