Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chậm trả trái phiếu, áp lực nợ gia tăng
Nhiều doanh nghiệp bất động sản báo cáo chậm thanh toán trái phiếu, trong đó Vĩnh Xuân chưa thể trả nợ đúng hạn dù số tiền đến hạn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đại Thịnh Phát đã hoàn tất nghĩa vụ lãi trái phiếu theo cam kết, dù có trễ so với kế hoạch.
Hai công ty bất động sản là Đại Thịnh Phát và Vĩnh Xuân vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán trái phiếu gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và các nhà đầu tư. Nội dung báo cáo cập nhật tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính với trái chủ trong kỳ hạn vừa qua.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát đã gửi báo cáo ngày 14/7 liên quan đến lô trái phiếu mã DPJ12201, có giá trị phát hành 500 tỷ đồng với lãi suất 12,5%/năm. Trong kỳ báo cáo từ ngày 28/2 đến 29/3, công ty phải trả 4,97 tỷ đồng tiền lãi. Dù ngày thanh toán dự kiến là 29/3, nhưng đến ngày 14/7 công ty mới hoàn tất việc chuyển khoản thanh toán. Đại Thịnh Phát cho biết đã thu xếp được nguồn vốn để trả lãi và cam kết chịu trách nhiệm với thông tin đã công bố.
Trong khi đó, Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân đang chịu áp lực thanh khoản lớn hơn khi phải thanh toán hơn 634 tỷ đồng tiền gốc và lãi cho hai lô trái phiếu VINHXUAN2020-02 và VINHXUAN2020-03 vào ngày 10/7. Mỗi lô trái phiếu có giá trị gốc là 300 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm, với số tiền lãi mỗi lô là hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền và đang thương thảo với nhà đầu tư, dự kiến sẽ thanh toán vào ngày 18/7.

Bảng thống kê tình hình chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu tại Công ty BĐS Vĩnh Xuân đến ngày 11/7.
Trước đó, vào ngày 24/6, Vĩnh Xuân cũng chậm thanh toán gần 423 tỷ đồng (gồm 400 tỷ đồng gốc và gần 23 tỷ đồng lãi) cho lô trái phiếu VINHXUAN2020-01, với kế hoạch thanh toán được dời sang ngày 1/7.
Cả ba lô trái phiếu của Vĩnh Xuân đều có kỳ hạn 5 năm, phát hành trong năm 2020 với tổng giá trị phát hành lên tới 1.000 tỷ đồng. Ban đầu, các lô trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng nhưng đã được điều chỉnh kéo dài đến năm 2025 theo thỏa thuận với trái chủ. Danh tính nhà đầu tư không được tiết lộ, chỉ biết là các tổ chức trong nước.
Theo báo cáo tài chính năm 2024, Vĩnh Xuân ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 1,7 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ hơn 19 tỷ đồng năm 2023. Tuy nhiên, lỗ lũy kế vẫn ở mức 16,1 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu đạt 253,9 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả lên tới gần 1.090 tỷ đồng, nâng hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 4,23 lần lên 4,29 lần. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm gần như toàn bộ với 1.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cùng đối mặt với tình trạng chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Không chỉ Đại Thịnh Phát và Vĩnh Xuân, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Novaland thông báo vào cuối tháng 3/2025 rằng chưa thể thanh toán đúng hạn lô trái phiếu NVLH2224006 với tổng giá trị hơn 145,9 tỷ đồng, dù đáo hạn từ ngày 15/3.
Công ty Xi măng Long Thành cũng thông báo chậm trả hơn 39 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu LTCCH2136001 vào cuối tháng 2/2025. Tập đoàn R&H nhiều lần gửi báo cáo đến HNX về việc chưa thể trả hàng trăm tỷ đồng nợ trái phiếu, mới nhất là báo cáo ngày 30/6.
Đáng chú ý, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), công ty của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng chậm thanh toán hơn 42,2 tỷ đồng lãi trái phiếu HAGLBOND16.26 vào đầu tháng 7/2025.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như Tracodi, TNL, Xuân Đỉnh, Nam Land và Việt Tâm cũng lần lượt công bố việc gặp khó khăn dòng tiền, dẫn đến chậm trả nợ trái phiếu kể từ đầu quý II/2024. Những báo cáo này đều ghi nhận nguyên nhân chủ yếu là “nguồn thanh toán về chậm” hoặc do ảnh hưởng từ khó khăn chung của thị trường bất động sản.