Doanh nghiệp nào cần áp dụng ISO 14001:2015?
ISO 14001 là tiêu chuẩn thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Tiêu chuẩn này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất mà còn phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp và ngành nghề.
Nâng cao tính hiệu quả của hệ thống quản lý môi trường
Tiêu chuẩn ISO 14001 là một hệ tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý môi trường, được thiết kế để xác định các nguyên tắc và yêu cầu trong việc xây dựng hệ thống quản lý môi trường của doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn ISO 14001 nằm trong bộ tiêu chuẩn ISO 14000 chính thức được ban hành vào năm 1996. Sau hơn 20 năm liên tục cải tiến và đổi mới, hiện nay đó có 3 phiên bản ISO 14001 được phát hành lần lượt là ISO 14001:1996; ISO 14001:2004 và ISO 14001:2015.
ISO 14001:1996 là phiên bản đầu tiên, đưa ra các khung khổ cơ bản về hệ thống quản lý môi trường và những yêu cầu tối thiểu cho các tổ chức để xây dựng và vận hành hệ thống này.
ISO 14001:2004 là phiên bản sửa đổi lần thứ nhất, tập trung vào việc nâng cao tính hiệu quả của hệ thống quản lý môi trường. Phiên bản này tập trung nhấn mạnh vào việc kiểm soát các tác động của doanh nghiệp để cải thiện chất lượng môi trường. Phiên bản này cũng kêu gọi tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống xung quanh.
ISO 14001:2015 là phiên bản hiện tại, được cập nhật để phù hợp với cấu trúc của các tiêu chuẩn quản lý theo tiêu chuẩn ISO mới nhất, mang đến những ưu điểm như nhấn mạnh vào suy nghĩ chiến lược và tầm nhìn dài hạn về môi trường của các cơ sở, tổ chức; thúc đẩy tích hợp hệ thống quản lý môi trường với các hệ thống quản lý khác trong tổ chức...
Phiên bản ISO 14001:2015 mang đến một giải pháp quản lý môi trường hiệu quả, giúp doanh nghiệp kiểm soát tối ưu tác động của mình tới môi trường. Việc tuân thủ theo các yêu cầu trong tiêu chuẩn ISO 14001 :2015 sẽ đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Cụ thể, áp dụng ISO 14001:2015 giúp các doanh nghiệp giảm lượng chất thải bằng cách đánh giá và kiểm soát tác động của hoạt động sản xuất của mình đến môi trường xung quanh. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro ô nhiễm mà còn tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh và an toàn hơn cho nhân viên.
Bằng việc quản lý hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ISO 14001:2015 giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, giảm lãng phí và tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Việc có chứng nhận ISO 14001 :2015 giúp nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng. Điều này thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, chăm sóc cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
ISO 14001:2015 còn giúp các doanh nghiệp tuân thủ các quy định được pháp luật đề ra để bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ giúp tránh được các rủi ro pháp lý mà còn tạo ra được hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong mắt khách hàng.
Áp dụng cho mọi loại hình ngành nghề
ISO 14001 là tiêu chuẩn thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Do đó, tiêu chuẩn này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất mà còn phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp và ngành nghề. Tuy nhiên, có một vài đối tượng cần phải áp dụng tiêu chuẩn này.
Các doanh nghiệp chế biến và sản xuất: Nhà máy, xí nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng là mối đe dọa tiềm ẩn cho môi trường. Lý do chính xuất phát từ việc các cơ sở này thường sử dụng nguyên liệu thô, phát thải khí độc hại, nước thải chưa qua xử lý và xử lý chất thải rắn không đúng cách.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, luyện kim và hóa chất: Quá trình khai thác, luyện kim, sản xuất hóa chất thường tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do sử dụng hóa chất độc hại, phát sinh khí thải và nước thải nguy hại.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải, sử dụng phế liệu nhập khẩu, sản xuất xi mạ, làm sạch kim loại: Quá trình hoạt động của các tổ chức này có thể phát sinh nhiều chất nguy hiểm như nước thải chứa kim loại nặng, hóa chất, bụi, CO2, NOx, SOx…