Doanh nghiệp bán điện mặt trời mái nhà có phải đăng ký địa điểm kinh doanh không?
Doanh nghiệp bán điện mặt trời mái nhà cho công ty Điện lực, mô hình kinh doanh điện mặt trời mái nhà là nguồn điện được tạo ra từ các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của các hộ gia đình, vậy doanh nghiệp có phải đăng ký địa điểm kinh doanh không?
Câu hỏi:
Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh lĩnh vực sản xuất, bán điện mặt trời tại địa bàn cấp tỉnh khác với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính. Doanh nghiệp bán điện mặt trời mái nhà cho công ty Điện lực, mô hình kinh doanh điện mặt trời mái nhà là nguồn điện được tạo ra từ các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của các hộ gia đình. Doanh nghiệp xin hỏi như sau:
1. Doanh nghiệp có phải đăng ký địa điểm kinh doanh?
2. Doanh nghiệp chúng tôi thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính thì thực hiện kê khai thuế GTGT (mẫu 01/GTGT) tập trung cho cơ quan thuế quản lý trụ sở hay kê khai thuế GTGT (mẫu 01/GTGT) riêng cho cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh điện mặt trời mái nhà?
3. Nếu không kê khai riêng vậy việc kê khai thuế GTGT (mẫu 01/GTGT) có phải đính kèm phụ lục Bảng phân bổ số thuế GTGT phải nộp (mẫu 01-6/GTGT (CSSX)) không?
4. Việc nộp thuế GTGT có phải phân bổ cho địa bàn tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh điện mặt trời mái nhà?
Trả lời:
Theo Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp chỉ có 1 trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp bán điện mặt trời tại địa bàn cấp tỉnh khác với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính là hoạt động mở rộng việc mua bán các sản phẩm của doanh nghiệp thì cần đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh.
Tại điểm c khoản 1 và khoản 2 điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định
Điều 11. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế
Người nộp thuế thực hiện các quy định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 45 Luật Quản lý thuế và các quy định sau đây:
1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:
…c) Khai thuế giá trị gia tăng tại nơi có nhà máy sản xuất điện.
2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này) tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính. Đồng thời, người nộp thuế phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính, trừ một số trường hợp sau đây không phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp:
c) Thuế giá trị gia tăng của hoạt động kinh doanh xây dựng (bao gồm cả xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí) tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính nhưng không thành lập đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại địa bàn cấp tỉnh đó mà giá trị công trình xây dựng bao gồm cả thuế giá trị gia tăng dưới 1 tỷ đồng.
d) Thuế thu nhập doanh nghiệp của đơn vi phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Người nộp thuế phải xác định riêng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi với cơ quan thuế quản lý nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh và không được tính phân bổ cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác của người nộp thuế.
đ) Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của người nộp thuế là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại điểm d, đ khoản 1, điểm d khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC quy định:
Điều 13. Khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế giá trị gia tăng
1. Các trường hợp được phân bổ:
… d) Đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp), trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP;
2. Phương pháp phân bổ:
… d) Phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho tỉnh nơi đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất:
3. Khai thuế, nộp thuế:
… d) Đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất:
Người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất và nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 01/GTGT, phụ lục bảng phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu (trừ hoạt động sản xuất thủy điện, hoạt động kinh doanh xổ số điện toán) theo mẫu số 01-6/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp; nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư này.
Theo đó, Trường hợp Đơn vị nêu là đơn vị thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính có hoạt động sản xuất điện mặt trời tại địa bàn cấp tỉnh khác với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính thì: thực hiện khai, nộp phân bổ thuế GTGT theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 13 TT 80/2021/TT-BTC nêu trên.