Đoan Hùng tan hoang sau bão
Huyện Đoan Hùng là một trong những địa phương của tỉnh Phú Thọ chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 3 Yagi gây ra, trong đó, thiệt hại nặng nhất là tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Chảy và sông Lô. Sạt lở đã khiến nhiều đoạn đê, đường sá, cầu cống bị ảnh hưởng, nhiều diện tích hoa màu bị lũ cuốn trôi đe dọa trực tiếp đến nhà cửa, ruộng vườn của hàng chục hộ dân sinh sống hai bên bờ.
Sông ăn vào xóm
Cơn bão số 3 đi qua đã được hơn 10 ngày, dòng nước sông Chảy không còn hung dữ cuồn cuộn đổ về xuôi như những ngày hồ thủy điện Thác Bà xả lũ, nhưng hàng chục hộ dân sinh sống ven sông Chảy vẫn chưa hết nỗi lo. Cái lo của người nông dân chân chất của một đợt ngập lụt khiến nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu chìm trong nước vừa qua thì nỗi lo sạt lở đe dọa đến tính mạng, tài sản lại kéo đến.
Trên khuôn mặt còn nhiều trầm tư và lo âu, anh Phạm Văn Trưởng, khu Nghinh Lạc, xã Hùng Xuyên chia sẻ, từ khi sinh ra đến nay đã hơn 30 năm chưa bao giờ tôi thấy cảnh nước sông Chảy dâng cao như năm nay. Nhà cửa, vườn tược ngập chìm trong nước. Giờ cái lo nhất của gia đình là tình trạng sạt lở. Hai chục năm trước, nhà tôi xây nhà còn cách mép sông hơn 250m. Nhưng bây giờ mép sông đã sát vách nhà. Trong những ngày vừa qua, cả gia đình phải di dời đến nơi ở khác. Sau lũ, nhà vẫn còn nhưng không còn đường để vào vì con đường hằng ngày vẫn đi đã trôi theo hà bá. Hiện gia đình cũng chưa biết xoay sở thế nào!
Còn chị Trần Thị Thủy, khu Nghinh Lạp chia sẻ thêm, cơn bão số 3 gây thiệt hại cho bà con lớn quá, đặc biệt là tình trạng sạt lở mỗi ngày một nghiêm trọng. Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến đất đai, nhà cửa, chuồng trại, ruộng vườn, cây cối của hàng chục hộ dân trong khu.
Trước bão, con đường dân sinh chúng tôi đi hằng ngày giờ đã không còn. Rất mong cơ quan chính quyền từ cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện quan tâm làm kè để tránh tình trạng sạt lở tiếp diễn. Còn không, cứ đà này, chắc chỉ thời gian nữa chúng tôi phải lên đê để ở.
Trong những ngày qua, xã Hùng Xuyên là một trong những địa phương bị sạt lở bờ vở sông nặng nhất của huyện Đoan Hùng. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hùng Xuyên Vũ Anh Tuấn, do hoàn lưu của bão Yagi từ ngày 9 đến ngày 12/9 thủy điện Thác Bà xả nước với lưu lượng lớn gây ngập úng trên diện rộng. Kéo theo đó là tình trạng sụt lún các công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông, cầu cống… Cùng với đó là tình trạng sạt lở bờ vở sông diễn biến ngày một phức tạp, tốc độ sạt lở nhanh, diện tích rộng, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sinh sống ven sông Chảy.
Trong đó, sạt lở nặng nhất tại khu vực Bãi Lai khu Nghinh Lạp và khu Bình Minh chiều dài sạt lở khoảng 1,5km, chiều rộng bình quân 35m, chiều cao khoảng 8m. Sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến 30 hộ, 152 nhân khẩu, trong đó 6 hộ bị ảnh hưởng nặng, 2 hộ phải di dời. Ngoài ra, sạt lở còn ảnh hưởng đến 10ha bưởi đặc sản, 23,6ha đất trồng cây hằng năm và là khu vực sản xuất chủ yếu của gần 100 hộ dân và ảnh hưởng đến 2 nghĩa trang với khoảng hơn 1.000 ngôi mộ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, trước tình hình sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn xã, địa phương đã có báo cáo gửi lên huyện. Đồng thời kiến nghị các cấp quan tâm làm kè tại các điểm sạt lở uy hiếp đến tài sản và tính mạng của người dân khu Nghinh Lạp, Bình Minh để người dân sớm ổn định cuộc sống; kè khẩn cấp đê Lườn Cá khu Đông Dương với chiều dài khoảng 1km. Đây là điểm sạt lở gây sạt trượt đê xâm lấn vào đường giao thông liên xã giữa Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng với xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Đê sụt, đường hỏng
Sau khi bão tan, nước rút, chạy dọc theo các tuyến đê sông Lô, sông Chảy trên địa bàn huyện Đoan Hùng mới thấy hết sức tàn phá khủng khiếp của nước lũ. Tình trạng sạt lở, sụt lún đê, giao thông, cầu cống, công trình thủy lợi, hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và đời sống dân sinh của người dân trên địa bàn huyện. Thiệt hại ước tỉnh khoảng hơn 160 tỷ đồng.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng, bão số 3 đã khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập úng, nhiều công trình công cộng, nhà xưởng, trường học, trụ sở bị đổ, tốc mái, hàng nghìn ha hoa màu bị đổ, ngập úng, mất trắng, hàng trăm lồng cá bị vỡ, trôi… gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý, mưa lũ còn khiến nhiều tuyến đường bị hư hỏng, cầu cống, công trình thủy lợi, đê điều bị sụt lún cần sửa chữa.
