Doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm mới
Tại Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, ngày 22/4, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, kinh tế toàn cầu suy giảm và các yếu tố như chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá đang tác động tiêu cực đến thu nhập và tiêu dùng nội địa. Doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm online và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng.

TP. Hồ Chí Minh luôn tổ chức các sự kiện kết nối thông thương dịch vụ cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Sự thay đổi hành vi mua sắm từ offline sang online đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi với các nền tảng số, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa đủ năng lực đầu tư triển khai và thích ứng. Người tiêu dùng hiện nay ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường, nhưng nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn chưa kịp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng này.
Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh sản phẩm từ các địa phương gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại do chi phí trưng bày cao và thủ tục phức tạp. Trong khi đó, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng mua hàng trực tiếp từ nước ngoài, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước.
Về phía góp ý của doanh nghiệp, đại diện hệ thống bán lẻ WinCommerce cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở mức 12% theo Chỉ thị số 08/CT-BCT đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành tiếp tục duy trì dài hạn và bền vững các chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng hóa dich vụ (theo Nghị quyết 174/2024/QH15 của Quốc hội và Nghị định 180/2024/NĐ-CP)…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận với các quy hoạch thương mại, đồng thời có chính sách và biện pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, phát triển logistics tại vùng, địa phương để đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, song song với việc chú trọng phát triển mạng lưới logistics quốc gia… để tăng cường hiệu quả và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp trong nước, tạo lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.
Trước các kiến nghị từ phía doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngành công thương đã đưa ra các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025. Trong đó, đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; đồng thời giao nhiệm vụ và chỉ tiêu tăng trưởng thị trường bán lẻ cụ thể cho từng địa phương nhằm phấn đấu đạt mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần tăng trưởng kinh tế của cả nước.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, còn gặp khó khăn trong tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại do chi phí cao và thủ tục phức tạp. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội để phát huy chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu dùng, tài chính tín dụng, quản lý nhà nước, xây dựng thị trường nội địa năng động, hiện đại và bền vững”, ông Linh nói.