Doanh nghiệp khởi nghiệp xanh - động lực cho tăng trưởng bền vững

Chuyển đổi xanh đang trở thành xu thế toàn cầu và các mô hình start-up xanh đang nổi lên như một động lực quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh đó, Việt Nam từng bước nhập cuộc với thế hệ start-up xanh tiềm năng. Các doanh nghiệp này không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn góp phần thiết lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Doanh nghiệp khởi nghiệp TreeoTek phát triển sản phẩm máy lọc không khí công nghệ sinh học. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Doanh nghiệp khởi nghiệp TreeoTek phát triển sản phẩm máy lọc không khí công nghệ sinh học. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Công nghệ xanh Việt Nam vươn ra thế giới

Theo dự báo từ Công ty Fortune Business, thị trường công nghệ xanh toàn cầu có thể tăng trưởng tới 22,4% mỗi năm trong giai đoạn 2024-2032, thị trường tài chính xanh dự kiến vượt 53.000 tỷ USD vào năm 2025, còn vật liệu xanh được dự báo đạt 1.199 tỷ USD vào năm 2032. Những con số này phản ánh sự gia tăng đầu tư vào các công nghệ và giải pháp thân thiện với môi trường, tạo ra cơ hội lớn cho quốc gia, doanh nghiệp và start-up tiên phong.

Tại Việt Nam, nhiều sản phẩm công nghệ của các start-up xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn đang từng bước vươn ra thị trường nước ngoài nhờ tính thân thiện với môi trường. Trong đó, nhiều giải pháp công nghệ xanh bước ra từ Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (TECHFEST). Cuộc thi này không chỉ là nơi start-up được vinh danh mà còn là nền tảng để thử nghiệm, khẳng định năng lực và sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Tại Việt Nam, nhiều sản phẩm công nghệ của các start-up xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn đang từng bước vươn ra thị trường nước ngoài nhờ tính thân thiện với môi trường.

Lĩnh vực nông nghiệp chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất của các start-up xanh. Một loạt start-up đã thể hiện năng lực chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và có giá trị bền vững cao. Công ty Enfarm Agritech đoạt giải nhì tại TECHFEST năm 2024 và và lọt vào tốp 15 giải pháp tiêu biểu xuất sắc tại chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIC) năm 2024 là đại diện tiêu biểu cho xu hướng nông nghiệp số.

Bộ thiết bị đo dinh dưỡng thông minh của Enfarm ứng dụng công nghệ internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo để đưa ra đánh giá bốn thành phần: đất, nước, cây trồng và phân bón, từ đó cung cấp cho người nông dân thông tin về nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Enfarm đã giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của nông nghiệp thế giới là 60% lượng phân bón không được cây trồng hấp thụ, gây lãng phí tới 120 tỷ USD mỗi năm, thoái hóa một phần ba diện tích trồng trọt và tạo ra 5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Dù mới ra đời gần 2 năm, thiết bị đo dinh dưỡng thông minh của Enfarm đã nhanh chóng được người nông dân ở trong nước, nhất là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đón nhận. Sản phẩm hiện đã có mặt ở thị trường nước ngoài, tiêu biểu là dự án triển khai trên diện tích 30.000 ha trồng cà-phê tại Philippines.

Công ty cổ phần Nhựa sinh học BUYO - quán quân TECHFEST năm 2023 với giải pháp đột phá là bao bì phân hủy sinh học từ bã mía và nguyên liệu hữu cơ cũng đã đạt được các chứng chỉ, tiêu chuẩn khắt khe của thị trường yêu cầu cao như châu Âu, Hoa Kỳ. Sản phẩm nhựa sinh học đã tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững của các tập đoàn lớn như AB InBev, Kikkoman, Bidfood.

Cả Enfarm và BUYO là 2 trong 6 start-up Việt Nam vừa được lựa chọn để hỗ trợ trong Chương trình hỗ trợ của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) năm 2025 nhằm mở rộng quy mô sản xuất và tiếp cận thị trường toàn cầu. Đây là một sáng kiến quốc tế danh giá nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững toàn cầu.

Theo Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng đã xuất hiện những công nghệ góp phần xây dựng hệ thống năng lượng bền vững dựa trên năng lượng tái tạo như: Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, giải quyết vấn đề then chốt là lưu trữ năng lượng dư thừa hiệu quả; sơn làm mát bằng bức xạ thụ động, giảm đáng kể nhiệt độ trong công trình mà không cần sử dụng năng lượng điện, giảm phát thải khí nhà kính. Các giải pháp này mang tính ứng dụng cao, phù hợp để nhân rộng trên quy mô lớn, qua đó tiến gần hơn đến mục tiêu trung hòa các-bon trong dài hạn.

Một số start-up cũng đã tiên phong ứng dụng giải pháp số, trí tuệ nhân tạo, blockchain và quản trị dữ liệu để tối ưu hiệu suất, giảm chi phí vận hành, giảm phát thải khí nhà kính cho ngành logistics và xây dựng hệ sinh thái logistics xanh, như Abivin, Otrfy, Hubtech…

Những giải pháp nêu trên được coi là công nghệ khí hậu bởi hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, và thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp. Báo cáo “Đầu tư Khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam năm 2024” của New Energy Nexus và Clickable Impact chỉ rõ: Từ năm 2015-2023, đã có 49 công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam được đầu tư, với tổng giá trị đạt 92,6 triệu USD.

