Đoàn kết dân tộc là 'chìa khóa' để đưa Đắk Lắk phát triển giàu mạnh

Tối 22/11, tại Quảng trường 10/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh (22/11/1904-22/11/2024).

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng các địa phương kết nghĩa với tỉnh Đắk Lắk và đông đảo người dân.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chúc mừng và chỉ đạo tại lễ kỷ niệm.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chúc mừng và chỉ đạo tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk ôn lại truyền thống hào hùng hơn 1 thế kỷ hình thành và phát triển của tỉnh Đắk Lắk. Ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, Đắk Lắk chính thức trở thành một trong 20 tỉnh Trung kỳ và một trong 73 tỉnh, thành phố Việt Nam thời Pháp thuộc. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác nhận chủ quyền lãnh thổ quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, là cột mốc lịch sử đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu ôn lại 120 năm tỉnh Đắk Lắk hình thành và phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu ôn lại 120 năm tỉnh Đắk Lắk hình thành và phát triển.

Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay, Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây nguyên, quy mô dân số gần 2 triệu người, với 49 thành phần dân tộc anh em; kinh tế, xã hội của tỉnh từng bước phát triển... Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, giá trị kinh tế, Đắk Lắk còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc thù của cộng đồng các dân tộc, tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của địa phương; đặc biệt là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với những lễ hội truyền thống, trong đó “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể nhân loại vào năm 2005.

Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt gần 75 triệu đồng. Văn hóa xã hội đạt nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lực lượng Công an đảm bảo ANTT tại buổi lễ.

Lực lượng Công an đảm bảo ANTT tại buổi lễ.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, vị trí chiến lược quan trọng, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang tiếp tục hiện thực hóa khát vọng “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”.

Ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho tỉnh nhiều phần thưởng cao quý, như: Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng buổi lễ.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong suốt chặng đường 120 năm xây dựng và phát triển.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và đồng bào các dân tộc của tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện nhiệm vụ quan trọng của đất nước là khẩn trương, quyết liệt hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra, chuẩn bị thật tốt cho Đại hội XIV để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới phát triển mạnh mẽ hơn.

Lễ kỷ niệm với sự tham gia của hàng trăm diễn viên.

Lễ kỷ niệm với sự tham gia của hàng trăm diễn viên.

Tập trung đổi mới mô hình kinh tế có trọng tâm, trọng điểm thông qua bốn trụ cột tăng trưởng chính: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; thúc đẩy hoạt động nông nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo; xây dựng nền kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; phát triển dịch vụ - logistics - du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, tập trung bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng của văn hóa địa phương (hệ sinh thái đất - nước - rừng).

Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ ở địa phương ngày càng năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xứng đáng với khát vọng, trí tuệ, bản lĩnh của người cộng sản vì dân, vì nước...

Đông đảo người dân tham dự buổi lễ.

Đông đảo người dân tham dự buổi lễ.

Đẩy mạnh liên kết vùng, giao lưu, hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng trên nhiều lĩnh vực, như giáo dục, khoa học, du lịch, nghệ thuật, nông nghiệp... Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt ở các trường đại học, viên nghiên cứu hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển bền vững của tỉnh, chú trọng hợp tác các lĩnh vực có lợi ích chiến lược như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu… nhằm triển khai hiệu quả đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Cần xác định nhiệm vụ vun đắp, gìn giữ, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc là “chìa khóa” để xây dựng địa phương ngày càng bình yên, ấm no, hạnh phúc, cũng là khát khao của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, rằng: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”", Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Lễ Kỷ niệm kết thúc sau màn biểu diễn nghệ thuật hoành tráng, tái hiện lịch sử Đắk Lắk 120 năm với tựa đề: "Đắk Lắk 120 năm xây dựng và phát triển”, màn bắn pháo hoa tầm thấp thu hút hàng nghìn người dân và du khách trong và ngoài tỉnh.

Sau đây là một số hình ảnh biễu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa tại buổi lễ:

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/doan-ket-dan-toc-la-chia-khoa-de-dua-dak-lak-phat-trien-giau-manh--i751096/
Zalo