Doanh nghiệp chạy đua giao hàng sang Mỹ trước 'giờ G' áp thuế đối ứng

Trước những biến động từ chính sách thuế quan của Mỹ, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc giao hàng trước khi Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam. Song song đó, TP Hồ Chí Minh đang triển khai hàng loạt giải pháp chủ động để hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ tăng trưởng, giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng tốc hoàn thành đơn hàng trước khi Mỹ áp dụng thuế đối ứng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng tốc hoàn thành đơn hàng trước khi Mỹ áp dụng thuế đối ứng.

Tăng tốc hoàn thành đơn hàng

Những ngày cuối tháng 5, không khí tại các nhà máy thuộc Tập đoàn Long Sơn trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết. Hàng trăm công nhân tăng ca sản xuất nhằm kịp tiến độ giao các đơn hàng điều cuối cùng sang Mỹ trước thời điểm bị áp thuế đối ứng lên đến 46%.

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn cho biết, từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng, doanh nghiệp vẫn chịu mức thuế 10% khi xuất hàng sang Mỹ. “Nhiều đối tác đã đàm phán để chúng tôi chia sẻ gánh nặng thuế, thậm chí yêu cầu Long Sơn gánh 5%, nhưng biên lợi nhuận nông sản vốn rất mỏng nên chúng tôi chỉ có thể chấp nhận 3%. Dự kiến đến cuối tháng 6/2025, Long Sơn sẽ hoàn tất khoảng 20 container hàng sang thị trường này. Sau thời điểm đó, nếu có thêm đơn hàng, doanh nghiệp vẫn tiếp tục giao, song triển vọng khá bấp bênh", ông Sơn nói.

Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra tại Tập đoàn Intimex. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cho biết hiện các nhà nhập khẩu Mỹ đang hối thúc giao hàng trước tháng 7. Intimex đang chạy hết công suất để hoàn thành các đơn hàng ký trước. “Chúng tôi chưa nhận thêm đơn hàng mới. Tình hình không khả quan vì cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn đối tác Mỹ đều đang chờ kết quả đàm phán từ chính phủ hai bên", ông Nam cho biết thêm.

Theo ông Hà Nam, với doanh thu xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm khoảng 100 triệu USD, nếu không có thêm đơn hàng mới, Intimex có thể chỉ đạt 50% mục tiêu năm. Để bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa sang Mỹ khi Mỹ áp dụng chính sách thuế mới, hiện nay công ty đang chủ động chuyển hướng sang các thị trường khác như châu Âu, Trung Đông và những nước đã ký FTA thế hệ mới với Việt Nam.

Trong khi đó, ngành thủy sản cũng không tránh khỏi khó khăn. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thủy sản Nghi Sơn cho biết, phần lớn khách hàng tạm dừng đặt hàng để chờ chính sách mới, chỉ số ít đối tác lâu năm vẫn duy trì mua hàng. “Chúng tôi vẫn cố gắng giữ nhịp sản xuất ổn định, chưa phải cắt giảm lao động, nhưng nếu đơn hàng tiếp tục giảm thì việc điều chỉnh là điều khó tránh", ông Nguyễn Văn Minh nói.

Ngành dệt may, một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực hiện cũng chịu áp lực nặng nề. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu quý I đạt hơn 4,5 tỉ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 1,7 tỉ USD. Tuy nhiên, hầu hết các đơn hàng đang thực hiện là những hợp đồng ký trước khi USTR công bố mức thuế chống bán phá giá 46% giữa tháng 4/2025. Hiện doanh nghiệp đang chạy nước rút giao hàng trước thời điểm áp thuế, thế nhưng đơn hàng mới thì gần như "đóng băng",.

Ngành dệt may cũng sẽ chịu tác động từ chính sách thuế suất từ Mỹ.

Ngành dệt may cũng sẽ chịu tác động từ chính sách thuế suất từ Mỹ.

Giữa bối cảnh nhiều ngành ảm đạm, ngành rau củ, quả trở thành điểm sáng hiếm hoi trên thị trường xuất khẩu qua Mỹ. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, quý I/2025, Mỹ bất ngờ tăng nhập rau quả từ Việt Nam, đưa kim ngạch mặt hàng này lên 111,5 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ. Thị phần rau quả Việt tại Mỹ cũng tăng từ 5% lên 9,6%. Tuy nhiên, đơn hàng sau tháng 7 vẫn chưa rõ ràng vì nhiều đối tác vẫn trong trạng thái chờ đợi. "Thực tế, dù ở ngành hàng nào, tất cả doanh nghiệp đều chung một mong mỏi rằng kết quả đàm phán sắp tới sẽ giúp giảm mức thuế xuống mức thấp nhất, tạo điều kiện cho hàng Việt tiếp tục giữ vững chỗ đứng tại thị trường Mỹ", ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Nỗ lực giảm thiểu tác động dài hạn

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, việc ứng phó kịp thời không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn ngắn hạn mà còn là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững hơn. Nếu thuế suất áp lên tới 46% sẽ khiến chi phí xuất khẩu tăng gần gấp đôi, đẩy giá thành hàng hóa lên quá cao so với các đối thủ cạnh tranh không bị áp thuế. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp có thể buộc phải cắt giảm khối lượng xuất khẩu hoặc tạm ngừng giao hàng để tránh thua lỗ.

“Chúng tôi đã dự báo kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ của TP Hồ Chí Minh sẽ sụt giảm trong quý II và quý III/2025. Nếu mức thuế không thay đổi trong năm 2026, nhiều đơn hàng có thể bị hoãn hoặc hủy do phía đối tác lo ngại giá tăng quá mức”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Theo ông Hoàng Vũ, hậu quả lâu dài có thể lan sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội nếu doanh nghiệp ngành thâm dụng lao động phải cắt giảm sản xuất, giảm giờ làm hoặc sa thải công nhân. Đồng thời, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp có thể trì hoãn mở rộng đầu tư và tuyển dụng, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung của thành phố.

Trước thực tế đó, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Song song, ngành công thương cũng phối hợp cùng các sở ngành tăng cường thông tin thị trường, hỗ trợ tư vấn pháp lý và khuyến khích doanh nghiệp nội địa tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất.

Ngành rau, củ, quả Việt Nam có tín hiệu tốt với thị trường Mỹ.

Ngành rau, củ, quả Việt Nam có tín hiệu tốt với thị trường Mỹ.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn lần này là lời cảnh báo cho nền kinh tế nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng khi mức độ phụ thuộc thị trường lớn. Do đó, đây là thời điểm phù hợp để tái cấu trúc ngành nghề, ưu tiên các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao và bền vững”.

Theo ông Hoài, bên cạnh việc mở rộng thị trường, Thành phố cần đẩy mạnh đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa để giữ nhịp tăng trưởng. Nếu triển khai hiệu quả, đầu tư công trong năm 2025 sẽ đóng vai trò là “đòn bẩy” cho toàn bộ nền kinh tế. Một ưu tiên khác cần tập trung là cải thiện hạ tầng logistics, từ đó giảm chi phí vận chuyển cho cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp nội.

“Đặc biệt, cần có chiến lược dài hơi trong việc hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, không chỉ giúp họ liên kết tốt hơn với các tập đoàn đa quốc gia mà còn góp phần tạo nền tảng vững chắc cho xuất khẩu trong tương lai”, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết thêm.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-chay-dua-giao-hang-sang-my-truoc-gio-g-ap-thue-doi-ung-20250528110143511.htm
Zalo