Doanh nghiệp làm gì để cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ?

Hiện nay, qua kênh thương mại điện tử, hàng Trung Quốc giá rẻ đang tràn vào Việt Nam trong tình trạng 'báo động đỏ'. Vậy doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng cần làm làm gì trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này ở thị trường nội địa?

Hàng giá rẻ và dịch vụ tốt

Chị Nguyễn Thị Hoa Bắc, 27 tuổi, ở Quận 8, TP.HCM thường mua hàng trên sàn thương mại điện tử Taobao và gần đây có thêm Temu.

Hàng chị Bắc “săn” trên các sàn này thường là quần áo, đồ dùng gia đình như máy sấy, bộ dụng cụ lau nhà, đèn ngủ… có giá từ 500.000 - 1 triệu đồng/món: “Do mẫu mã của họ đẹp và giá rẻ nên mình thích mua hàng của Trung Quốc. Chưa kể người Việt Nam cũng nhập hàng Quảng Châu về bán ở rất nhiều nơi. Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam cũng muốn mua trực tiếp từ kênh thương mại điện tử của Trung Quốc này để không phải qua trung gian”.

Còn chị Nguyễn Thị Bích nhà ở quận Bình Thạnh cũng thường mua hàng nội địa Trung Quốc nhưng mua trên Shoppee.

Chị Bích cho biết, một bộ đồ tập yoga chị vừa nhận được sau 5-6 ngày chốt đơn, giá chỉ 180.000 đồng/bộ với chất liệu thun cotton lạnh, miễn phí giao hàng. Nhưng cũng là bộ đồ tương tự, nếu chị mua hàng trong nước giá sẽ cao hơn 30% hoặc hơn 35%.

Điều chị Bích hài lòng nhất là dịch vụ chăm sóc khách hàng của họ: “Tôi thấy một lần họ giao thiếu 1 sản phẩm và tôi đã phản ánh trên đó. Sau đó, họ trả lời nhận lỗi, khắc phục và họ gửi tặng sản phẩm thiếu, cùng đó là tặng thêm 2 đồ buộc tóc nữa nên tôi rất ấn tượng”.

Người tiêu dùng cân nhắc và nên mua hàng ở sàn thương mại điện tử được phép bán vào Việt Nam để tránh rủi ro (ảnh: Ngọc Anh)

Người tiêu dùng cân nhắc và nên mua hàng ở sàn thương mại điện tử được phép bán vào Việt Nam để tránh rủi ro (ảnh: Ngọc Anh)

Khi công nghệ phát triển như hiện nay, qua kênh thương mại điện tử, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa đa dạng mẫu mã, giá rẻ, dịch vụ tốt và chất lượng đáp ứng yêu cầu.

Đây là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước ngay tại sân nhà khi cạnh tranh với đối thủ mà tiềm lực chưa cân sức.

Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty May mặc Dony cho rằng, hàng may mặc của Trung Quốc bán vào Việt Nam với giá rẻ, vì họ sản xuất với số lượng, quy mô lớn, nguồn nguyên phụ liệu có sẵn với giá rất tốt và các chính sách vay vốn sản xuất của họ lãi suất thấp… Cho nên cạnh tranh với hàng Trung Quốc thì doanh nghiệp trong nước phải đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, liên tục cải tiến mẫu mã theo thị hiếu… để có sản phẩm chất lượng, giá tốt.

Sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng vào thị trường Việt Nam khi chưa được cấp phép

Sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng vào thị trường Việt Nam khi chưa được cấp phép

Công ty của ông cũng vừa cạnh tranh với 1 doanh nghiệp Trung Quốc và nhận được đơn hàng lớn là nón lưỡi trai, quần áo thể thao của khách hàng ở Mỹ. Doanh nghiệp Trung Quốc trước đó đã là đối tác sản xuất cho khách hàng Mỹ hơn 18 năm. Trong đó, giá nón này, Dony bán chưa tới 20.000 đồng/chiếc vẫn có lợi nhuận. Điều này, chứng tỏ doanh nghiệp trong nước nếu nâng cao năng lực sản xuất với những đơn hàng lớn thì vẫn làm được giá tốt để cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam.

Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập chợ truyền thống ở TP.HCM

Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập chợ truyền thống ở TP.HCM

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Anh cho rằng, cuộc “đọ sức” này chưa cân sức, vì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng làm ngay được, nên cần có sự hỗ trợ.

“Chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao sức cạnh tranh; phải có hàng rào kỹ thuật để doanh nghiệp nội địa có kịp thời gian để đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Đó là các chính sách như: thuế, lãi suất vay ngân hàng để sản xuất, đầu tư công nghệ… và các chính sách khác”, ông Quang Anh nói.

Siết chặt quản lý bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Về phía doanh nghiệp ở TP.HCM, bà Lý Kim Kim, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho rằng, trước tình trạng “báo động đỏ” hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ bao quanh như hiện nay thì cơ quan chức năng nên triển khai ngay một số chính sách.

“Việc đầu tiên nên làm là trên hệ thống thương mại điện tử, cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm soát và áp thuế cho hàng hóa nào vào Việt Nam mà chưa đóng thuế. Trong khi, doanh nghiệp trong nước bán bất cứ cái gì cũng đóng thuế. Chúng ta cần có những chính sách quy định cụ thể cho từng nhóm hàng hóa trên sàn bán vào thị trường nước ta”, bà Lý Kim Kim nói.

Khuyến mại, giảm giá đến 90% vi phạm về quy định xúc tiến thương mại (Ảnh Sở CT TP.HCM cung cấp)

Khuyến mại, giảm giá đến 90% vi phạm về quy định xúc tiến thương mại (Ảnh Sở CT TP.HCM cung cấp)

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, nhà sản xuất phải nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, cơ quan chức năng phải kịp thời quản lý, kiểm soát tốt về chất lượng hàng hóa, chính sách bán hàng và thuế… để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.

Tránh tình trạng như gần đây, sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc chưa được cấp phép tại Việt Nam mà vẫn bán hàng rầm rộ, vi phạm quy định về xúc tiến thương mại, cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp nội địa của Việt Nam.

Cần siết chặt việc kiểm soát bán hàng trên mạng để tránh tình trạng vi phạm về chính sách bán hàng (Ảnh Sở Công thương TP.HCM cung cấp)

Cần siết chặt việc kiểm soát bán hàng trên mạng để tránh tình trạng vi phạm về chính sách bán hàng (Ảnh Sở Công thương TP.HCM cung cấp)

Một điều quan trọng hơn nữa là người tiêu dùng cần có sự lựa chọn phù hợp, hiệu quả để đảm bảo quyền lợi của mình khi mua hàng qua kênh thương mại điện tử.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua hàng qua kênh thương mại điện tử nên lựa chọn sàn được phép bán hàng vào Việt Nam. Đồng thời, người mua phải cân nhắc thấy phù hợp và tin tưởng thì lựa chọn nếu không thì sẽ nhiều rủi ro và nên dừng lại.

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-lam-gi-de-canh-tranh-voi-hang-trung-quoc-gia-re-post1131195.vov
Zalo