Doanh nghiệp, địa phương quyết tâm tăng trưởng cao

Để thúc đẩy tăng trưởng, các DN, các ngành, địa phương… đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng bứt phá, phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.

Trong năm 2025, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Lương Văn Khôi nhìn thấy triển vọng phục hồi, tăng trưởng cũng như hiệu quả hoạt động của DN có tín hiệu tích cực trong bối cảnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trong năm tới.

Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giúp dự đoán xu hướng thị trường, cải thiện trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chuỗi cung ứng. AI được dự đoán sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030.

Các nền kinh tế, DN phải bắt kịp xu hướng AI, ứng dụng AI góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. “Nếu khai thông được hiệu quả DN, không còn hoài nghi gì về khả năng Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng hai con số” - ông Lương Văn Khôi nhấn mạnh.

Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hùng

Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hùng

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng cho biết, khoa học công nghệ, chuyển đổi số đã và đang thấm vào từng ngành, lĩnh vực, người dân. Hiện, Thái Nguyên xác định tập trung vào lĩnh vực tự động hóa công nghiệp. Riêng trong ngành chè, tỉnh đã chế tạo robot sao chè, góp phần gia tăng thu nhập cho người nông dân.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, năm 2024, tỉnh đã thu hút đầu tư đạt kết quả ấn tượng với hơn 5 tỷ USD, chiếm 16% tổng giá trị thu hút FDI toàn quốc. Riêng lĩnh vực bán dẫn, đến nay, tỉnh thu hút được 3 tỷ USD. Năm 2025, tỉnh nỗ lực thu hút đầu tư vào phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, tạo "thung lũng silicon" thu hút các trung tâm nghiên cứu và sản xuất, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, qua đó tạo đột phá cho phát triển.

Với TP Hồ Chí Minh, UBND TP đã đề ra mục tiêu năm 2025 phải đạt tăng trưởng trên 10%, giải ngân đầu tư công trên 95%; kinh tế số đóng góp 25%... với chủ đề năm 2025 là “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của TP".

Nhận định năm 2025 là năm có khối lượng công việc rất lớn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị, địa phương nỗ lực hoàn thành mục tiêu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số.

Tập trung thực hiện tốt các nội dung công việc với tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất. Ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng, nhất là hệ thống đường sắt đô thị. Tiếp tục thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô 2024, 2 quy hoạch lớn của Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, nhiệm vụ cho năm 2025 là tập trung nguồn lực cho các cực tăng trưởng, vùng động lực và hành lang kinh tế, tạo sức bật và lan tỏa ra các vùng, địa phương khác trên cả nước, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu phát triển các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng mới…

Năm mới, Chính phủ sẽ họp bàn với các bộ, ngành, địa phương để tìm ra các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá.

“Tôi tin là sau cuộc họp này, các chủ trương, định hướng và giải pháp quan trọng, và cả các kịch bản tăng trưởng kinh tế sẽ được ban hành trong các Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ như thường niên” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-dia-phuong-quyet-tam-tang-truong-cao.html
Zalo