Doanh nghiệp hàng không lấy đà cất cánh

Doanh nghiệp hàng không đang có cơ hội phục hồi mạnh nhờ giá nhiên liệu có xu hướng giảm, nhu cầu du lịch và vận tải tăng, việc nâng trần giá vé máy bay được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện lợi nhuận.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không cũng không ngừng tăng năng lực phục vụ hành khách, qua đó phát huy sức mạnh nội lực để tạo ra cơ hội tăng trưởng.

Trong ảnh: Máy bay của các hãng xếp hàng tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Trong ảnh: Máy bay của các hãng xếp hàng tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISE), giá dầu và nhiên liệu được kỳ vọng tiếp tục hạ nhiệt. Cụ thể, giá dầu Brent và nhiên liệu máy bay Jet-A1 sau khi đạt đỉnh vào năm 2022 thì bước vào xu hướng giảm kéo dài giúp các doanh nghiệp hàng không giảm bớt áp lực chi phí vận hành. Qua đó, tạo điều kiện cho giá vé máy bay ở mức cạnh tranh hơn, góp phần kích cầu du lịch và vận tải hàng không. Đồng thời, là động lực quan trọng giúp các hãng hàng không cải thiện biên lợi nhuận, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn của ngành trong giai đoạn tới.

Theo giới phân tích, nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Cục Hàng không Việt Nam dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2024 sẽ đạt khoảng 78,3 triệu lượt hành khách và 1,21 triệu tấn hàng hóa, tăng lần lượt 7,7% và 13,4% so với năm 2023.

Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Các hãng hàng không Việt Nam đã chủ động mở rộng đội tàu bay và triển khai sớm kế hoạch bán vé dịp Tết. Đồng thời, tăng tần suất các chuyến bay đêm với mức giá cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cao điểm của hành khách.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/3/2024, Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa sẽ chính thức có hiệu lực.

Việc điều chỉnh này giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu và tỷ giá tăng mạnh trong 10 năm qua. Theo Vietravel Airlines, việc tăng giá trần đảm bảo quyền lợi của khách hàng luôn ở mức cao nhất cùng với trải nghiệm trên mỗi chuyến bay.

Về phía các hãng hàng không có thể cân đối được các khoản chi phí trực tiếp và gián tiếp, đảm bảo được hoạt động khai thác trong dài hạn và bên cạnh đó các dải giá vé cũng được mở rộng.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành hàng không cũng đang đối mặt với nhiều áp lực, buộc cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.

Thực tế cho thấy, tình trạng quá tải tại một số cảng hàng không lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất tiếp tục là thách thức lớn của ngành hàng không Việt Nam. Theo ông Nguyễn Công Hoàn - Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hiện nay sức khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt quá công suất thiết kế.

Sân bay này đang phục vụ 41,6 triệu lượt khách/năm, trong khi công suất thiết kế ban đầu chỉ ở mức từ 28 - 30 triệu lượt. Trước áp lực này, Chính phủ đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mở rộng và nâng cấp hạ tầng nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang tăng tốc thi công để hoàn thành vào dịp 30/4/2025. Đây là dự án được đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, phục vụ khách nội địa quy mô lớn nhất nước với 20 triệu người. Từ đó, nâng tổng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm, cùng với hai ga T1 và T2 hiện hữu.

Để kết nối nhà ga mới này, hai dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng) dài hơn 4 km và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng) đang được triển khai và dự kiến hoàn thành cuối năm nay nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi và đến nhà ga mới T3.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn thành tất cả 3 giai đoạn cũng sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.

Một yếu tố tích cực nữa là các hãng hàng không đang đầu tư thêm nguồn lực để tăng năng lực phục vụ hành khách. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán 2025, nhiều hãng hàng không đang tích cực mở rộng đội tàu bay.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (

Vietnam Airlines – mã chứng khoán: HVN) đã công bố kế hoạch tăng cường chuyến bay trong dịp Tết, bao gồm việc thuê thêm 4 tàu bay Airbus A320/A321.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet – mã chứng khoán: VJC) tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đội bay khi ký kết hợp đồng với Airbus hồi tháng 7/2024 để mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo, trị giá 7,4 tỷ USD.

Riêng tháng 10, Vietjet đã nhận 3 tàu bay mới và dự kiến tiếp tục nhận thêm nhiều tàu bay thân thiện với môi trường trong quý IV/2024. Nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp hàng không đã công bố lãi lớn trong quý III năm nay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý III năm nay của Vietjet đạt 572 tỷ đồng, gấp ba lần so với quý III/2023, là mức lãi cao nhất kể từ quý IV năm 2020. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.405 tỷ đồng, tăng mạnh 564% so với mức cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines, doanh thu của doanh nghiệp đạt 26.830 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 862 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp lỗ hơn 2.100 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã chứng khoán: SCS) có doanh thu thuần quý III đạt 266 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 186 tỷ đồng, tăng 46%; biên lợi nhuận ròng đạt 70%.

Công ty này cho biết, tổng sản lượng hàng hóa quý III/2024 đã tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường. Đáng chú ý, sản lượng hàng hóa quốc tế của doanh nghiệp tăng gần 51%, sản lượng hàng hóa nội địa cũng tăng trưởng ổn định 16%.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-hang-khong-lay-da-cat-canh/357713.html
Zalo