Doanh nghiệp bao bì đứng trước cơ hội lớn

Tiềm năng của ngành bao bì tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt khi tiêu dùng trong nước phục hồi và xuất khẩu bao bì đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tiềm năng của ngành bao bì tại Việt Nam rất lớn. Ảnh minh họa: ST

Tiềm năng của ngành bao bì tại Việt Nam rất lớn. Ảnh minh họa: ST

Thị trường giàu tiềm năng cho doanh nghiệp bao bì

Theo dự báo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường bao bì giấy tại Việt Nam sẽ đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và có khả năng tăng lên 4,14 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 9,73% trong giai đoạn 2024-2029.

Còn trong ngành nhựa, phân khúc bao bì được dự đoán sẽ chiếm lĩnh thị trường với sản lượng dự kiến 15,09 triệu tấn vào năm 2028, CAGR 8,44% (2023-2028).

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, ngành bao bì cuối năm 2024 tăng trưởng nhờ vào tiêu dùng trong nước phục hồi, đặc biệt là trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và thương mại điện tử.

Nền kinh tế phục hồi, các chỉ số vĩ mô ổn định đã kích thích tiêu dùng tăng cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bao bì đưa dây chuyền sản xuất tới mức sản lượng tiềm năng, tăng cường nguồn lực cho mở rộng sản xuất và cải tiến công nghệ.

Thêm nữa, có 02 động lực đi cùng với đà tăng trưởng ấn tượng của tiêu dùng trong nước là chính sách giảm thuế và sản xuất công nghiệp phục hồi.

Trong đó, Chính phủ đã tiếp tục giảm 2% thuế VAT từ ngày 1/7/2024 đến 31/12/2024 theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP, việc tiếp tục duy trì giảm thuế là cần thiết do chính sách trên đã mang lại hiệu quả tích cực trong thời gian trước. Như vậy, Chính phủ đã duy trì giảm thuế VAT nhằm kích thích tiêu dùng trong thời gian 3 năm liên tục hậu Covid-19.

Thương mại điện tử góp phần thúc đẩy nhu cầu

Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã và đang thay đổi cách thức tiêu dùng, đồng thời tạo ra nhu cầu lớn về các loại bao bì phù hợp với vận chuyển, bảo quản và phân phối hàng hóa qua các kênh trực tuyến.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đưa ra con số ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Còn yếu tố công nghệ đóng vai trò then chốt cho việc cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm trong ngành bao bì. Nhờ công nghệ, các doanh nghiệp bao bì có thể nhanh chóng thích ứng với những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, tạo ra các sản phẩm bao bì thông minh, tiện lợi hơn và thân thiện với môi trường.

Ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp bao bì tối ưu hóa quy trình sản xuất. Ảnh minh họa: ST

Ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp bao bì tối ưu hóa quy trình sản xuất. Ảnh minh họa: ST

Với tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, các sản phẩm sử dụng bao bì phức hợp ngày càng nhiều. Đây là loại bao bì có kết cấu phức tạp, được cấu thành từ nhiều lớp vật liệu khác nhau để kết hợp các đặc tính mỗi loại vật liệu, tạo nên sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chuẩn từ vệ sinh an toàn, kết cấu chắc chắn, thân thiện với môi trường…

Tận dụng được lợi thế công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn mở rộng khả năng thâm nhập vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Ngoài ra, công nghệ số cũng giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí, và tăng cường tính bền vững của bao bì. Việc sử dụng các loại vật liệu tái chế và các quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng tăng. Các hệ thống tự động hóa trong dây chuyền sản xuất bao bì cũng giúp tăng cường độ chính xác, đồng thời giảm thiểu sai sót và chi phí lao động, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bao bì bắt nhịp xu thế “xanh hóa”

Xanh hóa ngành bao bì đang trở thành xu hướng tất yếu khi các áp lực từ việc bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao trên toàn cầu. Tại Việt Nam, việc xanh hóa ngành bao bì không chỉ là yêu cầu từ phía pháp luật, người tiêu dùng mà còn xuất phát từ ý thức từ cộng đồng doanh nghiệp trong việc hướng tới sự phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông Phùng Hoàng Cơ - Phó Chủ tịch HĐQT Vietnam Report cho biết, từ kết quả khảo sát cho thấy, 100% doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên giảm thiểu phát sinh chất thải và lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và phân phối. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp bao bì đang nỗ lực tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và sử dụng năng lượng tái tạo. Qua đó không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng, vốn ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xanh.

Bên cạnh đó, việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn nguyên liệu tái chế, cũng là một ưu tiên quan trọng khi được 93,5% doanh nghiệp khảo sát lựa chọn. Sử dụng nguyên liệu tái chế không chỉ giảm nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên mà còn giúp giảm lượng chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường.

Tiếp đó, nhận thấy rõ tiềm năng ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất giúp tăng năng suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường, các doanh nghiệp bao bì đang đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng ít năng lượng và giảm lượng khí thải (83,6% DN lựa chọn).

Ngoài ra, tạo môi trường làm việc công bằng, an toàn và đẩy mạnh các chương trình đào tạo, phát triển nhân viên cũng là một phần của chiến lược phát triển bền vững. Việc này giúp nâng cao năng lực của nhân viên, đảm bảo sản xuất hiệu quả và an toàn, đồng thời góp phần vào sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Theo ông Phùng Hoàng Cơ, cải tiến thiết kế bao bì để có thể tái sử dụng hoặc đa chức năng giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm, giảm nhu cầu sản xuất mới và tiết kiệm tài nguyên. Đây là những bước đi cụ thể mà ngành bao bì Việt Nam đang thực hiện để hướng tới một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường.

Với những ưu tiên trên hành trình xanh hóa ngành bao bì, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng hướng tới thực hiện cam kết Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG).

Năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp “Đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG” đã tăng nhẹ lên 37,5%, tỷ lệ doanh nghiệp “Đang ở giai đoạn lập kế hoạch” giảm còn 40,1%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp “Không đặt ra cam kết ESG/chưa có kế hoạch cụ thể giữ nguyên mức 22,4% so với năm 2022.

Ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết, theo ghi nhận thì các doanh nghiệp chưa đặt ra cam kết ESG hầu hết phải đối mặt với vấn đề tài chính trong giai đoạn khó khăn trước đó nên việc phân bổ nguồn tài chính cho kế hoạch ESG chưa thể triển khai.

Tuy nhiên, với tỷ lệ 3,7% doanh nghiệp đã chuyển từ lập kế hoạch sang triển khai thực hiện cam kết ESG cũng là một điểm sáng tích cực trên thị trường bao bì, qua đó cũng giúp hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp được nâng cao trong lựa chọn của người tiêu dùng./.

PHÚC KHANG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doanh-nghiep-bao-bi-dung-truoc-co-hoi-lon-35573.html
Zalo