Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và dự án Luật tại tổ

BHG - Chiều 21.5, trong phiên thảo luận tại tổ nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đóng góp nhiều ý kiến về các dự thảo Nghị quyết và dự án Luật này.

Trưởng đoàn Lý Thị Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Trưởng đoàn Lý Thị Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Trưởng đoàn ĐBQH khóa VX đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao việc dự thảo đã nhận diện và đưa ra giải pháp kịp thời đối với vấn đề cấp thiết hiện nay đó là giải quyết khó khăn về chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Đại biểu cho biết, từ thực tế tại các tỉnh như Tuyên Quang, Hà Giang và nhiều địa phương khác cho thấy, quá trình này làm phát sinh nhu cầu điều chuyển, sắp xếp lại cán bộ, thay đổi nơi làm việc với khoảng cách có thể lên tới hàng trăm km so với nơi cư trú hiện tại. Đây là một khó khăn lớn, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt gia đình và tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Do vậy, theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nếu không có giải pháp kịp thời hỗ trợ chỗ ở phù hợp, nguy cơ mất ổn định trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt đối với những người trẻ, có chuyên môn, đang nuôi con nhỏ hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Theo Trưởng đoàn Lý Thị Lan, dự thảo Nghị quyết đã có những đề xuất thiết thực như bổ sung đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội là cá nhân đã có nhà ở thuộc sở hữu nhưng có địa điểm làm việc cách nơi ở tối thiểu 30 km và mở rộng đối tượng thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho cả các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động bố trí chỗ ở cho cán bộ, nhân viên. Đây là quy định hợp lý, phản ánh đúng thực tiễn đang diễn ra sau sáp nhập.

Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi và kịp thời của chính sách, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh về nhà ở xã hội tại các trung tâm hành chính mới, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần ưu tiên quy hoạch, bố trí quỹ đất, đẩy nhanh thủ tục đầu tư, xây dựng và có chính sách linh hoạt về địa điểm thuê, không bị bó buộc vào quy hoạch cứng ban đầu. Đồng thời, phải tháo gỡ các điểm nghẽn trong tiếp cận tín dụng, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và giảm lãi suất cho người thu nhập thấp.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận. Ảnh: CTV

Tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia đến năm 2030. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về việc thành lập quá nhiều Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cùng lúc có thể làm ảnh hưởng đến kỷ luật ngân sách và hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia. Từ đó, đại biểu kiến nghị cần có sự quản lý chặt chẽ và thống nhất, đề xuất giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản của Quỹ Nhà ở Quốc gia, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo hiệu quả vận hành.

Đại biểu cũng đề xuất thu hẹp đối tượng thụ hưởng của Quỹ, tập trung vào cán bộ, công chức, người lao động có thu nhập thấp, nhất là những người trẻ, thay vì mở rộng quá rộng dẫn đến khó triển khai. Ngoài ra, Quỹ cần hoạt động phi lợi nhuận, tránh làm sai lệch bản chất chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần quy định rõ thẩm quyền, nguyên tắc quản lý, nguồn thu và nhiệm vụ chi của Quỹ.

Cuối cùng, đại biểu kiến nghị Quỹ Nhà ở Quốc gia nên có thời hạn hoạt động rõ ràng, kết thúc vào năm 2030 để tương ứng với mốc hoàn thành các mục tiêu chiến lược quốc gia về phát triển nhà ở.

Nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), đại biểu Phạm Thúy Chinh đã có những ý kiến sâu sắc, đánh giá cao sự thận trọng và linh hoạt của Chính phủ trong việc trình chính sách giảm thuế GTGT, đồng thời bày tỏ một số lo ngại về tác động lâu dài đối với ngân sách nhà nước và hiệu quả điều hành tài khóa.

Theo đại biểu, trong thời gian qua, đặc biệt từ giai đoạn dịch COVID-19 đến nay, chính sách giảm thuế GTGT đã mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý chính sách này đang có dấu hiệu "giật cục", thiếu tính ổn định vì cứ 6 tháng lại cần Quốc hội thông qua một lần. Việc Chính phủ lần này đề xuất kéo dài thời hạn giảm thuế đến hết năm 2026 là một động thái tích cực, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cân đối ngân sách.

Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh Quốc hội đang thông qua nhiều nghị quyết có liên quan đến chi tiêu ngân sách lớn, việc tiếp tục giảm thuế GTGT, miễn thuế nông nghiệp, cùng với các ưu đãi thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt… sẽ tạo ra áp lực không nhỏ lên nguồn thu ngân sách. Đại biểu bày tỏ quan điểm rằng chính sách tài khóa như hiện nay sẽ khiến việc thực hiện các nhiệm vụ chi trở nên rất vất vả cho Chính phủ. Theo đại biểu đến một thời điểm nào đó thì cũng cần cân nhắc dừng lại, không nên kéo dài như hiện nay và thay vì ban hành một nghị quyết riêng về giảm thuế GTGT, Quốc hội nên đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp như đã từng thực hiện trong các lần trước, nhằm đảm bảo tính thống nhất và thuận lợi trong thực thi.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng việc sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 60 của Ban Chấp hành Trung ương là hết sức quan trọng, có tác động sâu rộng đến mô hình tổ chức và phương thức vận hành của các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi tại Điều 2 liên quan đến Luật Công đoàn hiện chưa thể hiện đầy đủ tinh thần đổi mới của Nghị quyết, đồng thời vẫn còn nhiều mâu thuẫn và bất cập trong hệ thống quy định. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và chỉnh lý nội dung dự thảo Luật theo đúng tinh thần đổi mới căn bản của Nghị quyết 60, đặc biệt là tách hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ra khỏi mô hình hành chính để đảm bảo sự phù hợp, hiệu quả trong vận hành thực tiễn.

Đại biểu Vương Thị Hương tham gia thảo luận

Đại biểu Vương Thị Hương tham gia thảo luận

Cũng liên quan đến sửa đổi Luật Công đoàn, đại biểu Vương Thị Hương đề xuất sửa đổi quy định: Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp tỉnh nên được tham dự các cuộc họp của HĐND, UBND cùng cấp mà không bị giới hạn trong nội dung bàn về quyền lợi người lao động. Việc này nhằm tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn, giúp tiếng nói của người lao động được lắng nghe đầy đủ hơn trong các chính sách KT - XH.

Góp ý đối với sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Vương Thị Hương bày tỏ sự đồng tình với quy định thay cụm từ "theo đề nghị của" bằng "sau khi thống nhất với" nhằm khẳng định rõ vai trò chủ trì, phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Theo đại biểu, quy định này sẽ tránh trùng lặp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo tiếng nói của người dân được phản ánh đầy đủ. Đại biểu cũng góp ý cần mở rộng trao quyền cho MTTQ cấp xã, vì đây là cấp gần dân, nắm rõ phẩm chất, uy tín của người dân, góp phần nâng cao chất lượng hội thẩm nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cổng thông tin tập hợp ý kiến nhân dân và hệ thống dữ liệu giám sát cộng đồng để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả phản biện xã hội.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202505/doan-dbqh-tinh-thao-luan-ve-cac-du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-va-du-an-luat-tai-to-0720c9b/
Zalo