Đoàn kết cán, binh - cội nguồn tạo nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội trong 80 năm qua
Đoàn kết là truyền thống quý báu, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam được hun đúc qua lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Thấm nhuần sâu sắc truyền thống đoàn kết của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đoàn kết trong xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt. Tinh thần đoàn kết giúp cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đồng thời là kim chỉ nam để mọi quân nhân soi chiếu, rèn luyện và hành động.
Tinh thần đoàn kết cán, binh tô thắm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, tinh thần đoàn kết luôn được các thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy học tập, quán triệt và vận dụng, tạo nên truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cán bộ và chiến sĩ trong 80 năm qua. Đoàn kết là nền tảng, cội nguồn sức mạnh, giúp Quân đội ta vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong đó, đoàn kết cán, binh là điều kiện tiên quyết để Quân đội ta chiến thắng kẻ thù xâm lược trong mọi hoàn cảnh gian khó của cách mạng Việt Nam. Khi tinh thần ấy được chuyển hóa thành sức mạnh đã làm nên những chiến thắng oanh liệt trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Tinh thần đoàn kết cán, binh của Quân đội ta được tôi rèn và củng cố vững chắc qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân nhân cách mạng. Điều đó khẳng định bản chất cách mạng, tính chất ưu việt, nhân văn cao cả của Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Nét đẹp văn hóa quân sự, giá trị truyền thống quý báu này được thẩm thấu, khơi dậy và phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội, kết thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta trong 80 năm qua và được bồi đắp, phát triển phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Đặc biệt, đoàn kết cán, binh làm lan tỏa hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong tham gia thực hiện các chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.
Về bản chất, đoàn kết cán, binh phản ánh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ và chiến sĩ; sự thống nhất biện chứng giữa chỉ huy và phục tùng dựa trên tình đồng chí, đồng đội giữa những người chung mục tiêu, lý tưởng; đồng thời thể hiện sự bình đẳng về chính trị, quyền lợi và nghĩa vụ giữa các quân nhân. Mối quan hệ này phát triển dựa trên đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của Quân đội. Nếu mối quan hệ cán, binh không được chăm lo, xây dựng và củng cố trên tinh thần đoàn kết, tất yếu sẽ làm suy giảm và biến chất Quân đội cách mạng. Do đó, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ là yêu cầu khách quan, tất yếu trong quá trình xây dựng và chiến đấu của Quân đội.
Trong mối quan hệ đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định. Bởi vì, cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đồng thời, chiến sĩ là lực lượng quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ. Để củng cố mối quan hệ đó, đội ngũ cán bộ phải thực sự là tấm gương sáng, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và tác phong công tác để chiến sĩ học tập và làm theo. Đồng thời, cán bộ phải thương yêu cấp dưới, đồng cam cộng khổ và chăm lo cho đời sống tinh thần, vật chất của chiến sĩ. Đó chính là cơ sở để trên, dưới đồng lòng vượt qua mọi trở ngại, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành”. Muốn thế, “từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên”. Hơn nữa, cán bộ phải là hạt nhân đoàn kết trong đơn vị, tôn trọng nhân phẩm, danh dự, biết lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ. Bên cạnh đó, mỗi chiến sĩ phải luôn tự giác phục tùng mệnh lệnh, chỉ thị của cán bộ, tôn trọng, tin tưởng cán bộ, thương yêu lẫn nhau như anh em ruột thịt.
Tiếp tục nuôi dưỡng, giữ gìn, phát huy tinh thần đoàn kết
Tinh thần đoàn kết cán, binh thể hiện rõ bản chất cách mạng của Quân đội ta, dựa trên sự giác ngộ cao về chính trị, sự thống nhất về quyền lợi và nghĩa vụ, sự tôn trọng nhân cách quân nhân và tình thương yêu đồng chí, đồng đội góp phần nâng cao sức chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quân đội. Đó là truyền thống, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ giữ gìn và phát huy.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Quân đội nhân dân Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn trong thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ nhận thức không đúng về vị trí, vai trò của vấn đề đoàn kết cán, binh. Cán bộ không không sâu sát, mệnh lệnh hành chính, không tạo được bầu không khí dân chủ và cởi mở trong đơn vị, ảnh hưởng đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, xây dựng, củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết cán, binh là đòi hỏi khách quan, thường xuyên, cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết trong quá trình xây dựng và chiến đấu của Quân đội hiện nay.
Với bản chất của Quân đội cách mạng, tinh thần đoàn kết cán, binh là nét đặc trưng tiêu biểu tạo nên sức mạnh chính trị tinh thần của Quân đội ta. Do đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ cần không ngừng chăm lo, xây dựng, phát triển và củng cố đoàn kết nội bộ, làm sâu sắc bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, quán triệt và thực hiện tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quân đội cần tiếp tục tăng cường, giữ vững, lan tỏa và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, thể hiện ý chí, hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị phải xác định đúng yêu cầu, thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả, tiếp tục nuôi dưỡng, giữ gìn, bảo vệ và phát triển tinh thần đoàn kết lên tầm cao mới, góp phần xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, làm nòng cốt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới.