Doanh nghiệp gồng mình khôi phục sản xuất sau bão lũ
Sau cơn bão số 3 (Yagi), cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương phía Bắc bắt đầu dọn dẹp và khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên cũng còn nhiều đơn vị khác đang tạm dừng hoạt động do những khó khăn khách quan.
(KTSG Online) – Sau cơn bão số 3 (Yagi), cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương phía Bắc bắt đầu dọn dẹp và khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên cũng còn nhiều đơn vị khác đang tạm dừng hoạt động do những khó khăn khách quan.
Các KCN nỗ lực khôi phục hoạt động
Cơn bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc với cường độ mạnh, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế và các doanh nghiệp. Ngay khi cơn bão đi qua, nỗ lực phục hồi sản xuất – kinh doanh là công việc được nhiều doanh nghiệp, đơn vị tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung triển khai.
Tại KCN Deep C, nằm gần tuyến đê biển Nam Đình Vũ (Hải Phòng), phần lớn doanh nghiệp chịu thiệt hại về hàng hóa, nhà xưởng, đổ cổng, hàng rào, thậm chí nước tràn vào kho và nhà xưởng… Chưa ước tính được thiệt hại quy đổi bằng tiền, nhưng có doanh nghiệp phải sửa chữa lại các cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, có thể mất 2-3 tháng hoặc dài hơn.
Ngay sau cơn bão đi qua, nhà cung cấp dịch vụ của Tổ hợp KCN Deep C đã khẩn trương khắc phục sự cố mất điện, nước diện rộng. Đến ngày 12-9, 98% khách hàng tại đây đã hoàn thành việc cấp điện, chỉ còn lại số ít nhà xưởng cần kiểm tra lại hệ thống để đảm bảo an toàn trước khi đóng điện trở lại. Riêng nước sạch, toàn bộ doanh nghiệp tại đây đã được cấp trở lại hôm đầu tuần.
Đồng thời, DEEP C cũng tăng cường công tác phòng ngừa rủi ro sau bão như chuẩn bị bao cát, máy phát và máy bơm đề phòng nước vượt tường bao tại Trạm cắt 3 của KCN; sửa chữa bờ kè mương thoát nước và lắp đặt bơm lưu động…
Cũng tại Hải Phòng, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả, đặc biệt là phục hồi nguồn điện ngay sau khi bão đi qua. Điều này góp phần giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc, như LG đang dần phục hồi quá trình sản xuất.
Tuy vậy, nhiều khu vực vẫn bị cắt điện để bảo đảm an toàn hoặc do sự cố, đã gây thiệt hại lớn đến các nhà máy. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cố gắng nhanh chóng hồi phục sớm về cơ sở hạ tầng để thuận tiện đi lại, từ đó giúp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ổn định trở lại.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, ngay sau bão, chính quyền thành phố đã huy động mọi nguồn lực để khôi phục sớm nhất việc giải tỏa giao thông, cấp điện, nước sạch trở lại sớm… Trong đó, các KCN, các doanh nghiệp là một trong những đối tượng được thành phố quan tâm tập trung khắc phục. Trong đó quan trọng là cấp điện, nước và mạng viễn thông trở lại để nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm các đơn hàng đã ký cũng như bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường toàn cầu.
Nhờ vậy mà từ ngày 9-9, hầu hết KCN được cấp điện trở lại và hơn 95% số doanh nghiệp trong KCN trở lại sản xuất bình thường ngay sau bão.
Ngoài Hải Phòng thì Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… cũng là những địa phương có các nhà máy sản xuất lớn và có nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc duy trì sản xuất liên tục có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ người lao động, doanh nghiệp mà còn của nền kinh tế.
Đơn cử tại Công ty TNHH Suntel Vina ở KCN Đại An mở rộng (Hải Dương) bị tốc mái nhà xưởng hàng trăm m2 nên không gian sản xuất bị thu hẹp; nhiều máy móc bị ướt, hỏng và việc di chuyển vật liệu khó khăn… Tuy nhiên, doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu này đang cần tập trung hoàn thành hơn 10 đơn hàng.
Do đó, ngay khi bão đi qua, hầu hết bộ phận sản xuất của doanh nghiệp phải sắp xếp lại để bảo đảm duy trì hoạt động. Công ty đã động viên người lao động khắc phục, đồng lòng cùng vượt qua; phấn đấu không ảnh hưởng việc làm của hơn 300 người lao động.
Chủ đầu tư KCN Đại An thì cho biết lực lượng tại chỗ của công ty đã cử 60 người trực tiếp bơm gạn nước, khắc phục hậu quả, trồng lại cây xanh; còn 40 người ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, các tỉnh thành như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, lực lượng lao động gần như đã trở lại làm việc trong điều kiện an toàn.
Tại những nơi có thiệt hại nặng nề do bão, doanh nghiệp cũng đã nỗ lực khôi phục lại nhà xưởng, máy móc thiết bị để tiếp tục sản xuất.
