Đoàn Kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận
Ngày 18/12, Đoàn Kiểm tra liên ngành do bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Ông chí Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cùng các sở, ban, ngành liên quan tiếp và làm việc đoàn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành 219 VBQPPL, đã tự kiểm tra 219/219 văn bản. Trong đó, có 3 văn bản văn bản phát hiện có nội dung trái pháp luật; 8 văn bản phát hiện có sai sót về căn cứ pháp lý, hiệu lực, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản, UBND tỉnh đã xử lý bằng hình thức ban hành các quyết định đính chính; kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, thông qua Sở Tư pháp nhận được 54 VBQPPL do UBND cấp huyện gửi đến, đã ban hành đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định.
Đối với việc rà soát văn bản, cấp tỉnh đã thực hiện rà soát 159/159 văn bản do HĐND và UBND tỉnh ban hành; tổng số văn bản cần xử lý là 176 văn bản. Đến nay, tỉnh đã thực hiện xử lý sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ đối với 176/176 văn bản được rà soát…
Cấp huyện, xã: tại cấp huyện thực hiện rà soát 35 văn bản và đã thực hiện xử lý đối với 35 văn bản; tại cấp xã: rà soát 04 văn bản và xử lý 02 văn bản.
Qua kết quả rà soát, UBND tỉnh đã công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2021, năm 2022 với tổng số 124 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; 46 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần.
Để có cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 – 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 357/KH-UBND ngày 06/02/2023 về hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 – 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành Kế hoạch hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 – 2023 để hệ thống hóa văn bản do cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu hoặc ban hành.
Ngoài ra, Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản để đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023.
Đánh giá chung về chất lượng văn bản thuộc trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành: Đảm bảo theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2020; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan. Việc soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo Quy chế phối hợp trong công tác đề nghị xây dựng, soạn thảo, góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 37/2021/QĐ-UBND ngày 05/7/2021. Do vậy, văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh ban hành từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/6/2023 về cơ bản bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên.
Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh, các tổ chức, cá nhân được tham gia góp ý văn bản theo đúng quy định, thể hiện qua việc đăng tải dự thảo Nghị quyết, Quyết định trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; trang thông tin điện tử của Sở, ban, ngành và địa phương và lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động. Do đó, các văn bản ban hành đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, quốc phòng - an ninh và tính khả thi.
Nhìn chung, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Trên cơ sở đó, HĐND và UBND tỉnh đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đối với các văn bản không phù hợp với văn bản làm căn cứ rà soát hoặc tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được như trên, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản trên địa bàn tỉnh đôi lúc còn chưa kịp thời; công chức được phân công thực hiện công tác rà soát vẫn còn lúng túng, chưa chú trọng trong quá trình thực hiện….
Phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra, Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã được Tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản QPPL của tỉnh Ninh Thuận đã có những điểm tích cực. Trong thời gian qua, công tác xử lý các văn bản trái pháp luật sau khi nhận được kết luận của Bộ Tư pháp được tỉnh Ninh Thuận thực hiện kịp thời.
Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện theo quy định. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành Kế hoạch về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, một số văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chưa phù hợp pháp luật về thẩm quyền, nội dung, thể thức, kỹ thuật trình bày. Công tác rà soát văn bản QPPL tại tỉnh Ninh Thuận đã được quan tâm, chỉ đạo, tuy nhiên qua kiểm tra bước đầu, Cục Kiểm tra văn bản QPPL nhận thấy vẫn còn nhiều văn bản do HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành cần thực hiện rà soát.
Mặc dù, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-UBND ban hành Quy chế cộng tác viên kiểm tra văn bản, tuy nhiên, công tác phát triển đội ngũ Cộng tác viên kiểm tra văn bản tại tỉnh Ninh Thuận còn hạn chế. Việc sử dụng kinh phí cho hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản còn thấp.
Để bảo đảm chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, Đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quan tâm chỉ đạo thi hành hiệu quả, nghiêm túc Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản QPPL, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL và trường hợp ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn bảo đảm theo đúng quy định; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận tăng cường giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; chỉ đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, thẩm tra, ban hành văn bản QPPL, nhất là nhiệm vụ thẩm tra dự thảo văn bản QPPL theo thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận kịp thời xử lý các văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đã được nêu tại kết luận, thông báo kết quả xử lý văn bản cho Bộ Tư pháp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận này. Đồng thời, đánh giá hậu quả, tác động của văn bản và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đã ban hành, tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định.
Thực hiện rà soát kịp thời, đầy đủ các văn bản QPPL theo quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP). Tiếp tục quan tâm, tăng cường năng lực và các điều kiện bảo đảm cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và đội ngũ công chức pháp chế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp và các Sở, ngành trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; khắc phục tình trạng tham mưu, ban hành văn bản hành chính có chứa QPPL.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, tiếp thu sâu sắc các ý kiến của Đoàn kiểm tra về những vần đề phát hiện qua kiểm tra đối với các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành bước đầu có dấu hiệu chưa phù hợp với quy định pháp luật. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc theo kết luận của đoàn, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL ....
Trước đó, sáng ngày 18/12, Đoàn Kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp do ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp làm phó đoàn đã làm việc với Sở Tư pháp Ninh Thuận về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL.
Theo báo cáo, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện tốt. UBND đã ban hành Kế hoạch số 357/KH-UBND ngày 6/2/2023 về Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 trên địa bàn tỉnh và các văn bản triển khai thực hiện. Qua rà soát, các VBQPPL do HĐND và UBND tỉnh ban hành có tính thống nhất, đồng bộ, đảm bảo được tính phù hợp, khả thi của các VBQPPL phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quốc phòng-an ninh…
Sau khi nghe các sở, ngành và thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp phân tích, đánh giá, giải trình, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đánh giá cao những nỗ lực của các Sở Tư pháp, các ngành trong việc rà soát các VBQPPL thời gian qua. Đồng thời, đề nghị sở, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng ban hành các VBQPPL chưa đạt chất lượng; việc nâng cao chất lượng các văn bản đảm bảo được các yếu tố về con người, kinh phí, nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa; các văn bản ban hành cần phải đảm bảo các cơ chế, kỹ thuật, nội dung, thẩm quyền khi ban hành…