Doanh nghiệp dệt may phát huy sức sáng tạo của người lao động
Đồng hành cùng người lao động nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng các sáng kiến vào sản xuất, doanh nghiệp dệt may thu được nhiều lợi ích.
Tại “Ngày hội lao động sáng tạo” của ngành dệt may năm nay, nhóm tác giả Phạm Văn Thuần và Nguyễn Phụ Dũng - Phòng Cơ điện, Tổng công ty May 10 - CTCP, đã đạt giải Nhất - với đề tài “Nghiên cứu và chế tạo, lập trình, cải tiến máy thùa tròn điện tử dịch khuyết tự động theo chương trình cài đặt”.
Theo đại diện nhóm tác giả, trên cơ sở nghiên cứu quy trình vận hành của máy thùa tròn, nguyên lý làm việc của bộ thùa dịch khuyết trên các máy tương tự của hãng Durkopp, nhóm nghiên cứu xây dựng bản vẽ khung sườn và mặt bằng bố trí các thiết bị, sơ đồ nguyên lý điện kèm theo phù hợp với yêu cầu công nghệ đặt ra. Nhóm đã sử dụng phần mềm bản quyền Simatic 7 Basic V17 của hãng Siemens để xây dựng chương trình cho thiết bị và phần mềm DOPSoft 4.0 chuyên dùng cho màn hình Delta để lập trình, tạo giao diện.
So với máy phải mua từ nhà cung cấp nước ngoài, giá trị chế tạo và lắp dựng hoàn thiện 1 bộ thùa dịch khuyết cho 1 máy (tính cả nhân công) hiện nay chỉ bằng 2,3%. Bộ thiết bị phụ trợ được chế tạo có công dụng tương đương với máy nhập ngoại và nổi trội hơn với giao diện màn hình cảm ứng điều khiển tiếng Việt, rất thân thiện cho người vận hành.
Giành giải Nhì giải “Lao động sáng tạo” trong lĩnh vực sợi dệt nhuộm tại ngày hội, đại diện nhóm phát triển phần mềm đến từ Công ty Cổ phần Dệt may Huế, thông tin, phần mềm quản lý sản xuất dệt - nhuộm mang đến một bộ công cụ đa năng, hỗ trợ toàn diện từ khâu nhập nguyên liệu đến khi xuất thành phẩm, giúp tối ưu quy trình và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tính năng nổi bật đầu tiên là quản lý đầu vào chặt chẽ, nơi tất cả thông tin về nguyên liệu đầu vào như sợi, hóa chất, công thức nhuộm đều được lưu trữ chi tiết và dễ dàng truy cập, cho phép công ty kiểm soát chặt chẽ tính đồng nhất và chất lượng của mỗi loại nguyên liệu. Tiếp theo là theo dõi tiến độ sản xuất, giúp cập nhật nhanh chóng và chính xác tiến độ của từng đơn hàng thông qua phiếu giao nhiệm vụ. Nhờ tính năng này, công ty có thể điều chỉnh và phân công nhiệm vụ kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ trong các công đoạn, đồng thời giảm áp lực cho người lao động.
Một điểm mới nữa, quản lý kho hiệu quả qua mã QR, không chỉ giúp đơn giản hóa việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo rằng thông tin kho luôn chính xác mà còn bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước các biến động trong chuỗi cung ứng. Mỗi loại nguyên liệu, từng lô hàng đều được quản lý chặt chẽ, giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro sai sót.
Việc triển khai phần mềm không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp tiết kiệm chi phí một cách đáng kể. Theo ước tính, doanh nghiệp có thể tiết kiệm hơn 550 triệu đồng mỗi năm nhờ phần mềm này. Thời gian tổng hợp thông tin đơn hàng cũng được rút ngắn từ 1,5 công xuống chỉ còn 0,2 công, giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng xử lý đơn hàng và tăng tính linh hoạt trong quản lý.
Qua các kỳ tổ chức, “Ngày hội lao động sáng tạo” là "sân chơi" bổ ích, cũng là nơi khích lệ động viên người lao động phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong công việc. Từ đó, tăng giá trị cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện môi trường lao động, tăng thu nhập cho chính người lao động.
Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, những sáng kiến đạt giải trong “Ngày hội lao động sáng tạo” đã gây dựng phong trào sáng kiến trở lên mạnh mẽ… Bên cạnh thành công của mỗi đội, nhóm, cá nhân, chính là sự tận tâm của các doanh nghiệp dệt may trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm, coi người lao động là trung tâm trong sự phát triển.
Dệt may là ngành sử dụng rất nhiều lao động, với khoảng gần 3 triệu người, bao gồm cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Lực lượng này đang chung sức tạo ra giá trị xuất khẩu lớn hàng năm. Doanh nghiệp dệt may luôn coi lao động là tài sản quý giá nhất, do đó, luôn tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và thuận lợi nhất.