Doanh nghiệp 'nghẽn' sản xuất, kinh doanh vì xe chờ đăng kiểm
Đến hạn nhưng chưa thể đăng kiểm được phương tiện vận tải khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai bị tắc nghẽn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến DN, nhất là trong thời điểm khó khăn chồng chất như hiện nay.
Các DN trên địa bàn kiến nghị tỉnh, cơ quan liên quan có giải pháp tháo gỡ nút thắt, đưa hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường nhằm hỗ trợ DN bớt gánh nặng để phục hồi sản xuất.
* Hàng hóa ùn ứ vì xe chờ đăng kiểm
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Hương Thịnh Phát (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tình trạng đăng kiểm dồn ứ thời gian qua đã làm ách tắc các hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu của DN khiến họ bị thiệt hại nặng nề”.
Hiện ở Đồng Nai, các trung tâm đăng kiểm đều rơi vào tình trạng quá tải, xe đến hạn đăng kiểm khi đến đăng ký đều phải bốc phiếu hẹn đến tháng 7-2023. DN của ông Hưng chuyên lĩnh vực logistics, phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu của các đối tác trong và ngoài Đồng Nai nên đòi hỏi phương tiện vận chuyển lúc nào cũng phải sẵn sàng, tuy nhiên nhiều đầu xe vẫn đang phải chờ. Trong khi DN không thể đưa phương tiện vận tải vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phí bảo trì đường bộ, vé đường, lãi suất vay ngân hàng và các chi phí khác vẫn phải chi gây lãng phí các nguồn lực cho DN và toàn xã hội.
Từ ngày 12-5, ứng dụng TTDK của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bổ sung thêm tính năng đăng ký tài khoản DN nhằm hỗ trợ các công ty vận tải, nhà xe, gara, salon ô tô hoặc các DN có số lượng lớn phương tiện có thể đăng ký nhiều xe và đặt lịch đăng kiểm.
Hội Xuất, nhập khẩu và các DN kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai, các sở, ngành có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn để tránh ách tắc, thiệt hại cho DN do vấn đề đăng kiểm quá tải.
Theo ông Chu Thế Thành, đại diện HTX Vận tải Thành Phát (TP.Biên Hòa), HTX có hàng ngàn xe ô tô hoạt động vận tải khắp cả nước. Trong đó, Đồng Nai là khu vực hoạt động chủ yếu. Thời gian này, các xã viên rất bức xúc vì bị tắc nghẽn ở khâu đăng kiểm. Tình trạng này càng kéo dài thì thiệt hại càng lớn cho các xã viên.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện khẳng định: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hiện rất khó khăn, lại gặp thêm đăng kiểm chậm gây đứt gãy chuỗi vận chuyển, tạo thêm gánh nặng khó phục hồi cho các DN. Các DN thuộc hiệp hội đã phản ánh tình trạng này từ nhiều tháng nay. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GT-VT tìm giải pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả”.
* Khi nào được khơi thông?
Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Văn Đông chia sẻ, vướng mắc liên quan đến đăng kiểm không chỉ riêng Đồng Nai mà cả nước đang gặp phải. Tại Đồng Nai, trước đây có 6 trung tâm đăng kiểm với công suất khoảng 600 xe/ngày. Do tình trạng quá tải, sở đã chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm cố gắng tăng công suất, làm thêm giờ (từ 6-19 giờ). Hiện nay, công suất 5 trung tâm đăng kiểm (1 trung tâm đang tạm dừng hoạt động) tăng lên 900 xe/ngày. Với công suất như trên, các trung tâm đăng kiểm ở Đồng Nai hoàn toàn giải quyết được hết các xe (khoảng 180 ngàn xe) trên địa bàn. Tình trạng ùn ứ đăng kiểm đang diễn ra tại Đồng Nai một phần do phương tiện từ các tỉnh, thành khác đến Đồng Nai làm đăng kiểm sau khi nhiều trung tâm trên cả nước ngưng hoạt động. Số lượng phương tiện ngoài tỉnh đăng kiểm tại Đồng Nai chiếm từ 40-50% lượng xe đăng ký tại các trung tâm trên địa bàn tỉnh. Giải pháp trước mắt của các trung tâm đăng kiểm là tiếp tục tăng thêm thời gian làm việc.
Sở GT-VT lưu ý các DN cần chủ động rà soát lại xe của mình để có kế hoạch đăng ký hợp lý. Muốn đăng kiểm nhanh, DN phải bảo trì, sửa chữa xe phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Trong dài hạn, Bộ GT-VT đang đề xuất Chính phủ giảm chu kỳ đăng kiểm đối với xe không kinh doanh vận tải, miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm…
Ngày 10-5 vừa qua, tại hội nghị gặp gỡ DN, HTX trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã giao Sở GT-VT cùng các đơn vị liên quan gấp rút tìm thêm giải pháp để giảm căng thẳng vì đăng kiểm. Bởi, chậm trễ trong công tác đăng kiểm sẽ tăng thêm gánh nặng cho DN vận tải, các DN sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường.