Doanh nghiệp công nghệ phải nhận sứ mệnh làm rạng danh Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, từ nay, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam.

Khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng

Sáng 15/1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam". Diễn đàn có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham quan khu triển lãm tại diễn đàn (Ảnh: Hoàng Hà)

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham quan khu triển lãm tại diễn đàn (Ảnh: Hoàng Hà)

Mục tiêu của diễn đàn là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu vấn đề, tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm. Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam?

Theo Bộ trưởng, đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số, đặc biệt là sự phát triển mới có tính cách mạng và bước tiến vượt trội của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam.

Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu, và giải những bài toán toàn cầu.

"Make in Viet Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Make in Viet Nam là một tinh thần, tinh thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ, từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. "Chiếc nỏ thần" bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Make in Viet Nam đã được 5 năm, 5 năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%. Và chúng ta đặt mục tiêu giá trị Việt Nam sẽ đạt trên 50% vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công. Thoát bẫy gia công là để thoát bẫy thu nhập trung bình.

Năm năm qua, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.

Make in Viet Nam cũng là tự hào Việt Nam

"Make in Viet Nam cũng là tự hào Việt Nam" - Bộ trưởng bày tỏ, đồng thời cho hay, Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã truyền đi thông điệp về tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc" để phát huy trí tuệ Việt Nam. Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu và phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Ảnh: Hoàng Hà)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Ảnh: Hoàng Hà)

Nghị quyết 57 cũng đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Trước đây, chúng ta tập trung nhiều vào ứng dụng, vào gia công, thì nay chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, vào thiết kế, vào sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, vào các công đoạn giá trị cao hơn. Mỗi năm, Nhà nước sẽ dành 15% ngân sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để chi cho làm chủ các công nghệ chiến lược.

"Chúng ta làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Nghị quyết 57 định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

"Từ nay, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam" - Bộ trưởng chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD. Quan trọng hơn, nó đang tăng với tốc độ trên 30% mỗi năm. Chúng ta đặt mục tiêu, đến năm 2035 doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp. Tức là, xuất khẩu công nghệ số Việt Nam phải cao hơn xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Đây thực sự là mục tiêu rất cao, rất thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. "Nhưng nếu chúng ta không làm được việc này thì không thể nói Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, như Nghị quyết 57 đã giao cho chúng ta. Xuất khẩu công nghệ chính là phép thử về công nghệ Việt Nam" - Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành Nghị quyết 57, đúng vào dịp 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22/12/2024. Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ chỗ thiếu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-phai-nhan-su-menh-lam-rang-danh-viet-nam-369670.html
Zalo