Doanh nghiệp nhỏ 'chạy đường trường' với ESG
Thực hành các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là quá trình đầu tư dài hạn. Không phải ai cũng có vốn, có nhân lực và một hướng đi cụ thể, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Tận dụng nguồn lực ít ỏi, đầu tư có trọng điểm và bắt đầu từ điểm mạnh là cách làm của một số doanh nghiệp hiện nay.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 4.000 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững nhờ vào các nguồn lực của các tổ chức quốc tế. Con số này như muối bỏ biển khi có đến 1 triệu doanh nghiệp lớn nhỏ trên cả nước cần được hỗ trợ thực hành chuyển đổi xanh.
“Nghèo cũng là lợi thế”
Chuyến du lịch xanh ở xứ dừa bắt đầu từ bến tàu. Khi xuống tàu, mỗi du khách sẽ nhận được một quyển sổ tay nhỏ, cây bút chì và một cuốn hộ chiếu “net zero”. Hướng dẫn viên sẽ hướng dẫn cách ghi chép trong cuốn sổ, như lượng phát thải của từng sản phẩm và hoạt động, các biện pháp bù đắp lượng phát thải…
Theo con nước lớn ròng, những chiếc ghe, thuyền bắt đầu len lỏi giữa những rặng dừa mát rượi, nương theo những rặng bần hai bờ sông, hòa mình vào nhịp sống bình dị của người dân địa phương. Thủy triều của miệt này bốn lần thay đổi dòng chảy trong ngày, mỗi lần sáu tiếng đồng hồ, nước lên rồi nước xuống. “Thuyền của C2T mượn sức nước lớn mà đi, giảm tiêu hao xăng dầu, tức giảm lượng phát thải”, Võ Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T, giải thích.
Thuyền cập bến, lên bờ khách sẽ đến thăm làng nghề kẹo dừa, nghe đờn ca tài tử, nếm mật ong vườn, giải khát với nước dừa của nhiều giống dừa khác nhau, nghe kể chuyện về cuộc đời của cây dừa trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn mặn tấn công.
Từ tháng 3-2024, C2T bắt đầu giới thiệu “Net Zero Passport” (NZP) - tour du lịch xanh thú vị về Bến Tre. Đến tháng 11 vừa rồi, C2T đạt giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 trong lĩnh vực tiếp thị với dự án có tính tiên phong NZP. Đây là doanh nghiệp du lịch duy nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt giải thưởng này.
Nhưng không phải chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi của năm 2024 mà C2T được trao giải này. Đó là quá trình dài từ nhiều năm trước.
Du khách về miền Tây thường được đưa đến những vườn sinh thái, khu du lịch đơn điệu, ăn trưa với cá tai tượng chiên xù, canh chua cá lóc, mua vài món lặt vặt rồi về. Phong bắt đầu đa dạng hóa các sản phẩm của riêng Bến Tre.
Với nhà vườn, Phong góp ý về chỉnh trang khu vườn trái cây, làm thêm bàn ăn dưới tán cây, làm “cầu khỉ” chắc chắn hơn. Khi gia đình chủ vườn có đám giỗ hay cưới hỏi thì C2T sẽ mời khách tham dự. Khách nước ngoài và cả khách vùng khác đều thích thú với các bữa tiệc của người miền Tây…
Về miệt biển, C2T hình thành tour du lịch rừng ngập mặn. Khách được dầm chân trần trong cát mịn của bãi bồi, câu cá thòi lòi biển, bẫy cua, nướng cá, hái trái bần nấu canh chua…
“Nghèo cũng là lợi thế”, Phong kể quá trình thực hành ESG của C2T.
Đầu tiên, C2T thực hiện tour giá rẻ cho mọi đối tượng, rồi bắt đầu xây dựng quy cách phân loại rác và tái chế. Trái dừa khách uống xong hay ở cơ sở chế biến được tận dụng sơ dừa làm sợi, gáo dừa làm chất đốt, đồ mỹ nghệ. Sau đó, mới đến sử dụng năng lượng mặt trời. Phong mơ ước sẽ có càng nhiều các sản phẩm OCOP xanh ở các điểm du lịch của tour NZP.
“Cho đến giờ, khách của tour net zero là khách đoàn, phần lớn là khách nước ngoài, từ hãng lữ hành Vietravel”, Phong nói.
Số và xanh cùng tạo áp lực
Năm 2013, trang trại Queen Farm hay Công ty TNHH Nông nghiệp sinh thái được thành lập ở Bình Phước. Đó cũng là bước rẽ của Nguyễn Thế Tùng - người lần đầu bước vào nghề nông, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Toàn bộ đất của trang trại trước đây là rừng cao su. Sau nhiều năm bón phân hóa học, đất rừng cao su bị chai cứng, khô cằn, bạc màu. Ban đầu, Queen Farm phải nỗ lực cải tạo đất bằng cách nâng độ pH, nâng độ dưỡng chất của đất. Trang trại cũng tự kéo lưới điện riêng, đào hai hồ chứa nước riêng, đầu tư làm 75 ki lô mét đường ống tưới tự động theo công nghệ tưới Israel. Mọi việc được tự động hóa và điều khiển trên ứng dụng điện thoại.
Đến năm 2020, Queen Farm mới bắt đầu xuống giống cây sầu riêng đầu tiên. Lúc đó, sầu riêng chưa “hot” như bây giờ. Nhưng Tùng quyết định kế hoạch dài hơi, đầu tư bài bản cho trang trại.
