Doanh nghiệp châu Âu đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam

Thông tin trên được Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert đưa ra trong báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam mới đây, trong bối cảnh biến động lớn của chính sách thương mại toàn cầu.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Theo EuroCham, chỉ số BCI ghi nhận ở mức 64,6 trong quý I/2025, cho thấy một sự ổn định tương đối – song vẫn tiềm ẩn những lo ngại đáng kể. Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nhấn mạnh rằng họ “đang chờ đợi động thái từ Washington,” báo động một mối quan ngại trọng yếu trước những diễn biến toàn cầu có thể tác động đến môi trường kinh doanh.

Những cải cách kinh tế và tái cấu trúc của Việt Nam đã tạo nền tảng vững chắc, giúp củng cố tâm lý tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp châu Âu ghi nhận những bước tiến này và nhìn chung thể hiện quan điểm trung lập đến tích cực về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, xu hướng dè chừng đã bắt đầu xuất hiện. Dự báo các cú sốc từ bên ngoài – đặc biệt là từ Washington – vẫn hiện hữu, phản ánh tác động rõ rệt của các bất ổn thương mại quốc tế đến tâm lý nhà đầu tư.

Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert nhận xét, kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các doanh nghiệp châu Âu không thể lường trước những biện pháp thuế quan quyết liệt như vậy. Họ vẫn đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng căng thẳng thương mại toàn cầu. Khoảng hai phần ba số doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ quan điểm trung lập – không quá lạc quan nhưng cũng không quá lo ngại.

“Mặc dù vậy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa điều chỉnh chiến lược đầu tư hoặc tuyển dụng, phản ánh cách tiếp cận "chờ đợi và quan sát" trước những biến chuyển trong chính sách thương mại toàn cầu được dự báo nhưng chưa chắc chắn ở thời điểm khảo sát", Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Tại thời điểm khảo sát, tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam cùng với dự báo GDP tích cực (được 37% số doanh nghiệp nhắc đến) cũng giúp phần nào giúp trấn an các nhà đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao cơ hội thương mại và đầu tư (24%) cũng như sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng và du lịch (18%) như những tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn là yếu tố chi phối tâm lý chung. Hơn một nửa số doanh nghiệp (52%) coi suy giảm kinh tế toàn cầu và biến động trong thương mại quốc tế là những mối lo ngại hàng đầu. Trong khi đó, 36% chỉ ra rằng sự không chắc chắn trong chính sách quản lý và quy định pháp lý đang kìm hãm triển vọng kinh doanh của họ.

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các cải cách nội bộ và đối mặt với những thách thức bên ngoài, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì niềm tin thận trọng vào triển vọng phát triển của quốc gia. Ông Bruno Jaspaert cho rằng, sức bền của nền kinh tế Việt Nam không chỉ dựa vào những con số tăng trưởng, mà còn ở khả năng thích ứng – cả về mặt cơ cấu nội bộ lẫn chiến lược đối ngoại – trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Những thách thức mới liên tục xuất hiện, đòi hỏi sự gắn kết để biến khó khăn thành cơ hội.

Các doanh nghiệp châu Âu từ lâu đã đánh giá cao sự linh hoạt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, điều này được củng cố qua cách tiếp cận tinh tế nhưng quyết đoán của Chính phủ trước những thách thức toàn cầu.

Bình Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-chau-au-dat-niem-tin-vao-kha-nang-ngoai-giao-kheo-leo-cua-viet-nam-post366838.html
Zalo