Doanh nghiệp liên kết để tăng khả năng cạnh tranh
Với nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, nhất là DN quy mô nhỏ và vừa, thì việc gia nhập thị trường, cạnh tranh kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình đó, các DN liên doanh, liên kết để nâng cao năng lực của mình.
![Doanh nghiệp Đồng Nai tham gia một sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế về ngành gỗ. Ảnh:V.Gia](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_423_51436220/13cdb0978bd962873bc8.jpg)
Doanh nghiệp Đồng Nai tham gia một sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế về ngành gỗ. Ảnh:V.Gia
Đặc biệt, việc liên kết còn tận dụng những lợi thế của các thành viên để có thể sản xuất hoặc đáp ứng được những hợp đồng lớn hơn, đồng thời tạo cơ hội để vươn ra thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp nỗ lực kết nối
Công ty TNHH Astek (thành phố Biên Hòa) Biên Hòa là DN khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, chế tạo máy, tự động hóa. Ông Lê Xuân Thời, Giám đốc công ty, cho hay Công ty Astek muốn đầu tư công nghệ tự động hóa để sản xuất ra các dây chuyền, máy móc tự động nên rất cần nguồn vốn lớn. Là DN mới thành lập được vài năm, công ty rất cần liên kết với các DN khác để có thêm vốn, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Việc liên kết với những DN cùng ngành, nhất là DN lâu năm có nhiều kinh nghiệm sẽ giúp năng lực sản xuất mạnh hơn. Đồng thời, các DN còn có thể cung ứng hàng hóa cho nhau, vì nhiều sản phẩm của DN này là nguyên liệu đầu vào của DN khác.
Ở mức độ rộng và nâng cấp hơn, hiện nay, Đồng Nai đang quan tâm đến xây dựng các khu công nghiệp mới theo hướng tập trung phát triển liên kết ngành tạo lợi thế cạnh tranh. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN địa phương có thể có chiến lược phát triển phù hợp, tận dụng các lợi thế nhằm mở rộng kết nối, hợp tác.
Theo ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (thành phố Biên Hòa), việc kết nối trong sản xuất, kinh doanh của các DN là rất quan trọng vì có thể tận dụng lợi thế của nhau. Hiện nay, các DN nhỏ và vừa trong nước đều muốn liên kết, tham gia vào chuỗi với các DN sản xuất lớn của Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, các DN Việt nhỏ và vừa rất khó tham gia vào chuỗi sản xuất vì tiêu chuẩn khắt khe.
Mấy năm gần đây, số lượng DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai cũng như cả nước tăng nhanh nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện còn thiếu DN hoạt động trong ngành khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Việt Nam chưa hình thành được chuỗi cung ứng nội địa hoàn chỉnh nên khó có thể đáp ứng các đơn hàng đòi hỏi gia công nhiều công đoạn. Ngoài sự nỗ lực tự thân của mình thì cộng đồng DN rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Liên kết sản xuất trong công nghiệp
Sản xuất, chế biến gỗ là một trong những ngành công nghiệp có quy mô lớn của Đồng Nai nên việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện mạnh mẽ. Hiện nay, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đã có hàng trăm hội viên tham gia hoạt động. Các thành viên của Dowa không chỉ trực tiếp sản xuất gỗ mà còn là những ngành nghề phụ trợ, các lĩnh vực liên quan khác để bổ sung năng lực cho nhau, tạo thành hệ sinh thái sản xuất.
Theo Chánh Văn phòng Dowa Nguyễn Thị Thu Hoài, để xây dựng cộng đồng ngành gỗ của địa phương, Dowa sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực của các DN. Theo đó, sẽ liên kết, mở rộng quy mô hiệp hội, kết nạp thêm các hội viên mới; kết nối, xây dựng hệ sinh thái sản xuất, từ cung ứng nguyên liệu, cưa xẻ, chế biến, thương mại hóa cũng như kết nối các DN công nghiệp hỗ trợ. Đây là những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng doanh số tiêu thụ nội địa, xuất khẩu của ngành nói chung và từng DN nói riêng. Đồng thời giúp các DN cũng như ngành sản xuất gỗ có thể có được sức mạnh ứng phó với những biến động của thị trường thế giới, nhất là vượt qua rào cản thương mại.
Tương tự, với Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, từ nhiều năm qua đã khuyến khích các hội viên thực hiện chương trình kết nối, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của nhau. Theo đó, đầu ra của DN này là đầu vào sản xuất của các DN khác. Hội đã xây dựng các chi hội ngành nghề trong các lĩnh vực như xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, logistics để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các DN cùng ngành để nâng cao sức mạnh tập thể, đáp ứng các hợp đồng, dự án lớn.
Theo ông Lê Bạch Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Long, một số hội viên của hội đã hợp tác với nhau để tạo thành những đơn vị có năng lực sản xuất, kinh doanh mạnh hơn, nhất là trong các lĩnh vực mà Đồng Nai đang có nhu cầu lớn về xây dựng, vận tải, công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh việc khuyến khích các DN chủ động đầu tư, phát triển DN của mình thì Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai sẽ thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong việc tăng cường tập huấn, đào tạo, ký kết hợp tác, kết nối với DN trong và ngoài nước, giúp phát huy sức mạnh sản xuất, kinh doanh của các hội viên.