Đến nay, Queen Farm là trang trại quy mô lớn chuyên canh tác sầu riêng tại Bình Phước, với hơn 10.000 cây với ba giống khác nhau, gồm Dona (Monthong), Musang King và Ri6. Ngoài ra trang trại còn trồng mít Chiang Rai, vú sữa Mica, điều, chuối…
Trang trại chia làm bốn khu, phân thành 30 lô. Mỗi cây trồng của Queen Farm đều có chip điện tử, định danh cho từng cây. Lao động ở trang trại hay du khách có thể tìm hiểu các thông tin liên quan đến cây, xác định vị trí chính xác…
Kho dữ liệu là tiền đề để Queen Farm thực hiện ESG và đó cũng là thế mạnh của trang trại. Nhưng “Số chưa xong, Xanh đã đến. Áp lực vô cùng”, Nguyễn Thế Tùng nói và cho rằng thực hiện chuyển đổi xanh là áp lực mới của Queen Farm. Tuy vậy, những bước đi trước đó trong cải tạo đất, tiếp cận canh tác hữu cơ thực sự đã giảm bớt áp lực cho Queen Farm.
Trang trại bắt đầu tìm nhà cung cấp cây giống và vật tư đạt chuẩn, quy trình quản lý và đào tạo nhân sự chặt chẽ và khoa học hơn. Rác sinh hoạt đến phế phẩm trong quá trình sản xuất được phân loại, bỏ vào thùng đúng nơi quy định, rác hữu cơ được tái chế làm phân bón.
Quá trình số hóa giúp quá trình tưới tiêu, bón phân của Queen Farm hữu hiệu hơn. Cả trang trại rộng 55 héc ta chỉ có 13 người lao động làm việc, trong đó có hai kỹ sư nông nghiệp.
Thách thức của chuyển đổi xanh với doanh nghiệp
Có đến 64% số doanh nghiệp Việt Nam nói chưa thật sự sẵn sàng cho chuyển đổi xanh, hơn 50% nói chuyển đổi xanh “chưa thật sự cần thiết”(1). Kết quả khảo sát 2.734 doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp gặp ba thử thách chính: nguồn vốn, nhân sự có chuyên môn và các giải pháp cụ thể, phù hợp.
Như vậy doanh nghiệp lớn nhỏ phải tự vượt qua khó khăn, bằng nguồn tài lực của mình trước và sau đó nhờ hỗ trợ của bên ngoài một phần nào đó. Đầu tư cho ESG là một câu chuyện lâu dài, rất nhiều năm.
Cuối năm 2024, Công ty Phúc Sinh Đắk Nông nhận được thông báo sẽ được tài trợ 15 triệu đô la từ một quỹ ESG ở châu Âu cho các hoạt động phát triển bền vững. Trước đó, tập đoàn cũng nhận được từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) khoản tài trợ 25 triệu đô la, và khoản nhỏ 431.250 euro tài trợ không hoàn lại cho các hoạt động phát triển bền vững cây cà phê. Phúc Sinh góp 25% trong dự án tài trợ không hoàn lại.
Ông Phan Minh Thông, nhà sáng lập và Chủ tịch của Phúc Sinh, nói với Kinh tế Sài Gòn rằng: “Đây là kết quả đầu tư của Phúc Sinh cho ESG từ rất sớm. Từ năm 2010, Phúc Sinh đã bỏ ra 800 triệu đồng mời các chuyên gia ESG tư vấn về phát triển bền vững”.
Với hai doanh nghiệp nhỏ Queen Farm và C2T, họ cũng tự mình vượt qua chông gai nhờ những nhà sáng lập và điều hành đã chịu khó học hỏi, rất say mê và kiên định với ý niệm làm ăn lâu bền, làm bạn chứ không làm hại thiên nhiên.
Hành trình ESG bắt đầu tư duy của người lãnh đạo, bởi chiến lược kinh doanh không thể độc lập, tách rời khỏi chiến lược phát triển bền vững, theo lời nhận định của ông Nguyễn Công Minh Bảo, nhà đồng sáng lập và CEO của hãng tư vấn Green Transition Consulting & Training: “Đó là chiến lược từ trên xuống dưới, lồng ghép vào kế hoạch phát triển của doanh nghiệp”.
Nhưng quá trình thực hành ESG lại nên bắt đầu từ những lao động trực tiếp làm việc tại nhà xưởng, làm ra sản phẩm. “Những người thợ đứng máy mới biết rõ thay đổi quy trình vận hành, cải tiến nhỏ giúp thiết bị, máy móc tiết kiệm năng lượng”, theo ông Trương Anh Hải, Phó tổng giám đốc phụ trách an toàn, sức khỏe, môi trường và cộng đồng của Nhà máy thép NS BlueScope Việt Nam. Hãng đã đầu tư 3 triệu đô la cho hệ thống thu hồi nhiệt trong lò sấy. “Số tiền có vẻ lớn, nhưng trong vòng 3-5 năm chúng tôi đã thu hồi vốn. Những năm tiếp theo là lợi nhuận ròng của khoản đầu tư này”, ông Hải phát biểu.
Thực hành ESG không chỉ là một người, một bộ phận làm. Đó là “sự đồng thuận” của cả một tập thể, làm việc trong khuôn khổ chung, tạo ra sự gắn kết, nên tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn. “Tỷ lệ nghỉ việc ở công ty chúng tôi chỉ xoay quanh 7-10%, thấp hơn tỷ lệ chung của ngành là hơn 15%. Tỷ lệ nghỉ việc thấp có nghĩa là chúng tôi tăng năng suất, giảm chi phí đào tạo và các nguồn lực khác”, ông Hải phát biểu.
(1) https://vneconomy.vn/64-doanh-nghiep-chua-chuan-bi-cho-chuyen-doi-xanh.htm