Đoàn Thị Phương Nhung - Nữ nhà văn tuổi Tỵ
Tôi gặp Đoàn Thị Phương Nhung trong một buổi trưa Đà Lạt mưa và lạnh, khi ấy nhóm chúng tôi đã ngồi vào bàn cơm thì cô chợt tới, đi cùng cô còn có 'ông xã' và cậu con trai, con gái. Đoàn Thị Phương Nhung cười chào mọi người rồi giải thích cho chuyện 'nhập đoàn' trễ của mình.
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Loan với tay Nhung tới gần rồi giới thiệu: “Cháu Nhung “kế nhiệm” tôi ở Điện ảnh Công an nhân dân”. Đoàn Thị Phương Nhung vội “thanh minh”: “Giờ cháu sang Truyền hình Công an Nhân dân rồi ạ. Có chút quà Thái Nguyên để biếu các cô chú anh chị dùng ạ”.
Thượng tá Đoàn Thị Phương Nhung tuy sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên nhưng quê gốc lại ở xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Một xã như tôi được biết là có trên 30 di tích đình, đền, chùa, từ đường, động, phủ, nhà thờ Thiên chúa giáo, trong đó có 6 di tích được xếp cấp tỉnh là: Đình Tứ Giáp, đền Bơ, đền - chùa - động - phủ Thanh Khê. Cùng với các di tích lịch sử văn hóa là các lễ hội truyền thống với các nghi thức tế lễ, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Một người có quê hương đáng tự hào như vậy, lại được “hưởng” nét văn hóa đặc trưng riêng có của miền đất “Đệ nhất danh trà” Thái Nguyên đã “tạo” cho Đoàn Thị Phương Nhung một tâm hồn phong phú để đến với văn chương một cách tự nhiên và bay bổng.
Đoàn Thị Phương Nhung tuổi Đinh Tỵ, cái tuổi mà như các cụ thường nói là: Là những người yêu thích tự do, không muốn bị bó buộc trong một khuôn khổ. Con gái tuổi ấy cũng sẵn sàng trình bày quan điểm của mình với đối phương. Tuy nhiên, họ lại là người khá cầu toàn trong công việc nên đôi khi có tình trạng áp đặt ý kiến cá nhân lên những người khác.
Tôi nghe giới thiệu về tuổi của cô nên “giở chút nho nhe” của mình để “đánh giá sơ bộ” về nữ chiến sĩ Công an Đoàn Thị Phương Nhung: Có bằng Thạc sĩ Nghệ thuật Điện ảnh này. Đã từng làm Điện ảnh Công an nhân dân rồi “ngoặt” sang làm báo ở Truyền hình Công an nhân dân (ANTV), nhưng cô lại đặc biệt đam mê văn chương này.
Mà tôi “nhận xét” như vậy đâu có sai, nhà văn - nhà báo Lê Anh Hoài ở Báo Tiền phong, cũng đã từng “đánh giá” về văn chương Nhung trong lời “phi lộ” cho truyện ngắn “Chiều nghe hoàng hôn rơi” của cô đăng trên Tiền phong Chủ nhật, như sau: “Những truyện ngắn của Đoàn Thị Phương Nhung, không loại trừ truyện dưới đây, đều mang âm ba xót xa, đôi khi như tiếng thở dài khó kìm nén. Đưa rất nhiều chi tiết vào truyện nhiều khi hơi quá rộng (cảm giác hoàn toàn có thể chia nhỏ để phát triển thành những tập phim truyền hình), nữ nhà văn nhiệt thành tụng ca tình yêu trong sự mất mát của chính nó. Đây là tình yêu của ngày hôm nay, với tất cả sự phức tạp chất chồng của những mối quan hệ hiện đại. Nhưng mẫu số chung lại rất cổ điển, thu hút ham muốn tự nhiên, gắn bó và chung thủy tự nhiên, cùng với nắng gió cây lá như tình yêu nguyên sơ thuở khai sinh nhân loại”.
Đoàn Thị Phương Nhung học Khoa Nghệ thuật Điện ảnh chuyên ngành Biên kịch điện ảnh. Bộ phim truyền hình “Lựa chọn” do Đạo diễn - NSND Trần Phương làm đạo diễn. Và tiếp đến là bộ phim “Thầy và trò” được đạo diễn - NSND Trọng Trinh thực hiện. Cả hai bộ phim này đều do Đoàn Thị Phương Nhung viết kịch bản khi cô mới là sinh viên năm 3 và đều được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng.
Ra trường tháng 1/2001 với tấm bằng Giỏi, cô được nhận công tác tại Điện ảnh Công an nhân dân, thời gian đó thuộc Cục Công tác chính trị, Tổng cục XDLL CAND. Cô viết kịch bản phim truyện, phim tài liệu, đoạt một số giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Cô say mê làm chuyên môn, viết tất cả những gì được cho là viết mà cô thường gọi là “viết thuê”, như viết lời bình phim tài liệu, viết đề cương cho một số bộ phim truyền hình dài tập, thực hiện một số dự án của VTV, rồi chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản điện ảnh...
Suốt thời gian đó đến nay cô bền bỉ viết, thấm thoắt đến với văn chương cũng đã hơn ba mươi năm. Chừng ấy thời gian đủ để “hình thành” nên một cây bút ấn tượng trong lực lượng Công an nhân dân. Điều đó được “minh chứng” bởi sự góp mặt của cô trong tập sách “Các cây bút trong lực lượng Công an” năm 2001 và năm 2002. Cô còn có mặt trong tập “Năm tác giả trẻ” in năm 2004 với Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Doãn Hoàng.
