Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ

Chiều 6/5, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tại Tổ số 10 về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

ĐBQH Dương Bình Phú tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: NGỌC HƠN

ĐBQH Dương Bình Phú tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: NGỌC HƠN

Tham gia thảo luận tại tổ, các ĐBQH tỉnh thống nhất với sự cần thiết xây dựng, ban hành các dự án luật. Liên quan đến dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Dương Bình Phú cho rằng, thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước, đặc biệt tập trung đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động KH&CN; thu hút đầu tư từ xã hội để phát triển KH,CN&ĐMST; nâng cao hiệu quả, tính tự chủ cho các tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN; phát triển đội ngũ trí thức. Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính cách mạng để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH, CN&ĐMST để phát triển KH,CN, ĐMST&CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển KT-XH, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Do đó, đại biểu hoàn toàn đồng tình và thống nhất rất cao với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu thống nhất với việc dự án luật kế thừa các quy định của Luật KH&CN 2013 còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn phát triển KH&CN của Việt Nam và thông lệ quốc tế; mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm, các trường đại học và viện nghiên cứu là các chủ thể hỗ trợ cùng hướng tới mục tiêu hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát triển KT-XH, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng; luật hóa những cơ chế tháo gỡ điểm nghẽn trong Nghị quyết 193/2025/QH15 để đưa thành quy định ổn định, lâu dài trong luật. ĐBQH Dương Bình Phú tham gia một số ý kiến góp ý cụ thể như:

Thứ nhất, về tổ chức khoa học và công nghệ công lập (Điều 43)

Khoản 2 Điều 43 dự thảo luật quy định “Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập, giao quyền tự chủ ở mức độ cao, bao gồm: chủ động tổ chức bộ máy, sử dụng nguồn tài chính, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng và quản lý viên chức, người lao động, chủ động trong hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết”.

Liên quan đến quy định trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; theo đó quy định cơ chế tự chủ theo mức độ tự chủ về tài chính của tổ chức sự nghiệp công lập. Liên quan đến cơ chế tự chủ, Đảng đã có những văn bản chỉ đạo về vấn đề này như: mục III.2 Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/1/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyền đổi số đặt ra giải pháp “... Giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ”: Nghị quyết 19-NQ/TW đưa ra nhiệm vụ, giải pháp “Hoàn thiện pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, lĩnh vực trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết 19-NQ/TW yêu cầu “Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư, chi thường xuyên, thực hiện quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp... ”, “Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao”... Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy của tổ chức khoa học và công nghệ công lập là tự chủ như thế nào? Có khác gì so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành? Và làm rõ cơ sở chính trị và thực tiễn của đề xuất tự chủ tại dự thảo luật và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để hoàn thiện về vấn đề này.

Thứ hai, về ưu đãi đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 52)

Điểm a Khoản 2 Điều 52 quy định cá nhân chủ trì nhiệm vụ đặc biệt được hưởng thêm các ưu đãi: “a) Hưởng lương, phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận…;”. Đại biểu thống nhất cao với quy định này nhằm trả công xứng đáng, tạo động lực đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, theo điểm đ mục II.3.1 Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đưa ra nội dung cải cách “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao”. Điểm d Mục II.3.1 Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đưa ra giải pháp “Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương”. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ sự phù hợp của đề xuất nêu trên với Nghị quyết 27-NQ/TW và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp.

Thứ ba, Mục 4 Chương 5 quy định về tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần quy định về cơ chế tài trợ linh hoạt, cho phép các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được nhận tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư. Đồng thời, cơ chế tài chính của nhà nước đóng vai trò như “bà đỡ” (cơ chế hợp tác công - tư, công - công) trong việc sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng các tổ chức KH&CN đạt chuẩn quốc tế; (phòng thí nghiệm, hạ tầng số, …) cho các tổ chức nghiên cứu được phát triển toàn diện, bắt kịp xu thế làm chủ công nghệ và phát triển bền vững trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, vì các quy định hiện tại về hỗ trợ, tài trợ nghiên cứu còn rườm rà và hạn chế tính tự chủ của tổ chức nghiên cứu. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có quy định để đơn giản hóa thủ tục tài trợ, áp dụng cơ chế “tài trợ theo kết quả đầu ra” và khuyến khích hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; đảm bảo đúng thẩm quyền của Quốc hội; có tính trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản rà soát dự thảo luật để bảo đảm nội dung ngắn gọn, quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, loại khỏi dự thảo những vấn đề của Chính phủ, các bộ và cơ quan khác; những vẫn đề mới, đang quá trình vận động, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.

NGỌC HƠN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/202505/doan-dbqh-tinh-tham-gia-thao-luan-tai-to-0e35e50/
Zalo