Doanh nghiệp dệt may tưng bừng khí thế ra quân đầu xuân mới

Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, khi hương xuân vẫn đậm đà thì không khí lao động sản xuất đã tưng bừng tại các nhà máy, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp dệt may.

Doanh nghiệp dệt may tưng bừng khí thế ra quân đầu xuân mới. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Doanh nghiệp dệt may tưng bừng khí thế ra quân đầu xuân mới. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, khi hương xuân vẫn đậm đà thì không khí lao động sản xuất đã tưng bừng tại các nhà máy, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp dệt may.

Tại Tổng Công ty Đức Giang (Dugarco), không khí làm việc đầu năm mới Ất Tỵ rất khẩn trương ngay từ những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Theo ông Phạm Tiến Lâm, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Đức Giang – CTCP (May Đức Giang), năm 2025, May Đức Giang tập trung cải thiện tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu 10% so năm 2023, đạt 88 - 90 triệu USD; lợi nhuận tăng 20 - 25%, đạt từ 28 - 30 tỷ đồng; kinh doanh nội địa tăng 25 - 30%; trong đó, kinh doanh mặt hàng thời trang tăng từ 45 - 50%, phấn đấu đóng góp 30% trong tổng doanh thu của tổng công ty.

Để đạt mục tiêu trên, ba nhóm giải pháp chính Tổng Công ty Đức Giang (Dugarco) sẽ tập trung xuyên suốt là tìm hiểu – thích ứng – thay đổi. Theo đó, giải pháp Đức Giang đặt ra cho năm 2025 là tập trung thay đổi tư duy quản trị để thích ứng với bối cảnh kinh tế mới. Việc tinh giản biên chế và tối ưu hóa bộ máy điều hành sẽ giúp giảm chi phí đầu mối, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.

Đặc biệt, May Đức Giang cam kết đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI nhằm thúc đẩy quá trình số hóa, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách thức vận hành và quản trị doanh nghiệp. Song song đó, công ty đảm bảo năng lực sản xuất đáp ứng cả hai thị trường xuất khẩu và nội địa. Ngoài ra, May Đức Giang cũng đặc biệt chú trọng phát triển nguyên liệu xanh và thúc đẩy sản xuất tuần hoàn để đáp ứng các xu hướng bền vững trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Tiến Lâm cho biết thêm, hiện nay, May Đức Giang có sự phát triển cân đối về thị trường, xuất khẩu đi các nước: Mỹ, Canada, Nhật Bản, châu Âu… với đủ nhóm mặt hàng sơ mi, veston, jacket, quần jean, quần âu, hàng dệt kim. Ngoài ra, tổng công ty còn cung cấp số lượng lớn hàng đồng phục cho nhiều đơn vị trên cả nước. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu quần áo lớn thứ hai vào Mỹ sau Trung Quốc. Sự chuyển dịch nhập khẩu của Mỹ khỏi Trung Quốc đã diễn ra nhanh chóng từ năm 2010 và tăng tốc mạnh trong giai đoạn 2019 - 2023, với thị phần của Trung Quốc giảm 13%. Trong bối cảnh này, Việt Nam, cùng với Ấn Độ và Bangladesh, nổi lên như những nguồn cung cấp thay thế quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá cao hơn nhờ chi phí lao động thấp (chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc), tốc độ ra thị trường nhanh và tay nghề lao động cao.

Tại Nhà máy Sợi Hòa Xá thuộc Tổng Công ty Dệt May Nam Định, Tổng Giám đốc, Tập Đoàn Dệt May Việt Nam- ông Cao Hữu Hiếu đã bấm nút mở máy khai xuân và trao quà tết động viên người lao động đã trở lại làm việc ngay trong những ngày đầu của năm mới Ất Tỵ.

Không khí lao động sản xuất đã tưng bừng tại các nhà máy, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Không khí lao động sản xuất đã tưng bừng tại các nhà máy, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Náo nức khí thế ra quân đầu năm mới, chị Trần Thị Huyền- Giám đốc Nhà máy Sợi Hòa Xá cho biết: Sự quan tâm của Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Tổng Công ty Dệt May Nam Định là động lực để tập thể hơn 200 cán bộ nhân viên và người lao động Nhà máy quyết tâm thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Mỗi người lao động sẽ nỗ lực thi đua đổi mới, sáng tạo và không ngừng học hỏi để cải tiến cách làm mới, phương thức sản xuất mới, phát huy cao nhất hiệu quả của 3,1 vạn cọc sợi.

