Doanh nghiệp 'chống đỡ' với cước vận tải tăng

Từ đầu năm đến nay, sản xuất, xuất - nhập khẩu hàng hóa đang trên đà phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, mới đây, giá cước vận tải đường biển được các hãng tàu điều chỉnh tăng liên tục đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng. Bởi cước vận tải đường biển 'leo thang' sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, trong khi nhiều đơn hàng DN đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài từ đầu năm nên không thể điều chỉnh giá bán. Việc này dẫn đến DN sẽ giảm hoặc không còn lợi nhuận với các đơn hàng đã ký kết trước khi diễn ra các đợt tăng giá cước vận tải.

Hiện cước vận tải đường biển vẫn được điều chỉnh tăng từng tuần, chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân là do khủng hoảng tại Biển Đỏ, chiến tranh giữa Nga - Ukraine, lo ngại công nhân cảng biển tại Mỹ sẽ đình công khi các cuộc đàm phán tiền lương vẫn đang căng thẳng…

Ngoài gánh nặng giá cước vận tải hàng hóa quốc tế tăng, DN còn có thêm nỗi lo thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài hơn trước từ 10-30 ngày. Như vậy, DN buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tìm nguồn nhân lực đẩy nhanh các đơn hàng để đảm bảo thời gian giao hàng cho đối tác. Với những nhóm hàng phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu lại thêm khó khăn về thời gian, chi phí về đầu vào cho sản xuất. Các vấn đề trên sẽ tác động nhiều đến DN và có khả năng làm chậm lại quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước tình hình trên, DN buộc phải linh hoạt, kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để đảm bảo các đơn hàng. Đồng thời, trong ký kết các đơn hàng nên có thêm những điều khoản khi giá nguyên liệu, cước vận tải tăng, thiên tai, dịch bệnh thì hai bên sẽ thương lượng điều chỉnh lại giá bán, thời gian giao hàng cho phù hợp.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới biến động khó lường có thể ảnh hưởng đến xuất - nhập khẩu hàng hóa. Vì vậy, DN cùng ngành hàng cần liên kết lại để có số lượng hàng hóa lớn, tìm hãng tàu lớn uy tín để ký hợp đồng vận tải trực tiếp, lâu dài sẽ có được giá cước vận tải rẻ hơn và ổn định.

Các DN cũng cần theo dõi sát tình hình chính trị, diễn biến thị trường thế giới để chủ động hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. DN nên có giải pháp mở rộng thêm các thị trường ở gần để giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa. Trong sản xuất cần tìm cách hạ giá thành sản phẩm, bù lại cước vận tải tăng cao.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/doanh-nghiep-chong-do-voi-cuoc-van-tai-tang-b885966/
Zalo