Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận, góp ý các nghị quyết của Quốc hội
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân là rất cần thiết.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 22/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã thảo luận tại Tổ để góp ý vào các nghị quyết của Quốc hội và một số dự án luật quan trọng.
Dự buổi thảo luận có Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vũ Thị Liên Hương trao đổi tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Góp ý vào Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vũ Thị Liên Hương đồng tình với việc ban hành 2 nghị quyết này. Đồng thời cho rằng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành cho đối tượng trẻ mầm non; phổ cập giáo dục với trẻ mẫu giáo 5 tuổi; các chính sách quan tâm đến vùng, miền, vùng khó khăn, miền núi, hải đảo…
Tuy nhiên, những chính sách này thực sự chưa đủ mạnh và thực tế là, đối với cơ sở giáo dục bậc mầm non, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi, hải đảo chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho rằng, hiện việc xác định mức đóng học phí đang thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 97/2023/NĐ-CP. Theo đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về quản lý thu- chi học phí. Tuy nhiên, hiện có sự không đồng đều giữa các địa phương, nơi miễn hoàn toàn, nơi chỉ hỗ trợ một phần và khung học phí áp dụng cũng khác nhau.
Do đó, cần quy định một mức/khung hỗ trợ học phí thống nhất giữa các địa phương, đảm bảo công bằng trong giáo dục. Đại biểu Hương đề nghị điều chỉnh khoản 2 thành “2. Hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục tương ứng với mức học phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên cùng địa bàn. Mức hỗ trợ đóng học phí do HĐND cấp tỉnh quyết định”.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương trao đổi tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nêu tại Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi có nêu rõ đối tượng đối tượng áp dụng là trẻ em từ 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, tại nghị quyết về hỗ trợ học phí lại không nêu rõ loại trừ này, dẫn đến thiếu thống nhất.
Liên quan đến Điều 3 về cơ chế, chính sách đối với giáo viên mầm non, đại biểu Sương đề nghị bổ sung thêm chính sách dành cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên cấp dưỡng.
Tại điểm d, khoản 2 Điều 3 quy định về chính sách đột phá về đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất. Đại biểu Sương đề xuất bổ sung quy định ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu kinh tế, bởi đây là nơi tập trung đông lao động tương tự như các khu công nghiệp.
Tin, ảnh: PV, CTV