Doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa cuối năm

Cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 có rất nhiều lễ hội nên nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao so ngày thường. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, ổn định giá cả, chuẩn bị đợt kinh doanh cao điểm.

Nhóm hàng hóa và lượng sản phẩm cần cân đối bao gồm: Gạo, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, rau củ quả, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ. Các nhóm có nhu cầu cao trong thời điểm vào vụ Tết Nguyên đán như: Mứt Tết, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát. Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Hồ cho biết, toàn tỉnh có 30 DN đăng ký tham gia bình ổn thị trường, tăng 50% so dịp Tết năm 2024. Trong đó, 12 DN đăng ký tham gia thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm (tăng 20%); 18 DN đăng ký tham gia thuộc nhóm hàng xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (tăng 80%).

Tổng số tiền dự trữ hàng hóa Tết năm nay của DN trên 1.851 tỷ đồng, tăng trên 48% so kế hoạch dự trữ năm 2024 và hơn 69% so kết quả thực hiện năm 2024. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… gần 730 tỷ đồng (tăng trên 40%); nhóm hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng đạt 1.124 tỷ đồng (tăng hơn 53%).

Lượng hàng hóa phong phú phục vụ thị trường cuối năm

Lượng hàng hóa phong phú phục vụ thị trường cuối năm

Ông Ngô Thoại, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam Chi nhánh Đồng Tháp cho biết: “Đơn vị đã dự trữ hàng hóa 2 tháng còn lại của năm 2024, với 720 tấn thịt heo; 600 tấn thịt gà, vịt; 600.000 trứng gia cầm. Công ty có 4 hệ thống phân phối tại An Giang, gồm: Fresh Shop Long Xuyên (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), Fresh Shop Cái Dầu (chợ Cái Dầu, huyện Châu Phú), Fresh Shop Tịnh Biên (phường Tịnh Biên, TX. Tịnh Biên) và Fresh Shop Châu Đốc (phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc)”.

Các cửa hàng mở bán, phục vụ khách hàng tất cả ngày trong tuần, cam kết 100% sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý, được niêm yết. “Giờ người tiêu dùng dần thay đổi thói quen mua sắm, chuộng cửa hàng có thương hiệu, thay vì mua hàng ngoài chợ, dễ nhầm hàng không rõ nguồn gốc. Bản thân tôi cũng chọn mua như thế, yên tâm hơn khi chế biến món ăn cho gia đình” - chị Thu Trang (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Không chỉ thành thị dự trữ hàng hóa cung ứng thị trường cuối năm, mà tại vùng nông thôn cũng khá sôi động. Giám đốc Co.opmart Chợ Mới Đào Thọ Trường cho biết: “Siêu thị dự trữ lượng hàng hóa 11,3 tỷ đồng. Trong đó: Gạo các loại 25 tấn; thịt heo 4 tấn; thịt gà, vịt 8 tấn; 4.000 trứng gia cầm; 10 tấn đường; 20 tấn bánh mứt, kẹo; 5 tấn thực phẩm công nghệ đã chế biến; 1 tấn thủy hải sản tươi, đông lạnh… Ngoài ra, siêu thị sẽ thực hiện chuyến bán hàng lưu động mặt hàng thiết yếu, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kèm nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm...”.

Hiện nay, nhu cầu mua sắm của người dân bắt đầu tăng nhẹ, do đó nhà bán lẻ, DN cũng tăng khuyến mãi, nguồn hàng phục vụ, tạo tăng trưởng doanh thu. Các điểm bán lẻ, chợ đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng. Đồng thời, kỳ vọng kinh tế phục hồi, sức mua sẽ tăng cao vào dịp cuối năm và cận Tết. “Đón đầu xu hướng giảm tiêu thụ rượu bia, thay thế bằng những loại nước giải khát khác, chúng tôi tăng dự trữ các loại nước giải khát. Kỳ vọng sức mua sẽ cải thiện” - một đại lý bia rượu chia sẻ.

“Siêu thị Tứ Sơn đang tích cực chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm để phục vụ mùa mua sắm cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025. Đơn vị đảm bảo giá và nguồn cung cấp mặt hàng thiết yếu khi có nhu cầu về sản phẩm trong từng lĩnh vực, ổn định trước, trong và sau Tết” - Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ. Ngoài tăng sản lượng để cung cấp cho thị trường, DN lương thực, thực phẩm cũng có kế hoạch dự trữ thêm từ 10 - 20% sản lượng, dự phòng trường hợp khan hiếm hàng hóa, thiếu hụt nguồn cung đột biến.

Sở Công Thương hiện triển khai theo dõi chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn về số lượng xuất - nhập hàng hóa, tình hình giá cả, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng; khuyến khích DN, hệ thống phân phối chiết khấu ưu đãi, giảm giá, giúp giảm áp lực tăng giá. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường hàng hóa phục vụ Tết.

Cục Quản lý thị trường An Giang cho biết, sẽ tăng cường tuyên truyền quy định của pháp luật về thương mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giúp tổ chức, cá nhân hiểu rõ, thực hiện đúng quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Qua kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ người sản xuất - kinh doanh chân chính, quyền lợi người tiêu dùng.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doanh-nghiep-chuan-bi-hang-hoa-cuoi-nam-a410081.html
Zalo