Doanh nghiệp có thể sẽ được đơn giản hóa thêm nhiều thủ tục hải quan
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và Chính phủ, ngành Hải quan đang triển khai rà soát danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý.

Ông Trần Đức Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan.
Mới đây, Tổng Bí thư và Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Yêu cầu đặt ra đối với các Bộ, ngành là trong năm 2025 cần giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm ít nhất 30% chi phí thực hiện thủ tục hành chính và bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Xin ông cho biết, kế hoạch thực hiện những yêu cầu này của ngành Hải quan như thế nào?
Cục Hải quan đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo các đơn vị rà soát danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý. Định hướng rà soát của chúng tôi là, trường hợp xác định thủ tục hành chính không còn cần thiết, đề xuất bãi bỏ thủ tục hành chính hoặc có thể gộp vào thủ tục hành chính khác, thay thế bằng biện pháp quản lý nhà nước khác.
Trường hợp xác định thủ tục hành chính là cần thiết phải tiếp tục duy trì thì đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Ví dụ, cắt giảm các bước trong trình tự thực hiện thủ tục hành chính; thay thế cách thức thực hiện thủ tục hành chính từ thủ công sang điện tử; đơn giản hóa thành phần hồ sơ không cần thiết; đề xuất phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính …). Cùng với đó là đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, thành phần của thủ tục hành chính chưa rõ ràng để chuẩn hóa, làm cho thủ tục hành chính được quy định đầy đủ, rõ ràng, thuận lợi hơn.
Theo kết quả rà soát sơ bộ ban đầu, cơ quan hải quan dự kiến bãi bỏ 32 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 92 thủ tục hành chính, vượt chỉ tiêu theo yêu cầu.
Cùng với cải cách thủ tục hành chính, Hải quan Việt Nam còn triển khai những giải pháp gì để bổ trợ trong quá trình tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thưa ông?
Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ được ngành Hải quan triển khai đồng thời với các giải pháp hiện đại hóa công tác quản lý.
Có thể kể đến là việc tăng cường trang bị và sử dụng có hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin, tích hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan có liên quan; thay đổi phương thức quản lý; tăng cường triển khai việc tiếp nhận và xử lý, trả kết quả xử lý thủ tục hành chính theo phương thức điện tử nhằm đảm bảo chặt chẽ trong công tác quản lý, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai cắt giảm các chứng từ thuộc hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính khi có cơ sở dữ liệu đảm bảo công tác quản lý; cắt giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính; cắt giảm các bước trung gian không cần thiết; qua đó giảm các chi phí phát sinh cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Ngành Hải quan cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thu thập thông tin, áp dụng quản lý rủi ro để thực hiện kiểm tra trọng tâm, trọng điểm; tăng cường kiểm tra sau thông quan để kịp thời xử lý các trường hợp gian lận thương mại.
Cơ quan hải quan đã và đang nâng cấp mở rộng hình thức thanh toán nộp thuế điện tử 24/7, triển khai Chương trình Doanh nghiệp nhờ thu (ủy quyền trích nợ) giúp rút ngắn thời gian xử lý so với nộp thuế điện tử 24/7, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Đến nay, đã có 49 ngân hàng thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu với cơ quan hải quan, trong đó có 44/49 ngân hàng đã triển khai thu 24/7, 8/44 ngân hàng đã triển khai công tác nhờ thu.
Mục tiêu cốt lõi mà cơ quan hải quan hướng tới khi triển khai loạt các giải pháp cải cách nói trên là gì, thưa ông?
Việc cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa được ngành Hải quan thực hiện với mục tiêu đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mô hình tổ chức bộ máy mới của ngành Hải quan, đồng thời tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Những giải pháp đó, đến cùng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà không làm ảnh hưởng tới hiệu quả kiểm soát gian lận thương mại.