Doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

Kết quả khảo sát vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố cho thấy, 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới, trong đó 100% doanh nghiệp bán lẻ được hỏi đều có kế hoạch mở rộng.

Theo kết quả khảo sát thực trạng các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024 do JETRO công bố tại Việt Nam ngày 26/1, số DN Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng có lãi trong năm 2023 là 54,3%.

Tỷ lệ này thấp hơn 6,6 điểm so với mức trung bình của ASEAN. Theo JETRO, nguyên nhân là do sự sụt giảm nhu cầu trong và ngoài nước, chi phí nhân công và chi phí thu mua nguyên vật liệu tăng.

Về kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2024 so với năm 2023, số DN Nhật Bản phản hồi cải thiện là 50,4%, trong đó nhiều công ty đang hy vọng vào sự cải thiện nhờ phục hồi của năm 2023.

Cũng theo khảo sát, tỷ lệ DN Nhật Bản cho biết mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7% (giảm 3,3 điểm so với năm 2022). Mặc dù tham vọng mở rộng vẫn cao, nhưng theo khảo sát, Việt Nam là nước duy nhất trong 6 nước ASEAN chủ chốt có tỷ lệ mở rộng giảm so với năm trước.

Hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.

Hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.

Tính trên tất cả thị trường châu Á - Thái Bình Dương mà Jetro khảo sát, tỷ lệ DN Nhật dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam đứng sau Ấn Độ, Bangladesh và Lào.

Phân theo nhóm ngành, tỷ lệ DN ngành chế tạo muốn mở rộng hoạt động là 47,1%, phi chế tạo là 65,5%. Riêng 100% DN bán lẻ Nhật Bản ở Việt Nam được hỏi đều có kế hoạch mở rộng.

Bình luận về con số này, ông Nobuyuki Matsumoto - Trưởng đại diện Jetro tại TP Hồ Chí Minh cho biết:"Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ DN đầu tư để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường nội địa Việt Nam tăng lên. Trong đó, khuynh hướng đầu tư nhiều hơn của các DN công nghệ thông tin.

DN Nhật đánh giá tính hấp dẫn của Việt Nam là thị trường phát triển và tiềm năng trong tương lai. Thế mạnh tiếp theo là tình hình chính trị xã hội ổn định và chi phí nhân công rẻ.

"Việt Nam sẽ tiếp tục được quan tâm nhiều trong xu hướng Trung Quốc + 1", ông Nobuyuki Matsumoto nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo Trưởng đại diện Jetro tại TP Hồ Chí Minh, các rủi ro chính khiến họ e dè là phức tạp trong các thủ tục hành chính, chi phí nhân công tăng và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh mạch.

Một xu hướng cần lưu ý là Việt Nam có lợi thế nhân công rẻ nhưng đồng thời rủi ro là chi phí đang tăng cao. Ngoài ra, Việt Nam còn đang "thua" các quốc gia khác trong Đông Nam Á về cơ sở hạ tầng.

Cũng theo khảo sát của JETRO, tại Việt Nam, 42,7% DN Nhật Bản cho rằng họ đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. Trong đó, tính theo ngành, tỷ lệ thiếu hụt nhân lực trong ngành phi chế tạo là 45,2%. Hơn 60% DN trong ngành bán lẻ, thông tin truyền thông, tài chính, bảo hiểm, giáo dục, y tế đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.

Thu An

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/doanh-nghiep-ban-le-nhat-ban-muon-mo-rong-kinh-doanh-tai-viet-nam/20240127100704739
Zalo