Doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt báo lãi lớn

Doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với nền thấp của cùng kỳ năm trước. Ngành bán lẻ được dự đoán còn phục hồi cho đến 2025 và mỗi doanh nghiệp đều có câu chuyện riêng để chú ý.

Ngành bán lẻ phục hồi tốt trong nửa đầu năm. Ảnh minh họa: Khải Duy

Ngành bán lẻ phục hồi tốt trong nửa đầu năm. Ảnh minh họa: Khải Duy

Với sự phục hồi của thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý II và nửa đầu năm, có đơn vị tăng trưởng gấp hơn chục lần so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu 34.134 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,4% lên 21,4%. Lợi nhuận sau thuế 1.172 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 17,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế nửa năm, doanh thu MWG đạt 65.620 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 52% chỉ tiêu năm; lãi sau thuế 2.075 tỷ đồng, gấp 53 lần và thực hiện 86,4% chỉ tiêu năm.

Chuỗi điện thoại, điện máy (TGDĐ và ĐMX) tiếp tục là kênh đem lại lợi nhuận chính cho tập đoàn trong nửa đầu năm. Ngược lại, chuỗi hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh lỗ 98,4 tỷ đồng, An Khang lỗ 172 tỷ đồng và PT Era Blu Elecktronik mang về khoản lỗ liên doanh 47 tỷ đồng.

Dù vậy, chuỗi Bách Hóa Xanh đã có lãi nhẹ gần 7 tỷ đồng trong quý II mở ra cơ hội “mang tiền về cho mẹ” trong thời gian tới. Doanh thu nửa đầu năm của chuỗi đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng mỗi tháng đã đạt 2,1 tỷ đồng trong tháng 6, vượt xa điểm hòa vốn 1,8 tỷ đồng/tháng.

Theo BCTC hợp nhất quý II, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT – FPT Retail (mã: FRT) ghi nhận doanh thu 9.240 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 15,1% lên 19,6%. Công ty báo lãi sau thuế 48 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 215 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 27 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, FPT Retail đạt doanh thu hợp nhất 18.281 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và hoàn thành 49% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế của 161 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm. Lãi sau thuế 109 tỷ đồng, phần thuộc về cổ đông công ty mẹ 65,5 tỷ đồng.

Động lực chính của FPT Retail vẫn là chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu với doanh thu tăng 67% lên 11.521 tỷ đồng và chiếm 63% tổng doanh thu. Hiệu quả hoạt động được duy trì với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc vào khoảng 1,2 tỷ/tháng trong dù liên tục mở nhiều nhà thuốc mới.

Nhà bán lẻ vàng, bạc trang sức – Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) có quý kinh doanh khả quan khi doanh thu tăng 43% lên 9.519 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 27% lên 429 tỷ đồng. 6 tháng, doanh thu 22.112 tỷ đồng, tăng 34% và lợi nhuận 1.166 tỷ đồng, tăng 7%. Công ty thực hiện được 56 – 60% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm.

Doanh thu PNJ có sự tăng trưởng ở hầu hết các kênh, đặc biệt là kênh vàng 24k trong cơn sốt giá vàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng lợi nhuận PNJ kém hơn doanh thu do tỷ trọng đóng góp của mảng vàng 24k – mảng có biên lợi nhuận mỏng tăng cao từ 31% lên 41,5%.

Chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng WinMart/WinMart+ của Masan Group (mã: MSN) phát triển qua WinCommerce ghi nhận doanh thu tăng 8,8% lên 15.801 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao tăng 88% lên 421 tỷ đồng. Đồng thời, chuỗi đã có lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6.

Các nhà bán buôn như Digiworld (mã: DGW) hay Petrosetco (mã: PET) cũng báo cáo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trên 2 chữ số nhờ thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Câu chuyện phục hồi của ngành bán lẻ còn kéo dài đến 2025

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nửa đầu năm liên tục duy trì mức tăng trưởng dương. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 3.099 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 5,7%.

Chứng khoán KB đánh giá ngành bán lẻ nửa cuối năm kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi nhờ những tín hiệu tích cực từ vĩ mô và so với nền thấp năm trước, song, tốc độ phục hồi sẽ chậm.

Cụ thể, xuất khẩu đã tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nhờ các thị trường chính của Việt Nam phục hồi. Nửa cuối năm, xuất khẩu được kỳ vọng tiếp tục tăng nhờ các NHTW lớn hạ lãi suất. Đồng thời, chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tăng lương cơ sở, giảm thuế VAT đến hết năm giúp tâm lý người tiêu dùng lạc quan hơn, kích thích chi tiêu.

Tuy nhiên, lạm phát dai dẳng là vấn đề đáng quan ngại khiến lộ trình giảm lãi suất gặp nhiều trở ngại, sức mua phục hồi chậm hơn dự kiến.

Ngành hàng bán lẻ ICT được kỳ vọng tăng trở lại vào nửa cuối năm nhờ chu kỳ thay thế điện thoại, laptop; dừng phát sóng 2G, 3G. Khi đó, những đơn vị như MWG, FRT, DGW sẽ hưởng lợi. Song, ngành này hiện tại khá bão hòa, cạnh tranh gay gắt nên nhiều chuỗi bán lẻ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 1 chữ số năm nay.

Chứng khoán KB cho rằng câu chuyện phục hồi của ngành bán lẻ còn kéo dài đến năm 2025. Mỗi doanh nghiệp sẽ có câu chuyện riêng như MWG với Bách Hóa Xanh, FPT Retail với chuỗi nhà thuốc Long Châu, PNJ với động thái bình ổn giá vàng của NHNN giúp thị trường vàng hạ nhiệt…

Theo Mỹ Hà/nhadautu.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/doanh-nghiep-ban-le-dong-loat-bao-lai-lon.html
Zalo