Doanh nghiệp gian nan tiếp cận vốn vay xây nhà ở xã hội

Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất cho vay đã giảm 3% so với đầu năm 2022, trong khi các doanh nghiệp cho rằng lãi suất cho vay bất động sản còn cao. Đồng thời, doanh nghiệp khó vay vốn tín dụng, đặc biệt việc tiếp cận vốn của các dự án nhà ở xã hội đang là thách thức lớn.

Ngày 28/10, trong thảo luận về Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (2015-2023), một số đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng ưu đãi 3-5% cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn 10-20 năm.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn nhà ở xã hội

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu thực trạng phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng. Một phần vì thiếu tài sản bảo đảm, một phần các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong cho vay bất động sản (BĐS), có thời điểm lãi suất cho vay lên từ 12-14%/năm.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nêu, thủ tục vay vốn còn nhiều bất cập, thủ tục rườm rà, nhiều đối tượng có nhu cầu mua nhà nhưng chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ vay vốn. Vì thế, đại biểu kiến nghị cần bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, NHNN có chủ trương cải cách các thủ tục hành chính xét duyệt, cho vay.

“Tránh tình trạng chính sách thì rất hay, rất tốt nhưng tiếp cận lại phải qua một rừng thủ tục", đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh.

Hiện, dư nợ tín dụng BĐS vào khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 35% tổng dư nợ tín dụng.

Hiện, dư nợ tín dụng BĐS vào khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 35% tổng dư nợ tín dụng.

Để khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội, một số đại biểu đề nghị tạo nguồn vốn bền vững, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội bằng cách thành lập Quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với cơ chế quản lý phù hợp.

Ý kiến của các đại biểu nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri. Ông Lê Vũ Linh (Phó Giám đốc kinh doanh một công ty BĐS) đánh giá: "Ý kiến của đại biểu Phúc là nỗi khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, chủ đầu tư rất khó tiếp cận vốn vay có lãi suất ưu đãi khi thực hiện nhà ở xã hội, đa số vay theo lãi suất thương mại".

Ông Linh mong muốn có nhiều ngân hàng hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để chủ đầu tư có thể tiếp cận. Từ đó, giúp giảm giá thành dự án và giá căn hộ khi đến với người dân. Nhà nước có thể thành lập Quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với cơ chế quản lý phù hợp; có chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) lại nêu, ngân hàng và BĐS giống như “hai anh bạn” đi chung một con thuyền, có quan hệ cộng sinh, nhưng lâu nay lại đang bắt hệ thống tín dụng gánh một gánh quá nặng khi việc gì cũng giao cho ngân hàng.

“Ngân hàng phải làm chức năng của tổ chức tín dụng, không thể bắt họ đi huy động vốn bình thường để cho vay ưu đãi được, ngân hàng huy động ngắn hạn lại cho vay dài hạn. Tôi cho rằng ngân hàng nên tập trung vào hỗ trợ cho người đi vay chứ không phải tập trung cho doanh nghiệp”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, thu hồi vốn vay

Đồng tình với những ý kiến về hạn chế, khó khăn trong cho vay nhà ở xã hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ đạo tập trung nhiều giải pháp, kể cả xã hội hóa, để phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu về nhà ở xã hội còn phụ thuộc vào nguồn lực tài chính của Nhà nước. Trong bối cách ngân sách nhà nước còn khó khăn thì ngành ngân hàng đã có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, hiện đã lên 145.000 tỷ đồng từ nguồn lực của các tổ chức tín dụng, lãi suất cũng dùng chính nguồn lực này để giảm từ 1-1,5% so với lãi suất cho vay thông thường.

Nhưng theo Thống đốc, hiện số dư giải ngân rất ít, khoảng 1.700 tỷ đồng do đang là giai đoạn đầu của đề án 10 năm đến năm 2030, nhất là sau giai đoạn Covid-19 thì người dân còn khó khăn, nhu cầu chưa cao.

Về những vướng mắc liên quan đến tiếp cận vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Thống đốc cho hay, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ thực hiện giải ngân, việc xác định đối tượng đủ kiện do các bộ, ngành xác định, nên các đơn vị sẽ có rà soát theo đề nghị của các đại biểu Quốc hội và Đoàn giám sát.

Chia sẻ thêm, đại diện NHNN cho biết vốn đầu tư vào BĐS thường yêu cầu giá trị lớn, thời hạn dài, trong khi các ngân hàng chủ yếu huy động nguồn vốn ngắn hạn. Các ngân hàng cũng cần đảm bảo theo các quy định về tỷ lệ an toàn vốn, thu hồi vốn vay hoặc các ngân hàng cần ưu tiên tín dụng cho các nhiệm vụ cấp bách hơn.

Dù vậy, lãnh đạo NHNN cho rằng, thời gian qua, tín dụng BĐS vẫn tăng nhanh, tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Hiện, dư nợ tín dụng BĐS vào khoảng 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.

Về ý kiến khó tiếp cận tín dụng ngay cả khi dự án có tài sản đảm bảo theo báo cáo giám sát, dẫn lại minh chứng từ sự cố rút tiền hàng loạt với quy mô chưa từng có tiền lệ tại ngân hàng SCB vào cuối năm 2022, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự cố đã ảnh hưởng lan truyền đến thanh toán hệ thống và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá đã có thời điểm tăng tới 10%.

Vì thế, các ngân hàng thời điểm đó đã thận trọng hơn trong cho vay mới, nhất là những dự án BĐS có kỳ hạn dài. Ngành ngân hàng cần đảm bảo mục tiêu an toàn hệ thống, tùy thời điểm sẽ ưu tiên mục tiêu cao nhất để giữ ổn định, an toàn hệ thống.

Liên quan đến những kiến nghị về lãi suất cho vay BĐS còn cao, Thống đốc NHNN nêu rõ, các doanh nghiệp khi đi vay vốn đều muốn lãi suất thấp nên nhận định lãi suất cao là điều dễ hiểu, nhưng cũng cần ghi nhận cố gắng của ngành ngân hàng trong thời gian qua.

Bởi trong bối cảnh lãi suất thế giới ở mức cao thì nước ta vẫn kiểm soát được mặt bằng lãi suất, hiện lãi suất cho vay mới đã giảm khoảng 3% so với đầu năm 2022. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã thực hiện miễn giảm lãi, phí hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19 lên tới hơn 60.000 tỷ đồng.

Trong chỉ đạo điều hành, NHNN cũng luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng phấn đấu tiết giảm chi phí, tăng cường, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/doanh-nghiep-gian-nan-tiep-can-von-vay-xay-nha-o-xa-hoi-1103295.html
Zalo