Doãn Quốc Đam: 'Tôi sợ đóng vai chính'
Mến của 'Làng trong phố' tiếp tục làm dài thêm danh sách vai phụ trong gia tài diễn xuất của Doãn Quốc Đam. Anh cho biết, mình không tranh đấu vai chính với ai và xác định đó là con đường phù hợp nhất với mình.
PV: Từ “Phố trong làng” đến “Làng trong phố”, nhân vật Mến của Doãn Quốc Đam đã có sự thay đổi như thế nào?
Doãn Quốc Đam: Tính cách nhân vật Mến thay đổi theo hướng tích cực hơn. Ở phần 1, kết phim, Mến đã có sự thay đổi rồi, đến “Làng trong phố”, sự thay đổi này lại càng rõ rệt hơn. Cũng giống như nhiều người dân lao động, Mến khao khát gia đình mình trở nên ấm no, hạnh phúc. Anh ta muốn làm giàu chứ không chỉ dừng lại ở việc đủ ăn. Mến vẫn có những lúc uống rượu, nhưng sẽ đáng yêu hơn, không cào mặt ăn vạ như “Phố trong làng”. Biến cố trong gia đình còn khiến Mến trở thành người triết lý hơn.
PV: Mỗi khi hóa thân vào nhân vật, anh đều tạo cho nhân vật của mình một điểm nhấn. Ở phần trước thì anh cạo đầu. Đến phần phim này, khán giả ấn tượng với giọng nói khàn như hết hơi của Mến. Cách thoại khó nghe như vậy liệu anh có sợ khán giả phản ứng?
Doãn Quốc Đam: Đây cũng không phải lần đầu tiên khán giả phản ứng về những nhân vật tôi đóng. Thực ra trong kịch bản hay đạo diễn không yêu cầu tạo điểm nhấn cho nhân vật. Nhưng tôi muốn nhân vật của mình có một bộ nhận diện thương hiệu.
Mỗi con người trong xã hội tôi từng gặp đều thấy có một nét đặc trưng riêng. Cũng giống như việc khán giả hỏi sao tôi không làm trắng răng. Tôi đồng ý là răng tôi xấu, và nếu không sửa thì không thể vào các vai soái ca. Nhưng tôi không có nhu cầu đóng những vai đó. Tôi chỉ biết là tôi muốn được làm những gì mình thích. Đó là ví dụ cho việc mỗi một người sẽ có một cái đặc điểm nào đó, nó có thể là một cái ở bên ngoài, hoặc ở bên trong, đôi khi có những người là tật trong suy nghĩ rồi.
Tuy nhiên không phải lúc nào tôi cũng làm vậy. Với những nhân vật đặc biệt rồi tôi không thêm điểm nhấn nữa. Ở “Phố trong làng”, Mến ban đầu không phải nhân vật trung tâm mà chỉ là điểm nhấn nhỏ trong phim. Tôi nhận kịch bản và đề nghị đạo diễn về việc tôi sẽ cạo đầu vì muốn như vậy. Tôi không bắt chước người khác như mọi người nói là bắt chước bác Hán Văn Tình.
Tôi muốn sau mỗi vai diễn mình sẽ tiến bộ một chút. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đây là vai hay nhất và là thế mạnh của tôi rồi mà luôn muốn thử nếu mình làm vai khác, dòng khác thì liệu có làm được không, và mình có cố hết sức để làm tốt không, chứ không quan tâm việc sợ bị một màu.
PV: Là một diễn viên giàu kinh nghiệm và cũng đã bỏ túi nhiều vai diễn. Chắc anh không còn gặp nhiều áp lực mỗi khi nhận vai diễn mới?
Diễn viên Doãn Quốc Đam: Thực ra thì tôi không bị áp lực đâu. Tôi làm bất kể vai diễn nào cũng không bị áp lực rằng khán giả đón nhận hay không, mà cứ làm thôi. Tôi chấp nhận nếu sai thì mình sẽ sửa ở trong những dự án sau.
Ngay cả lúc bắt đầu bước chân vào nghề, diễn với NSND Hoàng Dũng, chưa có một giây phút nào tôi thấy run. Quan điểm của tôi là vai của ai người đấy làm, sai hay đúng thì khán giả là người đánh giá. Tất nhiên mình có nghe những chia sẻ để mình chắt lọc, cái nào đúng thì mình làm, nếu mình hoàn toàn bị ảnh hưởng thì không khác gì tôi photocopy lại toàn bộ những cái gì cá nhân của người đấy.