Trong đó, hơn 65% số start-up hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh và 26,5% tại Hà Nội, thể hiện mối liên kết giữa đổi mới sáng tạo xanh và các trung tâm kinh tế lớn. Đáng chú ý, vốn đầu tư cho các start-up công nghệ khí hậu đã tăng trung bình tới 365% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Các lĩnh vực nhận được nhiều đầu tư nhất gồm: nông nghiệp và công nghệ thực phẩm bền vững (48,4%), giao thông-vận tải bền vững (40%), kinh tế tuần hoàn và thu hồi các-bon (6%), chuyển đổi năng lượng (3,6%) và hạ tầng xây dựng (1,8%). Các con số này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của start-up công nghệ khí hậu tại Việt Nam, và chỉ ra các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, giao thông xanh và kinh tế tuần hoàn đang trở thành trọng tâm đầu tư của các nhà đầu tư.

Thị trường công cần dẫn dắt tăng trưởng xanh

Mặc dù vậy, trên thực tế, nhiều start-up vẫn gặp phải rào cản lớn khi bước vào giai đoạn tăng trưởng. Theo Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, thách thức đối với start-up xanh là thiếu chính sách hỗ trợ đặc thù, khó khăn trong tiếp cận vốn và hạn chế nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ môi trường và quản trị bền vững. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi trả cao cho sản phẩm xanh; các tiêu chuẩn xanh chưa phổ biến trong chuỗi cung ứng.

Nhiều start-up xanh cho biết, khó khăn lớn nhất đối với họ là các sản phẩm khó tiếp cận thị trường công. Nếu như khu vực tư nhân chủ động tìm đến các nhà công nghệ để hợp tác và đẩy nhanh ứng dụng sản phẩm, thì ngược lại, các start-up khi tiếp cận doanh nghiệp nhà nước thường gặp tình trạng chậm trễ trong việc hợp tác, nghiên cứu và mua sắm sản phẩm.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chưa tạo hành lang pháp lý cho những vật liệu mới, công nghệ vật liệu mới và thân thiện môi trường. Quy định đấu thầu cần điều chỉnh tiêu chí để không chỉ dựa vào giá, kinh nghiệm mà còn xét đến yếu tố đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần có cơ chế “sandbox” chứng nhận chất lượng cho sản phẩm công nghệ mới do đặc thù chưa có sản phẩm tương tự, chưa nằm trong danh mục tiêu chuẩn.

Nhà nước cũng chưa tạo hành lang pháp lý cho những vật liệu mới, công nghệ vật liệu mới và thân thiện môi trường.

Giám đốc Công ty Nhựa sinh học BUYO Đỗ Hồng Hạnh đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy sử dụng các vật liệu mới thân thiện với môi trường; cần có sự kết nối và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp cung cấp giải pháp và các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các sản phẩm này. Thí dụ, xem xét cấm hoàn toàn việc sử dụng nhựa thông thường trong một số lĩnh vực gây tổn hại lớn cho môi trường, hoặc quy định tỷ lệ tối thiểu về nguyên liệu tái chế, sinh học trong sản phẩm; cần có chính sách thúc đẩy khu vực công sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và đưa các công nghệ vật liệu mới vào danh mục ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ.

Bà Đỗ Hồng Hạnh cũng kỳ vọng các chính sách đang dự thảo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường liên quan trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong đó miễn trừ các vật liệu thân thiện với môi trường khỏi nghĩa vụ nộp phí EPR và chính sách về thiết kế sinh thái sẽ thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn sử dụng vật liệu xanh. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều biến động, bên cạnh đa dạng hóa thị trường thì cần tập trung phát triển thị trường trong nước bền vững thông qua việc hoàn thiện chính sách cho công nghệ xanh.

Đồng sáng lập và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ nông nghiệp Enfarm Nguyễn Đỗ Dũng cũng cho rằng, khu vực công cần đi đầu trong việc tiếp nhận và sử dụng công nghệ trong nước. Thị trường của Enfarm hiện chủ yếu bán trực tiếp cho nông dân và các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước dù nắm giữ phần lớn thị phần trong các ngành như nông nghiệp và phân bón lại tiếp nhận rất chậm do vướng ở quy trình thủ tục hợp tác, mua sắm.

Sở dĩ sản phẩm của Enfarm được thị trường Philippines đón nhận là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền Philippines. Ông Nguyễn Đỗ Dũng đề xuất, các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần đưa những nền tảng công nghệ có hiệu quả vào thử nghiệm, tư vấn hoặc hướng dẫn nông dân áp dụng như một giải pháp giúp gia tăng năng suất và giảm phát thải môi trường thông qua hệ thống khuyến nông ở địa phương. Nhà nước cần có những dự án về công nghệ, tín chỉ các-bon hay là nông nghiệp sạch để tạo cơ hội cho những doanh nghiệp khởi nghiệp xanh tham gia.

Ngoài ra, tín dụng xanh và ưu đãi thuế hiện nay vẫn mang tính hình thức. Nhiều start-up cho rằng, dù ngân hàng mở gói hỗ trợ tín dụng xanh, nhưng điều kiện vay, lãi suất và thủ tục gần như không khác tín dụng thông thường. Các chính sách thuế ưu đãi cho sản phẩm công nghệ xanh cũng chưa rõ ràng.

Các start-up xanh kỳ vọng chủ trương đầu tư mạnh mẽ vào khoa học, công nghệ sẽ mở ra cơ hội lớn cho các start-up xanh phát triển trong thời gian tới. Để các start-up xanh thực sự trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng bền vững, cần có chiến lược phát triển mạnh mẽ, tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng và hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xanh.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-khoi-nghiep-xanh-dong-luc-cho-tang-truong-ben-vung-post872465.html
Zalo