Doanh nghiệp cao su nhà Vinachem đồng loạt báo lãi lớn trong quý II
Mỗi công ty có thế mạnh trong từng phân khúc khác nhau nhưng cả 3 thành viên cao su họ Vinachem đều có kết quả kinh doanh quý II khởi sắc, ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lần lượt 52%, 75% và 1.735%.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có 3 doanh nghiệp cao su đều đồng loạt thắng lớn trong quý vừa qua. Mỗi doanh nghiệp có chỗ thế mạnh riêng: Cao su Sao Vàng ở miền Bắc có lợi thế về săm lốp xe đạp, Cao su miền Nam nổi bật với các dòng lốp xe máy, lốp ô tô du lịch và lốp cho xe tải nhẹ, Cao su Đà Nẵng có thế mạnh về các sản phẩm lốp ô tô tải nặng và lốp đặc chủng.
Cao su Sao Vàng thu lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng quyền thuê đất
Báo lãi kỷ lục là Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (MCK: SRC) do Vinachem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Công ty có doanh thu bán hàng đạt 335 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp thu về 46,9 tỷ đồng, tăng 26%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng hơn 4 lần lên 1,3 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm nhẹ còn 4,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt lên 10,3 tỷ đồng và 17,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 27% và 7%.
Trừ thuế và các chi phí khác, Cao su Sao Vàng báo lợi nhuận sau thuế 113,8 tỷ đồng, cao gấp hơn 18 lần, tương đương 1.735% so với kết quả quý II/2023, qua đó ghi nhận quý lãi kỷ lục kể từ khi được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2009.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của Cao su Sao Vàng đạt 517 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Công ty thu về 117,2 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 11,5 lần so với cùng kỳ. Kết quả này đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế, nhưng việc hoàn thành mục tiêu doanh thu mới được hơn ¼ chặng đường.
Lợi nhuận đột biến của Cao su Sao Vàng được lý giải đến từ thu nhập khác tăng 304 tỷ đồng, do công ty chuyển nhượng lại quyền thuê lại đất với cơ sở hạ tầng gắn liền với đất.
Tính đến ngày 30/6, Cao su Sao Vàng có tổng tài sản là 1.157 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm phần lớn tài sản ngắn hạn, đạt 258 tỷ đồng, giảm 30% so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng giảm 13% xuống 199 tỷ đồng. Tiền và các khoản tiền tương đương giảm nhẹ xuống 28,5 tỷ đồng.
Nợ phải trả tính đến ngày 30/6/2024 của doanh nghiệp giảm từ con số 903 tỷ đồng đầu năm xuống còn 617 tỷ đồng. Số tiền vay thuê nợ tài chính vào khoảng 167 tỷ đồng.
Kết thúc quý II/2024, vốn chủ sở hữu của Cao su Sao Vàng đạt 281 tỷ đồng, trong đó, phần vốn góp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn có vố vốn góp 140 tỷ đồng, nhiều hơn mức góp 101 tỷ đồng của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Tập đoàn Hoành Sơn cũng là đơn vị đang cho Cao su Sao Vàng vay khoản dài hạn 130 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu lốp xe đạp, 4.5 triệu săm xe đạp, 1.5 triệu lốp xe máy, 5.5 triệu săm xe máy, 216 ngàn lốp ô tô, 210 săm ô tô và 110 ngàn yếm ô tô. Các mục tiêu này cao hơn từ 12 - 40% so với thực hiện năm trước.
Ngày 8/9, SRC của Cao su Sao Vàng đang có giá 31.700 đồng/cp, đây là mức giảm 7,3% so với giá trị 34.000 đồng/cp vào 3 ngày trước đó.
Cao su Đà Nẵng hưởng lợi từ xuất khẩu
Thành viên cao su thứ hai nhà Vinachem do tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (MCK: DRC), với lợi nhuận sau thuế tăng 52% trong quý II/2024. Doanh thu thuần đạt 1.364 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn đến từ hàng xuất khẩu chiếm gần 70%.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán chỉ tăng 7% lên 1089 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng mạnh 156% lên 159 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9% lên 23 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí lãi vay đã giảm 28% chỉ còn hơn 4 tỷ đồng.
Theo giải trình, lợi nhuận sau thuế quý II của công ty ghi nhận mức tăng trưởng tích cực chủ yếu nhờ chính sách bán hàng của công ty, đồng thời hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá từ đầu năm đối với hoạt động xuất khẩu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Cao su Đà Nẵng ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 126,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 67% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 44,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của công ty là 3.672 tỷ đồng, riêng tài sản ngắn hạn là 2.496 tỷ đồng. Tiền và các khoản tiền tương đương giảm 11% còn 285 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 57% so với đầu năm lên 720 tỷ đồng, phần lớn từ khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Hàng tồn kho không có thay đổi đáng kể ở mức 1.118 tỷ đồng.
Nợ phải trả của công ty tăng 18% lên 1.802 tỷ đồng, khoản vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn ở mức gần 700 tỷ đồng.
Ngày 29/7 vừa qua, Cao su Đà Nẵng đã có tên trong danh sách đề cử của Chương trình IR Awards 2024. Đây là Top 10 những doanh nghiệp sáng giá nhất trên thị trường chứng khoán được đề cử cho danh hiệu Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2024 (IR Best Practice Awards 2024). Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8, DRC đang có giá 32.950 đồng/cp.
Doanh thu tài chính Cao su Miền Nam tăng đột biến
Cái tên báo lãi cuối cùng trong họ cao su của Vinachem đang sở hữu trên 50% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (MCK: CSM) với lợi nhuận sau thuế tăng 75% trong quý II/2024 và tăng 110% trong 6 tháng đầu năm, lên mức 21 tỷ đồng và 40,8 tỷ đồng.
Trong quý II/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Cao su Miền Nam giảm nhẹ xuống còn 1.333 tỷ đồng. Doanh thu thuần, giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp lần lượt giảm còn 1.265 tỷ đồng, 1.065 tỷ đồng và 199 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, công ty có doanh thu tài chính tăng đột biến hơn 104% lần lên 43 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lãi gần 15,5 tỷ đồng xuất hiện nhờ số tiền gửi ngân hàng tăng 14 lần so với thời điểm đầu năm đạt 329 tỷ đồng.
Cao su Miền Nam có tổng cộng tài sản 3.891 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2024, phần lớn nằm ở tài sản ngắn hạn. Tiền và các khoản tương đương tăng nhẹ lên 341 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi ngoại tệ. Hàng tồn kho giảm 20% xuống 1.048 tỷ đồng.
Nợ phải trả không có sự thay đổi giữ ở mức 2.561 tỷ đồng, trong đó, nợ thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn chiếm 55% tổng nợ phải trả ở mức 1.649 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Cổ phiếu CSM tại ngày 9/8 có giá 12.650 đồng/cp, giảm 3,4% trong 1 tuần qua.