Doanh nghiệp đầu tư về giáo dục tại TP.HCM mong tinh gọn thủ tục hành chính

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Ngày 27/8, hơn 110 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đến tham dự Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hội nghị do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Hơn 20% học sinh thành phố học tại trường ngoài công lập

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có hơn 20% học sinh của thành phố đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

Qua tỷ lệ đóng góp này, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh rằng, hệ thống giáo dục ngoài công lập có sự đóng góp rất lớn cho ngành giáo dục thành phố, đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

 Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

“Ngành giáo dục và đào tạo thành phố nói riêng, lãnh đạo thành phố nói chung luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Theo bà Tạ Thị Minh Thư – Trưởng phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi hội nghị này diễn ra, Sở đã nhận được 53 câu hỏi thuộc các nhóm vấn đề mà cơ sở đang gặp khó khăn, gồm: Điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy; chế độ chính sách, tổ chức bộ máy nhân sự; công khai, quảng cáo chỉ tiêu tuyển sinh; triển khai hoạt động chuyên môn; đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tuyển dụng, sử dụng giáo viên nước ngoài; tổ chức hội thảo tư vấn du học; liên kết giáo dục, đấu thầu; thủ tục hồ sơ thành lập, hoạt động giáo dục; các quy định về thuế.

Mong tinh gọn thủ tục hành chính

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, cô Phan Thị Ánh Hoàng – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Nam Việt (Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, hiện nay đất quy hoạch dành cho giáo dục không dành cho các trường tư thục, nên các nhà đầu tư phải đi thuê mướn mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất hoặc cải tạo lại để phù hợp với mục đích sử dụng làm trường học.

“Tuy nhiên, các quy định về hồ sơ, thủ tục pháp lý còn kéo dài, khi đơn vị có các thắc mắc gửi các Sở, ban ngành thì chỉ nhận được sự giải đáp chung chung, chưa có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương” – cô Phan Thị Ánh Hoàng nêu vấn đề.

 Cô Phan Thị Ánh Hoàng nêu ý kiến tại hội nghị (ảnh: V.D)

Cô Phan Thị Ánh Hoàng nêu ý kiến tại hội nghị (ảnh: V.D)

Cô Phan Thị Ánh Hoàng mong rằng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm chủ trương giao đất cho trường tư thục, đồng thời tinh gọn thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Trực tiếp giải đáp thắc mắc này của phía trường học ngay tại hội nghị, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay, quỹ đất dành cho giáo dục không còn nhiều, kể cả dành cho các trường công lập.

Hiện nhiều dự án xây dựng trường học phải thực hiện thông qua hình thức đền bù, giải phóng mặt bằng. Đối với những dự án đầu tư xây dựng trường tư thục, chủ đầu tư phải thực hiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.

“Thế nhưng, theo quy định mới của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, đất nông nghiệp khi chuyển đổi mục đích sử dụng qua phi nông nghiệp, phải thực hiện hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất” – đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh nói.

Ngoài ra, với đất ở của cá nhân, Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện có thẩm quyền phê duyệt dự án đất sử dụng đa mục đích. Riêng đối với đất của các tổ chức, doanh nghiệp thì có thể liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn hồ sơ, thủ tục trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đất sử dụng đa mục đích.

Quy định về phòng cháy chữa cháy là áp dụng trên cả nước

Chủ đầu tư Trường Mầm non Sài Gòn sáng tạo (Quận 10) - Văn Tôn Đạt đặt câu hỏi, thành phố có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo hồ sơ về phòng cháy chữa cháy, khi thực hiện việc đầu tư trong lĩnh vực giáo dục?

Bởi lẽ, theo ông Văn Tôn Đạt, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục sử dụng mặt bằng là nhà ở riêng lẻ để kinh doanh giáo dục, nên khó đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.

Trả lời cho ý kiến này ngay tại hội nghị, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, căn cứ vào quy định tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP của Chính phủ, danh mục dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy gồm: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non cao từ 3 tầng trở lên, hoặc là có khối tích từ 3.000m3 trở lên, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có khối tích từ 5.000m3 trở lên; nhà, công trình của học viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên.

Đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, quy định nói trên áp dụng chung cho cả nước. “Thành phố Hồ Chí Minh chỉ xem xét xử lý linh hoạt đối với các công trình xây dựng trước năm 2001 – thời điểm trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy bắt đầu có hiệu lực” – đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh thông tin.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/doanh-nghiep-dau-tu-ve-giao-duc-tai-tphcm-mong-tinh-gon-thu-tuc-hanh-chinh-post245160.gd
Zalo