PV: Có thể thấy anh rất chăm chỉ đóng phim khi góp mặt trong nhiều phim trên sóng giờ vàng. Thậm chí có những thời điểm anh xuất hiện song song ở 2 phim cùng phát sóng, nhưng phim nào cũng là vai phụ. Với khả năng diễn xuất của anh mà không đóng vai chính thì có vẻ hơi tiếc nhỉ?
Diễn viên Doãn Quốc Đam: Ngay từ thời điểm mới bắt đầu đóng phim của VFC, trong đầu tôi đã có suy nghĩ là mình sẽ không đóng vai chính. Tôi không đẹp như Mạnh Trường, không khả ái như Hồng Đăng, không có khí chất như anh Việt Anh. Thế nên tôi sẵn sàng đi con đường mà cả ba anh không đi được.
Nhiều diễn viên muốn xây dựng hình ảnh đẹp. Tôi thì thích những cái còn lại. Vai diễn nào khù khoằm nhất thì đưa đây tôi làm. Tôi sẽ chỉ làm những vai ngắn ngắn như thế thôi. Tôi không tranh đấu với ai và xác định đó là con đường phù hợp nhất với mình. Và vai phụ thì không phải tranh giành với ai cả (cười).
Thực ra các đạo diễn cũng muốn tôi trọn vẹn với diễn xuất, muốn xây cho tôi hình ảnh chắc hơn, sâu hơn chứ không phải chỉ gắn với vai phụ. Tôi cũng nói luôn, mình khong có nhu cầu đóng vai chính.
Tôi sợ đóng vai chính. Vai chính quá mệt, tôi sợ mình không có thời gian để tái tạo. Vai chính phải quay từ sáng đến tối. Mình làm vai phụ chỉ cần quay 1 ngày 2 phân đoạn thôi là được nghỉ, đi trêu, ngắm nghía mọi người… Đại loại là mình sẽ có thời gian nghĩ tiếp theo mình sẽ làm gì. Đi làm phải như đi chơi, đi làm là phải vui.
PV: Nhưng diễn viên nào chả mong có cơ hội được trao vai chính vì được thể hiện bản thân nhiều hơn, độ phủ sóng cao hơn, kiếm tiền tốt hơn. Anh có thấy mình ngược đời?
Doãn Quốc Đam: Tiền thì ai cũng cần cả thôi. Tôi làm nghệ thuật, tôi cũng có những hóa đơn cần phải chi trả giống như mọi người.
Thực ra làm nghề nào thì mục đích chính cuối cùng cũng là để kiếm tiền. Ai cũng mong là sẽ kiếm được nhiều tiền, và nhất là kiếm tiền từ chính cái nghề của mình, chứ không phải mình phải đi làm những việc khác. Lúc nào trong đầu tôi cũng muốn mình phải kiếm được tiền từ nghề mình đã được học, được đào tạo. Gia đình đã bỏ công sức, tiền bạc cho mình đi học, mình không muốn phụ công đấy.
Có những lúc tôi cảm thấy mình hơi ích kỷ. Tại sao người ta lo được cho gia đình của người ta, mà mình vẫn cứ lom dom như thế. Lắm lúc có việc nọ việc kia, để giải quyết được phải có kinh tế mới lo được. Tôi cũng cảm thấy tự áy náy, có những lúc nghĩ thôi bây giờ làm tiền thôi, bớt suy nghĩ, bớt quan tâm đến việc bây giờ có ai bảo mình diễn cũng được, miễn là mình có tiền. Không hiểu sao đến lúc đọc kịch bản xong, đọc xong thấy không vào được, thấy nhân vật mình không thích.
PV: Bận rộn như vậy nhưng công việc lại không mang lại quá nhiều tiền, gia đình anh có phàn nàn?
Doãn Quốc Đam: Bố tôi từng nói: "Làm thầy thì nuôi được vợ mà làm thợ thì chỉ nuôi được mình thôi con ạ. Nên con phải suy nghĩ kỹ. Con cũng phải giỏi mới sống được".
Nhưng tôi vẫn quyết chọn đi theo học điện ảnh. Mọi người không ý kiến nhiều nhưng góp ý rằng tôi không nên khắt khe quá, cơ hội kiếm tiền ít đi khi nhiều tuổi hơn. Nhưng lựa chọn như thế nào là quyền của mình. Bố mẹ tôi không có nhu cầu tôi phải mang nhiều tiền về vì vẫn tự lo được.