Nghiêm trọng nhất là tuyến đê tả Lô thuộc tỉnh lộ 323, Km43, khu Tiền Phong, xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng sạt lở làm gây đứt đường, giao thông bị chia cắt. Ông Quyền Hồng Hà, khu Tiền Phong, xã Hùng Long cho biết, trước đây, tại khu vực này cũng đã xảy ra hiện tượng sạt lở nhỏ, đồng thời mực nước sông Lô dâng cao. Về phía bên mạn đê của tỉnh Tuyên Quang toàn bờ đá vì vậy dòng chảy xoáy về đê bên này, lâu ngày nước ngấm, địa chất suy yếu khiến đoạn đê này bị gãy sập xuống.
Điều đáng lo là diễn biến sạt lở không dừng lại mà vẫn tiếp tục phát triển mạnh, lan rộng. Ghi nhận tại hiện trường, vị trí sạt lở liên tục lan rộng, tăng lên khoảng 100m chiều dài, mặt đê trong khu vực sạt lở xuất hiện nhiều vết nứt có nguy cơ tiếp tục sạt trượt.
Còn tại tuyến đường giao thông liên xã thuộc khu Đông Dương nối xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng với xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cũng bị sạt lở sát mép đường, gây mất an toàn giao thông ảnh hưởng đến 40 hộ dân, 20ha đất canh tác của bà con.
Ông Trần Xuân Tình, khu Đông Dương, xã Hùng Xuyên chia sẻ, hàng chục năm qua nay mới có trận lũ lụt như thế này. Mưa lũ không chỉ gây thiệt hại cho hàng chục ha bưởi đặc sản Đoan Hùng đang đến kỳ thu hoạch có nguy cơ mất trắng mà còn gây sạt lở tuyến đường huyết mạch của xã. Rất mong Nhà nước và các cấp chính quyền hỗ trợ cho nhân dân sớm ổn định cuộc sống và sớm đầu tư kinh phí làm kè, sửa đường để bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng Nguyễn Văn Vấn cho biết, hoàn lưu của bão số 3 đã gây mưa to khiến lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với các hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà, Hòa Bình xả lũ khiến cho mực nước sông Lô, sông Chảy dâng rất nhanh gây ngập úng hầu hết các xã trên địa bàn huyện Đoan Hùng, trong đó có 10 xã ven sông, gây thiệt hại về tài sản, giao thông, thủy lợi, hoa màu của người dân.
Đặc biệt khi nước trên sông Lô, sông Chảy rút nhanh đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhất là tình trạng sạt lở bờ vở sông tại các xã Hùng Xuyên, Chí Đám, Phú Lâm, Hợp Nhất, Hùng Long. Ngoài ra, sạt lở còn khiến nhiều tuyến đê, nhiều đoạn đường, cầu cống, công trình thủy lợi bị hư hỏng.
Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng cũng đã có báo cáo thiệt hại gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời mong muốn Trung ương và tỉnh sớm có phương án để xử lý khẩn cấp những đoạn bị sạt lở đang uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân.
Sớm khắc phục, sửa chữa tình trạng sạt lở đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã trên địa bàn và các công trình đê điều, thủy lợi, kè cống dưới đê để bảo đảm an toàn chống lũ bảo đảm giao thông thông suốt. Hỗ trợ kinh phí, giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị vật tư nông nghiệp để các địa phương trên địa bàn huyện sớm khôi phục sản xuất nông - lâm - thủy sản sau bão lũ để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.