Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó thực hiện chính sách xanh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 95% trong cộng đồng doanh nghiệp. Việc khuyến khích loại hình doanh nghiệp này tham gia vào chuyển đổi xanh chính là để đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu bảo vệ môi trường. Đồng thời, tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh và tối đa hóa các nguồn lực để phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư, tăng năng suất, năng lực công nghệ.

Báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện cho thấy, nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo xanh, nhiều địa phương và doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quan tâm triển khai ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm... Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo xanh thông qua thực hành ESG, đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất cũng được triển khai. Trong điều kiện nguồn lực tài chính, nhân lực hạn chế nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tìm hướng đổi mới phù hợp với năng lực hiện có, để không cần đầu tư quá nhiều vốn.

Tuy nhiên, khảo sát của CIEM cho thấy, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ xanh hiện nay thực sự chưa nhiều; việc thực hành ESG còn một số hạn chế. Theo Chỉ số Xanh cấp tỉnh 2023, tỷ lệ doanh nghiệp triển khai một hoạt động xanh hóa bất kỳ trong 2 năm 2022-2023 trung bình toàn quốc là 38,7%; tỷ lệ doanh nghiệp đã áp dụng các thực hành xanh tính đến thời điểm trước đây 2 năm trung bình toàn quốc là 17,7%.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa dành ưu tiên lớn nhất cho việc duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Vì vậy, dù nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo, phải chuyển đổi theo hướng xanh để phù hợp với xu hướng phát triển nhưng doanh nghiệp không thể “mạnh tay” đầu tư cho đổi mới sáng tạo xanh.

Theo ông Nguyễn Công Minh Bảo, đồng sáng lập Green Transition Consulting & Training, quá trình chuyển đổi xanh đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước tiên phải kể đến là tài chính. Việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh thường đòi hỏi một nguồn lực lớn, khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư. Chi phí chuyển đổi cao và thời gian hoàn vốn dài cũng là một rào cản lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp hạn chế khi tiếp cận công nghệ, thiếu nhân lực có kỹ năng chuyên môn, thiếu khung pháp lý và chính sách hỗ trợ; đặc biệt là khó khăn trong việc đo lường, báo cáo. Quan trọng hơn, luôn gặp phải áp lực cạnh tranh từ những doanh nghiệp lớn và nhu cầu thị trường chưa rõ ràng, khó khăn khi tìm nhà cung cấp xanh.

Việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh thường đòi hỏi một nguồn lực lớn, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn đầu tư

Việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh thường đòi hỏi một nguồn lực lớn, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn đầu tư

Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực của thị trường quốc tế, biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu dùng xanh và các quy định quản trị minh bạch, dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt nên thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết, phát triển kinh tế theo hình thức hợp tác phát triển, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh… Bên cạnh đó, sự chung tay của các nhà đầu tư cũng góp phần đổi mới công nghệ sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường.

Thực tế hiện nay, việc thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế. Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn thấp, các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, sản phẩm ít mới với thị trường. Do hàm lượng công nghệ chưa cao, các doanh nghiệp mới chủ yếu “đổi mới xanh” trong sử dụng nguyên liệu đầu vào đối với doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm; áp dụng quy trình tuần hoàn đối với doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản. Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ xanh trong toàn bộ dây chuyền sản xuất chưa nhiều, việc thực hành ESG tại doanh nghiệp còn hạn chế.

Chính vì vậy, để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi xanh, các chuyện gia cho rằng, cần áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đổi mới sáng tạo xanh. Các chính sách thuế, phí khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm bảo vệ môi trường đã được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian qua như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên; miễn, giảm thuế sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo và miễn, giảm thuế xuất, nhập khẩu đối với hàng hóa, linh kiện và nguyên liệu sử dụng trong sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường… sẽ là động lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng chuẩn hóa để vươn ra thị trường quốc tế.

Tuyết Thanh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-kho-thuc-hien-chinh-sach-xanh-159841.html
Zalo