Còn tại Nhà máy Sợi Yên Mỹ, đến mở máy sản xuất ngày đầu làm việc, anh Nguyễn Đăng Phương- bộ phận bông chải ghép thô Nhà máy Sợi Yên Mỹ bộc bạch: Khí thế ra quân đầu năm sôi nổi, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo nhà máy và mỗi người lao động vào một năm linh hoạt vượt khó, sáng tạo để nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng. Mong rằng nhà máy sẽ có bước phát triển, người lao động có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo.

Nêu định hướng hoạt động năm 2025, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, để vượt qua thử thách, con đường duy nhất của toàn hệ thống Vinatex là kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đoàn kết để có thể đề ra và triển khai mọi hoạt động một cách linh hoạt, nâng cấp hệ thống với định vị mới phù hợp với diễn biến của thị trường và phù hợp với định hướng cung cấp trọn gói sản phẩm thời trang xanh của Vinatex. Tổng Giám đốc Vinatex đề nghị các đơn vị tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa lao động gián tiếp, xem xét lại khâu đầu tư đảm bảo hiệu quả cao hơn, đáp ứng tiêu chí xanh.

Trong không khí ra quân sản xuất đầu năm Xuân Ất tỵ, tại Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần (CTCP), lễ khai xuân đã được tổ chức ngay từ sáng sớm ngày 3/2 (mùng 6 Tết Nguyên đán), gần 12.000 lao động của Tổng công ty tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đồng loạt ra quân sản xuất, bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm Ất Tỵ với quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra trong năm 2025.

Chia sẻ trong ngày đầu tiên đi làm của Xuân Ất Tỵ, chị Nguyễn Thị Hảo, quê Nghệ An, có hơn 10 năm làm tại tổ Veston, May 10 Hà Nội chia sẻ, ngày đầu xuân quay lại đi làm chị rất phấn khởi, công ty thuê xe đưa công nhân về quê ăn Tết và đón công nhân trở lại làm việc; tổ chức Tết sum vầy, bữa ăn tất niên cho người lao động năm 2025, hỗ trợ một phần nhà ở cho công nhân... Chị mong muốn năm 2025, Tổng công ty có nhiều đơn hàng, có nhiều cải tiến về máy móc, nâng cao năng suất để người lao động tăng thêm thu nhập.

“Làm được 12 năm, tôi luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của May 10, về môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, về sự tương thân, tương ái của Công đoàn Tổng công ty đến người lao động… Tất cả những điều đó khiến chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài, đồng thời cũng là động lực động viên người lao động hăng say thi đua sản xuất, đồng hành cùng tổng công ty vượt qua những giai đoạn, thời điểm khó khăn” - chị Hảo chia sẻ.

Có mặt đúng giờ ở vị trí sản xuất với khí thế hăng hái, phấn khởi, chị Nguyễn Thị Hương- Bộ phận Dán nhãn – Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội cho hay, đón chào một mùa xuân mới, tôi và hơn 12 nghìn cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tổng Công ty May 10 - CTCP đều chung quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức của năm 2025, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, nỗ lực thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ do Hội đồng quản trị đã đề ra".

Tâm sự của chị Hương, chị Hảo có lẽ cũng là tâm sự của toàn thể người lao động Tổng Công ty May 10 - CTCP và đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng giúp cho Tổng Công ty đạt kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, với khẩu hiệu và quyết tâm “chọn việc khó" để làm, ngay từ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, Ban lãnh đạo Tổng công ty May 10 cùng tập thể hơn 12.000 người lao động đã quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra; tập trung phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, xanh hóa trong sản xuất, khẳng định trách nhiệm của nhà sản xuất với người tiêu dùng trong việc cung cấp cho thị trường những sản phẩm có nguồn gốc thân thiện môi trường. Tổng công ty sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đảm bảo thu nhập cho người lao động, an sinh xã hội.

Ngọc Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-det-may-tung-bung-khi-the-ra-quan-dau-xuan-moi/361908.html
Zalo