Đoàn kết là tài sản lớn nhất của châu Âu

Cho đến nay, đại liên minh giữa Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) và Đảng Đổi mới châu Âu đã đưa Liên minh châu Âu vượt qua nhiều cú sốc trong 5 năm qua. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang tới gần, vai trò quan trọng của liên minh càng cần được nhìn nhận như một bức tường thành chống lại chủ nghĩa dân túy đang gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, người dân châu Âu cần nhận thức được lợi ích lâu dài và cốt lõi của châu Âu khi cầm trên tay lá phiếu cho cuộc bầu cử vào tháng 6 tới.

Nghị viện châu Âu (EP) là trụ cột của hệ thống lập pháp. Các đạo luật được thông qua tại cơ quan này có giá trị tại tất cả 27 nước thành viên, mỗi nước có quyền siết thêm, nhưng không được nới lỏng hơn những gì đã được quyết tại Nghị viện châu Âu. Những quy định nhất quán tạo dựng sức mạnh chung của Liên minh châu Âu (EU).

Vai trò của liên minh hiện tại

Cùng với các đối tác trong liên minh, EPP đã lèo lái EU vượt qua nhiều cú sốc trong 5 năm qua, bao gồm đại dịch Covid-19, căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó. Những thành công của EU trong giai đoạn này không chỉ nêu bật khả năng phục hồi của EU mà còn nêu bật vai trò quan trọng của tình đoàn kết và sự cần thiết phải duy trì liên minh hiện tại.

Nguồn: Euractiv

Nguồn: Euractiv

Hơn nữa, những thách thức này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “khế ước” giữa các thế hệ và các giá trị làm nền tảng cho EU; điều này đặc biệt quan trọng khi đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ những kẻ cực đoan và chủ nghĩa dân túy, những người ủng hộ những giải pháp đơn giản, tầm nhìn ngắn hạn, đánh vào lợi ích giản đơn thay vì giải quyết những thách thức phức tạp, lâu dài và mang lại một tương lai bền vững.

Nhìn về phía trước, chương trình nghị sự của EU có thể sẽ vẫn bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng dai dẳng, đòi hỏi một cách tiếp cận thống nhất và chu đáo. Liên minh do EPP lãnh đạo có thể đóng một vai trò quan trọng, thúc đẩy sự ổn định và phát triển kinh tế đồng thời giải quyết những thách thức mà châu Âu phải đối mặt.

Tuy nhiên, một yếu tố có thể làm lung lay khối thống nhất của ngôi nhà chung châu Âu; đó là ngày càng có nhiều cử tri ủng hộ các đảng theo đường lối biệt lập dân tộc chủ nghĩa. Trong cuộc bầu cử EP cách đây 5 năm, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu vẫn chiếm ưu thế, đảng Xã hội dân chủ trung tả theo sau, nhưng cả hai đã mất nhiều ghế cho đảng Xanh và đảng cực hữu. Những đề tài tranh cử nóng nhất năm nay - nhập cư và môi trường - sẽ còn có lợi cho xu hướng cực hữu.

Trong những năm qua, các đảng cực hữu đã lên nắm quyền tại Hungary và Italy, không nắm quyền nhưng tham gia chính phủ tại Phần lan và Slovakia; ở Hà Lan, đảng cực hữu cũng đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội và đang đàm phán lập chính phủ; tại châu Âu, đảng cực hữu mới chỉ bị đẩy lui trên chính trường Ba Lan.

Mục tiêu khí hậu và tương lai bền vững

Một trong những thách thức chính của EU trong tương lai sẽ là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cùng nhau hợp tác để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai, đồng thời nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế. Nỗ lực tập thể này đã giúp giảm đáng kể lượng khí thải trong ngành vận tải và thông qua Kế hoạch Fit for 55 đầy tham vọng - một gói lập pháp toàn diện nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính ròng của EU ít nhất 55% so với mức năm 1990 vào năm 2030. Kế hoạch này bao gồm các mục tiêu ràng buộc nhằm thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm lượng khí thải trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Tuy nhiên, những chính sách về môi trường và nông nghiệp xanh đang trở thành “gót chân Achilles” của giới lãnh đạo châu Âu, khi phe cực hữu lợi dụng sự bất mãn của nông dân đối với các chính sách môi trường để gây sức ép đối với Brussels.

Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng địa chính trị ngày nay đã đưa vấn đề an ninh trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của châu Âu, trong đó các quốc gia thành viên EU hướng đến việc giảm thiểu rủi ro cho chuỗi giá trị năng lượng bằng cách tập trung vào năng lượng tái tạo và các biện pháp hiệu quả. Trục chiến lược này phản ánh cam kết rộng hơn về tính bền vững, có tác động vượt ra ngoài biên giới châu Âu, ảnh hưởng đến các chính sách năng lượng trên toàn thế giới.

Nhưng sự thay đổi này không chỉ nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu; bằng cách tập trung vào năng lượng tái tạo và giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng, EU cũng nhằm mục đích bảo vệ người dân và các ngành công nghiệp châu Âu khỏi sự biến động của thị trường năng lượng toàn cầu, vốn thường bị ảnh hưởng bởi những bất ổn địa chính trị. Cam kết của khối đối với năng lượng tái tạo được thể hiện qua chính sách Energiewende (chuyển đổi năng lượng) của Đức, cũng như các khoản đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ vào năng lượng tái tạo ở Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển; những khoản đầu tư chiến lược này cũng đã nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành năng lượng của các quốc gia châu Âu.

Điều này rất quan trọng vì châu Âu không đơn độc trong việc theo đuổi một tương lai bền vững; sau khi thành lập Hệ thống mua bán phát thải của EU, các quốc gia như Nhật Bản và Brazil đã thiết lập thị trường carbon của riêng mình. Động lực bền vững toàn cầu này, tuy đáng khen ngợi, cũng đồng nghĩa với việc gia tăng cạnh tranh, một lần nữa nêu bật nhu cầu đoàn kết khi các nước châu Âu tìm cách tận dụng các cơ hội do quá trình chuyển đổi xanh tạo ra, đồng thời nỗ lực đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu và giải quyết những thách thức phức tạp đi kèm với việc thực hiện.

Mặc dù sự đoàn kết là tài sản lớn nhất của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng đặc biệt, sự lãnh đạo của EPP phải tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu của EU. Đây không phải là lúc để chùn bước hoặc lung lay. Việc mở rộng thị trường carbon của EU sang các lĩnh vực mới như vận tải hàng hải và vai trò nổi bật của khối trong các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế là những ví dụ điển hình về cách tiếp cận chủ động của EU. Đối mặt với mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo hiện tại của châu Âu phải rút kinh nghiệm, kiến thức và tham vọng của mình để bảo vệ các giá trị cốt lõi của khối trước chủ nghĩa dân túy đang gia tăng và dẫn dắt châu Âu vượt qua thời kỳ thử thách phía trước.

Không còn là một mối đe dọa xa xôi, biến đổi khí hậu đã tàn phá khắp châu Âu và toàn bộ hành tinh; đối với các đảng chính trị có trách nhiệm, bây giờ không phải là lúc biến châu Âu thành nạn nhân của tình trạng tê liệt đảng phái. Vào thời điểm quan trọng này, châu Âu đòi hỏi sự đoàn kết, tầm nhìn và sự lãnh đạo táo bạo hơn bao giờ hết. Tương lai của khối, phúc lợi của người dân và sự thành công của các ngành công nghiệp đều phụ thuộc vào thời điểm mang tính quyết định này.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/doan-ket-la-tai-san-lon-nhat-cua-chau-au-i369035/
Zalo