Với Phú Thọ và Thái Nguyên, lũ lụt diễn ra rộng khắp nên một số người lao động không thể đi làm khiến các nhà máy lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng. “Hiện chúng tôi đang nỗ lực phục hồi một cách nhanh chóng, nếu tình hình không mưa nữa thì tương đối ổn. Nhưng hiện tại, mưa vẫn đang nhiều, các nhà máy sẽ tiếp tục gặp khó khăn”, ông Hong Sun lo ngại.
Trong bối cảnh hiện nay, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người lao động sẽ giúp quá trình khôi phục sản xuất diễn ra nhanh chóng, đảm bảo đơn hàng, việc làm và các mục tiêu kinh tế.
Doanh nghiệp nông – lâm – thủy sản vẫn ngổn ngang
Không may mắn như doanh nghiệp hoạt động trong KCN, doanh nghiệp thủy sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng chịu tổn thất nặng nề về tài sản. Mức tổn thất ước tính tại các nhà máy ít nhất khoảng 300-400 triệu đồng. Thậm chí, cũng có nơi tổn thất gần 100 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Trường, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng) cho biết 2/3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu chịu tổn thất rất lớn.
Cụ thể, 5 xưởng sản xuất tại nhà máy số 2 với 2 kho xưởng bao bì, thức ăn viên bị tốc mái và đổ hoàn toàn, bao bì bị nước ngấm hỏng hết; hệ thống ống hơi của lò hơi cũng bị gãy. Đáng chú ý, hệ thống máy phát điện chính của nhà máy bị hỏng hoàn toàn nên không có điện cho toàn bộ nhà máy.
Nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu doanh nghiệp nhập khẩu về đang phải tạm lưu container tại cảng và chấp nhận chịu chi phí lưu kho và điện cắm tại cảng. Ông Trường dự tính công ty phải ngưng sản xuất khoảng 20 ngày để thu dọn nhà máy để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm nhà xưởng, cấp điện nước mới quay lại sản xuất được.
“Tổng thiệt hại của cả công ty khoảng 100 tỉ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và bị chậm thời hạn giao hàng đến khách hàng”, ông Trường cho biết.
Cũng chịu thiệt hại gần 100 tỉ đồng do bão, ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty thủy sản Tân An (Quảng Ninh), cho biết toàn bộ bè hàu trên biển đã bị cuốn trôi do bão; tôm thì chết do mất điện, không chạy được máy sục khí và bơm nước; các nhà ương giống cấp 1 đều đã bị phá nát hết.
Để giải quyết khó khăn, ông buộc phải chỉ đạo công nhân kéo số tôm chết do kích thước còn nhỏ lên, để làm mồi cho cá rô phi hoặc chôn lấp xuống đất.
Theo ông Dũng, điều may mắn nhất là không có công nhân nào bị thương hay mất tích do bão. “Giờ cái lo lớn nhất là làm sao giữ chân công nhân rồi khôi phục lại sản xuất”, ông Dũng nói.
Hiện, doanh nghiệp đang có 60 công nhân với mức lương khoảng 10 triệu đồng/người/tháng và được lo ăn ở toàn bộ. Do đó, ông Dũng rất mong các cơ quan quản lý tạo điều kiện để giãn thời hạn trả lãi ngân hàng với nợ cũ. Đồng thời, hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói vay lãi suất ưu đãi để có thể khôi phục sản xuất.
Cũng với mong muốn giảm thiểu tổn thất và sớm quay lại hoạt động sau bão, ông Đặng Bá Mạnh, Giám đốc HTX nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả, vừa chỉ đạo công nhân khắc phục hậu quả, vừa tiếp tục duy trì những ao nuôi tôm còn lại. Đồng thời, chỉ đạo công nhân kéo những ao tôm gần đủ tuổi bán cho thương lái với mức giá 110.000đ/kg cho loại 26 con/kg, bằng phân nửa trước đây.
Dù nhiều tỉnh thành vẫn đang trong tình trạng ngập lụt nên các chợ đầu mối không thu mua tôm, nhưng ông Mạnh vẫn phải bán, vì các ao nuôi đã bị gãy cột chống, mất mái, nếu gặp mưa thì tôm chết.
“Từ sau hôm bão về mỗi ngày tôm chết 1-2 tấn, để càng lâu thì tôm chết càng nhiều”, ông Mạnh giải thích.
Nhìn lại cơn bão vừa qua, ôn Mạnh cho biết, khi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp chỉ định làm các cột trụ bằng inox tròn, rồi đổ một lớp bê tông dầy hơn 10cm phủ ra bên ngoài để đảm bảo an toàn. Nhưng cơn bão quá lớn, các mái che bằng nilon lại không thể tháo ra được nên dẫn đến tình trạng các mái che thì bị xé nát, các cột trụ cũng bị gãy.
“Ban đầu chúng tôi tính toán sẽ xây dựng kiên cố các bể nuôi cũng như mái che. Nhưng do đây là đất nuôi trồng thủy sản nên chỉ có thể làm tạm bợ như thế này. Tôi rất mong các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện để Hợp tác xã được đầu tư các khu nuôi kiên cố để làm ăn lâu dài”, ông Mạnh nói.