Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu tiếp tục biến động, vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng ở khu vực Đông Nam Á ngày càng được củng cố. Đồng thời, bất chấp những thách thức toàn cầu như áp lực lạm phát và căng thẳng chính trị đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bền bỉ.
Trên đây là thông tin trong Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý IV/2024 tại Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) công bố ngày 8/1.
Niềm tin kinh doanh tăng vọt
Chỉ số BCI của EuroCham đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua, với sự tăng vọt từ 46,3 trong quý IV/2023 lên 61,8 trong quý IV/2024. Kết quả này vừa phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam, vừa minh chứng cho khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của Việt Nam trước những biến động toàn cầu và nổi bật như một trung tâm thương mại, đầu tư của khu vực.
Thống kê trong suốt hơn hai năm qua, chỉ số BCI của EuroCham Việt Nam chủ yếu dao động quanh mức trung lập là 50, thậm chí có lúc giảm dưới ngưỡng này, tuy nhiên báo cáo chỉ số BCI quý IV/2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay. Kết quả khảo sát cho thấy, có 42% người tham gia khảo sát cảm thấy tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại, trong khi 47% kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục lạc quan trong quý tiếp theo. Đáng chú ý hơn, 56% người tham gia khảo sát dự báo sự cải thiện trong triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2025.
Chủ tịch EuroCham Việt Nam Bruno Jaspaert cho biết, sự gia tăng rõ rệt về niềm tin này phản ánh sự công nhận rộng rãi về quá trình chuyển đổi chính trị và kinh tế của Việt Nam trong suốt những năm qua. Báo cáo chỉ số BCI quý IV/2024 còn thể hiện, mặc dù đối mặt với những thách thức toàn cầu, nhưng môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam vẫn đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp châu Âu.
Lý giải thêm về sự gia tăng chỉ số BCI, đại diện EuroCham cũng chỉ ra rằng, nhờ vào nhiều yếu tố như những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò trung tâm của đất nước trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều người tham gia khảo sát đã nhận định “chuyển đổi kép” - quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đóng vai trò quan trọng cho những đánh giá tích cực.
Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt những xu hướng kinh doanh mới và ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí một số doanh nghiệp báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lên tới 40% so với năm trước. Xu hướng bền vững được thúc đẩy bởi cả chính sách của Chính phủ Việt Nam và những quy chuẩn xanh của quốc tế đang trở thành yếu tố quan trọng trong việc hình thành chiến lược kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của doanh nghiệp châu Âu.
Điểm đến đầu tư lý tưởng
Một trong những điểm nổi bật nhất của chỉ số BCI quý IV/2024 là có 75% người tham gia khảo sát cho biết sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Con số này nhấn mạnh sự công nhận ngày càng gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam, nhất là với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang mở rộng đang tiếp tục hấp dẫn doanh nghiệp châu Âu muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này. Trong số này có những lĩnh vực trọng điểm như công nghệ, sản xuất, du lịch và năng lượng tái tạo… Điều này cũng chỉ ra rằng, niềm tin ngày càng tăng cao của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn chính là minh chứng cho cho nền tảng vững chắc trong cả thương mại và chính sách kinh tế.
Ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab (đơn vị thực hiện chỉ số BCI của EuroCham Việt Nam) chia sẻ, khảo sát chỉ số BCI quý IV/2024 cho thấy doanh nghiệp châu Âu ngày càng đánh giá tích cực về Việt Nam như một điểm hút các dự án đầu tư nước ngoài, thể hiện qua phần lớn doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam như cân nhắc hợp tác với các nhà máy sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, tăng sự hiện diện của mình… Thêm vào đó, có 30% doanh nghiệp khác dự định tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng những lợi thế thương mại… và đây là những động thái phù hợp với xu hướng chuyển dịch thương mại toàn cầu trong bối cảnh các gián đoạn gần đây đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia EuroCham Việt Nam nhấn mạnh, tình hình chung đang có xu hướng tích cực, nhưng các thách thức trong vận hành vẫn là vấn đề đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Điển hình, ba trở ngại lớn nhất trong vận hành được xác định là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.
Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng, với những nỗ lực như đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang cho thấy triển vọng tích cực sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, FDI tăng trưởng và thời kỳ vàng son của đất nước… Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ số BCI quý IV/2024 kỳ vọng, các cải cách này, sẽ mang lại sự cải thiện đáng kể trong quy trình hành chính.
Một lĩnh vực khác, mà các doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng có sự cải thiện đáng kể là cơ sở hạ tầng như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam được dự đoán sẽ có nhiều lợi ích đối với khả năng di chuyển của lực lượng lao động và vận tải logistics. Tuyến đường sắt này, cũng được dự kiến sẽ cải thiện đáng kể khả năng kết nối giao thông, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, cải thiện môi trường kinh doanh chung; đồng thời tăng cường kết nối cho các dòng chảy xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, sự phát triển của cơ sở hạ tầng hàng không và hàng hải cũng đóng vai trò không nhỏ. Điển hình, sân bay quốc tế Long Thành dự kiến sẽ nâng cao sức cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam, trong khi các cảng nước sâu của Hải Phòng đang góp phần phát triển nền kinh tế hàng hải của quốc gia…
Một số chuyên gia cũng đưa ra nhận định, sự phục hồi kinh tế ấn tượng của Việt Nam, được minh chứng qua chỉ số BCI của EuroCham, báo hiệu triển vọng đầy hứa hẹn cho doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại đây. Dù phải đối mặt với thách thức trong vận hành và những bất ổn toàn cầu, nhưng doanh nghiệp vẫn lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, với nhiều kế hoạch mở rộng và đầu tư vào các chiến lược dài hạn.
Trong quá trình chuyển mình của Việt Nam, cơ hội cho doanh nghiệp châu Âu đang hiện hữu rõ ràng. Với chính sách phù hợp, cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, và môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong những năm tới.