Doanh nghiệp 'đào vàng' lớn nhất Việt Nam đạt lợi nhuận cao kỷ lục

Năm 2024, Tổng Công ty Khoáng sản TKV (Vimico) đã lập kỷ lục về lợi nhuận sau thuế khi đạt 1.229 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2024, doanh thu của Vimico trong năm 2024 đã lập kỷ lục 13.252 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.229 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp này.

Vimico giải trình, kết quả kinh doanh khả quan năm 2024 đến từ việc giá bán bình quân các sản phẩm chính của công ty mẹ tăng cao so với năm 2023. Trong đó, giá bán đồng tấm là 230 triệu đồng/tấn, tăng 32 triệu đồng/tấn; giá bán vàng là 1,797 tỷ đồng/kg, tăng 449 triệu đồng/kg; giá bán bạc là 17,9 triệu đồng/kg, tăng 4 triệu đồng/kg...

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Vimico là 9.613 tỷ đồng, tăng 1,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 22,6%, đạt 2.867 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng tài sản của tổng công ty.

Nợ phải trả của Vimico đã giảm mạnh trong năm 2024, từ 6.443 tỷ đồng (đầu năm) xuống 5.603 tỷ đồng (cuối năm), chủ yếu nhờ vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm mạnh. Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm từ 2.171 tỷ đồng (đầu kỳ) xuống 1.243 tỷ đồng (cuối kỳ), giảm khoảng 40%.

Doanh nghiệp "đào vàng" lớn nhất Việt Nam đạt lợi nhuận cao kỷ lục. (Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp "đào vàng" lớn nhất Việt Nam đạt lợi nhuận cao kỷ lục. (Ảnh minh họa).

Vốn chủ sở hữu của tổng công ty là 3.991 tỷ đồng bao gồm 1.362 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Không chỉ báo lãi kỷ lục, Vimico còn thông tin cổ phiếu KSV tăng gần gấp 8 lần kể từ đầu năm 2024 đến nay. Qua đó, vốn hóa thị trường của tổng công ty đạt khoảng 37.820 tỷ đồng.

Vimico hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản như vàng, bạc, kẽm, đồng, nhôm. Trong đó, công ty này nắm quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam - mỏ Sin Quyền.

Ngoài ra, Vimico đang quản lý và khai thác mỏ Đông Pao thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đây là khu mỏ có diện tích gần 133 ha, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước.

Theo tài liệu đại hội cổ đông năm nay, sản lượng khai thác dự kiến của công ty gồm 60.716 tấn quặng đồng, 30.000 tấn đồng cathode, 173.681 tấn quặng sắt, 806 kg vàng, 751 kg bạc... Bình quân mỗi năm, Vimico sản xuất hơn 900 kg vàng. Hiện vàng chiếm 10-15% doanh thu công ty, trong khi đồng là nguồn thu chính với tỷ lệ 50-60%, tiếp theo là quặng sắt (15-20%).

Từ năm 2014, mỏ Đông Pao được giao cho CTCP Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco), một thành viên do Vimico nắm quyền chi phối 56% cổ phần với thời hạn khai thác 30 năm. Tuy nhiên, kể từ khi được cấp phép khai thác đến nay, Lavreco vẫn chưa có các hoạt động khai thác đáng kể, chỉ dừng lại ở việc quản lý và bảo vệ mỏ.

Tuy nhiên, đà tăng giá của các kim loại quý như vàng, bạc, đồng... trên thị trường quốc tế thời gian qua vẫn thúc đẩy đáng kể kết quả kinh doanh của Vimico. Đây cũng là động lực chính đưa giá cổ phiếu KSV lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Châu Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/doanh-nghiep-dao-vang-lon-nhat-viet-nam-dat-loi-nhuan-cao-ky-luc-ar934831.html
Zalo