Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý các dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 8/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện KSND; Luật Thanh tra (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự tại Tổ số 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông và Phú Yên.

Đại biểu Dương Bình Phú tham gia góp ý các dự án luật tại thảo luận tổ. Ảnh: THÙY LÂM

Đại biểu Dương Bình Phú tham gia góp ý các dự án luật tại thảo luận tổ. Ảnh: THÙY LÂM

Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Phú Yên thể hiện sự đồng tình, thống nhất; đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị tiếp thu các ý kiến góp ý của cơ quan thẩm tra và các cơ quan chức năng của cơ quan soạn dự án luật.

Các ĐBQH cho biết, trước đây có thanh tra nhà nước và thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Trong đó, thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành quy trình, trình tự thủ tục tiến hành thanh tra khác nhau. Hiện nay, không bỏ thanh tra nào nhưng sẽ do một hệ thống thanh tra làm; không còn khái niệm thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính mà chỉ có một khái niệm thanh tra. Đồng thời, bất cứ thanh tra từ y tế, giáo dục, ngân hàng, thuế.. đều được thanh tra và thanh tra theo quy trình, trình tự như trước đây; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả cao hơn; tổ chức lại thống nhất trong một hệ thống thanh tra. Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, sau khi sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan thanh tra theo chi đạo của Đảng theo mô hình 2 cấp và duy trì một số cơ quan thanh tra có tính chất đặc thù, sẽ dẫn đến sự thay đổi về vị trí, chức năng, mối quan hệ giữa các cơ quan thanh tra, mỗi quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, bộ trưởng với các cơ quan thanh tra (tại những tổ chức được thành lập cơ quan thanh tra); việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, mối quan hệ giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan thanh tra trong hệ thống thanh tra, đặc biệt là các cơ quan thanh tra được tổ chức theo khoản 3, 4 Điều 7 dự thảo luật. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ tại dự thảo luật về vấn đề này.

Cũng theo đại biểu Dương Bình Phú, trong hệ thống pháp luật hiện hành, chức năng “kiểm tra” được quy định ở rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau. Trên thực tế, nếu không có quy định pháp luật cụ thể, việc triển khai hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước rất khó khăn do không rõ quy trình, thủ tục. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định một số vấn đề có tính nguyên tắc trong luật về hoạt động kiểm tra: khái niệm; quyền của chủ thể kiểm tra...; đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra ngay tại dự thảo luật để đảm bảo trong quá trình triển khai thực hiện 2 hoạt động quản lý nhà nước này không xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời hạn cụ thể phải hoàn thành việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thanh tra; tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần phải quy định chuyển tiếp để bảo đảm đầy đủ, toàn diện, tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện khi luật ban hành…

THÙY LÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/202505/doan-dbqh-tinh-tham-gia-gop-y-cac-du-an-luat-a8d13c5/
Zalo