Doanh nghiệp ngành bia lao đao trong 'cơn bão kép'
Không còn cảnh mua bán nhộn nhịp như những năm trước, hay tình trạng khan hàng, sốt giá mỗi dịp lễ Tết, ngành bia đang chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kinh tế khó khăn, sức mua giảm và cơ quan chức năng siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Từ đầu năm ngoái đến nay, mặc dù các hãng bia tăng chi phí marketing, phối hợp cùng các hệ thống siêu thị, cửa hàng liên tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu nhưng doanh thu tại các kênh này đều giảm khá mạnh.
Bức tranh ảm đạm của ngành bia
Tiêu thụ bia sụt giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Báo cáo tài chính quý IV/2023 của CTCP Bia Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cho thấy kỳ này doanh thu thuần đạt 150,5 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2022, lãi sau thuế hơn 7 tỷ đồng, giảm 32%. Gộp cả năm 2023, công ty này đạt doanh thu hơn 609 tỷ đồng, giảm 3% so với 2022. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 25%, chỉ đạt 43,4 tỷ đồng.
Theo giải thích từ ban lãnh đạo BSH, kết quả kinh doanh quý IV/2023 giảm do sản lượng giảm, còn chi phí quản lý (chi phí sửa chữa) lại tăng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 mới công bố, một "ông lớn" ngành bia là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng vừa trải qua một quý kinh doanh không mấy khả quan. Theo đó, trong quý cuối năm ngoái, doanh thu thuần của chủ sở hữu thương hiệu bia Hà Nội ghi nhận hơn 2.200 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhờ chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm nên nhà sản xuất bia lớn nhất khu vực phía Bắc này vẫn báo lãi sau thuế gần 63 tỷ đồng, tăng 24% so với quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của đại gia ngành bia chỉ đạt hơn 7.700 tỷ đồng, cũng giảm gần 8% so với năm 2022. Lãi ròng ghi nhận giảm hơn 29% so với năm trước, chỉ đạt hơn 355 tỷ đồng.
Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (THB) cũng chứng kiến một năm kinh doanh ảm đạm khi doanh thu quý IV/2023 giảm 11% so với cùng kỳ, đạt 470 tỷ đồng. Theo đó, cả năm 2023 doanh thu thuần đạt 1.506 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2022.
Doanh thu giảm kéo lợi nhuận của doanh nghiệp đi xuống chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, giảm một nửa so với 2022. Lợi nhuận sau thuế riêng quý IV là 1,8 tỷ đồng, tăng cao hơn mức 245 triệu đồng cùng kỳ.
Tương tự, Công ty Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) cũng vừa báo lỗ hơn 1,2 tỷ đồng trong quý IV, trong khi cùng kỳ vẫn lãi. Cả năm 2023, công ty này ghi nhận lãi sau thuế 6 tỷ đồng, giảm gần 43% so với năm trước.
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng tiêu thụ bia giảm mạnh như tình hình kinh doanh khó khăn, ảnh hưởng bởi nghị định 100. Ngoài ra, sự bùng nổ của các thương hiệu bia nhập khẩu ở phân khúc cao cấp cũng ảnh hưởng đến thị phần của các doanh nghiệp bia trong nước vốn mạnh ở phân khúc trung bình.
Giảm giá vẫn vắng khách
Nhìn lại năm 2019 trở về trước, trung bình mỗi năm ngành bia tăng trưởng 5-6%/năm. Nếu tính theo tốc độ tăng đó, đến 2022 ngành bia phải tăng 20% so với năm 2019 nhưng thực tế, năm 2021 ngành bia giảm 10-15%, năm 2022 giảm khoảng 5-7% so với năm 2019. Năm 2023 các chuyên gia dự báo tốc độ giảm của thị trường có thể lên tới 20%.
Khảo sát của VnBusiness, cho thấy thay vì trữ hàng tăng giá như thường lệ, dịp Tết Nguyên đán 2024, thị trường bia từ nội địa đến ngoại nhập bất ngờ tăng khuyến mại, giảm giá mạnh từ trước Tết cả tháng nhưng đến giờ này sức mua vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Chị Thủy, chủ một đại lý bia trên phố Hữu Hưng (Nam Từ Liêm) cho biết, mọi năm phải trữ hàng trước 2 tháng mới đủ bán Tết. Càng cận Tết giá càng tăng, cao hơn 30.000 - 40.000 đồng/thùng so với ngày thường là điều bình thường. Tuy nhiên, năm nay lượng tiêu thụ rất chậm. Nhiều khách quen cũng than do sức khỏe đi xuống, nhiều người cũng chủ động “bớt nhậu".
Trong khi đó, một hộ kinh doanh bánh kẹo, đồ uống trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Sức tiêu thụ bia, nước ngọt mùa Tết năm nay giảm khoảng 50% so với trước”.
Tại các siêu thị, mặt hàng nước ngọt, bia cũng đang được khuyến mại rầm rộ như tại Winmart, Big C… Đại diện WinCommerce cho biết để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm trong năm, WinCommerce phối hợp với các doanh nghiệp như Sabeco, Heineken, coca cola, pepsi… tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết năm qua lợi nhuận doanh nghiệp bia sụt giảm, nên việc giảm giá sâu mặt hàng này trong dịp Tết rất khó. Trước tình hình thị trường không đạt kỳ vọng, doanh nghiệp buộc phải liên tục cân đối ngân sách, ưu tiên làm chương trình khuyến mãi cho bia từ sớm và liên tục để phục vụ đối tượng khách mua lẻ.
Theo ghi nhận, giá bia các loại tại siêu thị đang rẻ hơn các cửa hàng bên ngoài khoảng 10.000 - 20.000 đồng/thùng, như bia Heineken thường giá 432.000 đồng, Tiger 340.000 đồng, Tiger Crystal 391.000 đồng, bia Sài Gòn Lager 259.000 đồng, Sài Gòn Chill 298.000 đồng, bia 333 giá 265.000 đồng.
Quản lý một siêu thị cho hay, đến thời điểm này bia mẫu Tết vẫn còn rất nhiều. “Sức tiêu thụ của thị trường dịp Tết không như kỳ vọng, siêu thị buộc phải cắt lợi nhuận để làm chương trình khuyến mãi cho bia từ rất sớm nhưng cũng không kích được sức mua", người quản lý này tiết lộ.