Đề xuất nhiều biện pháp xử lý doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định liên quan việc chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, trong đó có nhiều điểm mới về biện pháp xử lý doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH.

 Hoạt động thanh tra, kiểm tra đóng BHXH tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa: BHXH

Hoạt động thanh tra, kiểm tra đóng BHXH tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa: BHXH

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP cùng với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã tạo hành lang pháp lý hữu hiệu cho công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đến nay, việc áp dụng trên thực tế, đã xuất hiện các yêu cầu, đòi hỏi các quy định xử phạt về bảo hiểm xã hội cần phải được tiếp tục hoàn thiện; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật sau khi Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 được ban hành.

Trong đó, khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn áp dụng Nghị định số 12/2022/NĐ-CP phát sinh một số vướng mắc, bất cập trong công tác xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, như tại khoản 5 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động...". Tuy nhiên, chưa có quy định về việc xác định mức tiền phạt trong trường hợp đối tượng vi phạm đã khắc phục hết số tiền chậm đóng trước thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.

Về xác định số ngày chậm đóng BHXH, theo khoản 2, khoản 3 Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, số ngày chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được xác định bắt đầu từ ngày thứ 61 kể từ ngày hết thời hạn. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất tại Điều 4, dự thảo Nghị định quy định việc "Tổ chức thu số tiền chậm đóng và số tiền lãi bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng".

Theo đó, hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội xác định số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp; tính số tiền người sử dụng lao động phải nộp bằng 0,03%/ngày đối với số tiền chậm đóng trong tháng, số ngày chậm đóng trong tháng.

Lực lượng chức năng thanh tra đột xuất các doanh nghiệp để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng thanh tra đột xuất các doanh nghiệp để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Ảnh minh họa

Với trường hợp "trốn đóng BHXH", được xác định: Sau 60 ngày tính từ ngày hết thời hạn mà người sử dụng lao động "không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm thất nghiệp".

Các trường hợp khác cũng bị coi là trốn đóng BHXH là các hành vi vi phạm pháp luật về lao động: Không giao kết hợp đồng lao động, ký kết hợp đồng bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên để không đóng bảo hiểm xã hội, ký kết hợp đồng dịch vụ với nhóm người lao động, chấm công sai thực tế.

Không đăng ký tăng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian 60 ngày tính từ ngày điều chỉnh tăng tiền lương cho người lao động.

Điều 10 dự thảo Nghị định cũng quy định các biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp: Khi phát hiện hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng đồng thời các biện pháp xử lý sau:

Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/doanh-nghiep-phai-nop-tien-cham-dong-bhxh-voi-lai-suat-003-ngay-20250101235433306.htm
Zalo