Cô còn “tham gia” ở các tập sách khác, mà toàn là những tập sách có tựa đề nếu không là “Đặc sắc” thì cũng là “Truyện ngắn hay về tình yêu” hay như “Yêu thử yêu thật”, suốt từ năm 2005 đến năm 2011; Để rồi năm 2006, Đoàn Thị Phương Nhung cho xuất bản tập truyện ngắn riêng của mình có tên gọi là “Cánh hoa hình dấu hỏi”, rồi tập truyện ngắn “Sự giận dỗi của đêm”, NXB Hội Nhà văn (năm 2015). Và gần đây nhất là tập truyện ngắn “Khoảng riêng em”, NXB Công an (năm 2023).
Nhung cho biết: “Với văn chương, tôi bắt đầu từ việc yêu văn học cổ điển Pháp với những tác phẩm của Victor Hugo; Gustave Flaubert; Guy de Maupassant… Tôi dành rất nhiều tình cảm cho Guy de Maupassant vì phong cách viết truyện ngắn chân thực, giản dị nhưng đặc biệt tinh tế về mặt tâm lý, không làm nặng nề văn bản, quyến rũ độc giả một cách hấp dẫn và mạnh mẽ”.
Thời học phổ thông tại Thái Nguyên, Đoàn Thị Phương Nhung được cô giáo chủ nhiệm dạy văn tại Trường THPT Lương Ngọc Quyến động viên rất nhiều, nhất là việc được cô giáo cho điểm 10 môn văn mà cô chưa bao giờ chấm cho bất kỳ học sinh nào. Nhưng thầy giáo dạy toán lại là người cho cô niềm tin với văn chương, cô dành thời gian viết “linh tinh” trong giờ học môn Toán, lúc phát hiện học sinh làm việc riêng, thầy nhẹ nhàng bảo, “Văn học sẽ chắp cánh ước mơ cho em, thầy tin là như vậy”.
Đó là những kỷ niệm rất ý nghĩa và ấm áp để cô tự nhiên bước vào con đường văn chương như ngày hôm nay. Cô bắt đầu viết truyện ngắn cho các báo, tạp chí cuối những năm 1990 bằng nhiều bút danh ngẫu hứng, nhưng đặc biệt được chú ý khi truyện ngắn Đoàn Thị Phương Nhung xuất hiện khá dày trên “Tiền phong” và “Tiền phong Chủ nhật”. Với cuộc thi truyện ngắn “Tầm nhìn thế kỷ” năm 2000 tới mức tòa soạn lâu lâu lại nhận được thư gửi từ lính đảo viết thư xin làm quen với tác giả. Giờ đây, với gia tài khoảng 200 truyện ngắn in trên báo và tạp chí, với 3 đầu sách, cô vẫn luôn thấy mình nợ cuộc đời rất nhiều, cô viết nhanh, viết nhiều, tự nhận rằng mình viết nhanh nhưng mà “nhạt” cô bảo viết, nợ, quên rồi lại viết. Đoàn Thị Phương Nhung luôn hóm hỉnh khi tiếp xúc với người thân, bạn bè, bề ngoài cô lạc quan hơn nhiều so với những tác phẩm của mình.
Đúng như nhà văn nhà - báo Lê Anh Hoài đã nhận xét: “Nữ nhà văn nhiệt thành tụng ca tình yêu trong sự mất mát của chính nó. Đây là tình yêu của ngày hôm nay”. Nhớ hôm ở Đà Lạt tôi đã nghe nói rằng: “Không viết về tình yêu thì không phải Đoàn Thị Phương Nhung”. Nghe có vẻ “nội tâm họ lại vô cùng nhạy cảm, thậm chí còn có chút yếu đuối” như chính tuổi Đinh Tỵ của cô đã “gắn” vào cô.
Đoàn Thị Phương Nhung cho biết: “Đề tài về tình yêu là đề tài mà tôi theo đuổi. Bởi đề tài đó làm cho cô thấy mình bay bổng nhất, chìm đắm trong những hư cấu mãnh liệt nhất để thấy rằng tình yêu chưa bao giờ có định nghĩa nào hoàn chỉnh, nó là phạm trù cảm xúc phức tạp nhất của con người”.
Và như cô đã viết trong những dòng cuối cùng của truyện ngắn “Chiều nghe hoàng hôn rơi”, truyện ngắn được cô viết và in mới nhất (tháng 11/2024) của cô: “Chỉ là, tôi tự hứa với lòng mình sẽ viết tiếp những ước mơ dang dở của anh, tôi sẽ tiếp tục nuôi thật nhiều đứa trẻ để nghe tiếng chúng cười, thấy chúng hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi sẽ đến thăm anh, thăm ngôi nhà mới của anh, mang rượu vang mà chúng tôi thích để uống với anh và chúng tôi ôn lại quãng thời gian hai đứa có với nhau rất nhiều kỷ niệm, để nhớ một thời ta đã yêu”.
Năm 2025 là năm Ất Tỵ, năm tuổi của Nhung, nhưng như người ta nói rằng: Sinh năm Đinh tức là đã được “đóng đinh” vào văn chương nên năm Ất tới chắc chắn có những thành công. Hiện Đoàn Thị Phương Nhung công tác tại Ban Chuyên đề Truyền hình CAND ANTV với cương vị Phó Trưởng ban, cô luôn nỗ lực học hỏi không ngừng, có trách nhiệm với công việc và luôn tâm niệm rằng sống và làm việc để biết ơn cuộc đời, trân trọng và tin tưởng rằng cuộc sống còn nhiều điều trân quý, vì vậy cô không muốn lãng phí nó, hay trách cứ nó mà Đoàn Thị Phương Nhung chọn hy vọng để điều đó chắp cánh cho những mong ước của mình.