Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thảo luận, góp ý các dự án luật
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã thảo luận tại Tổ để góp ý vào nhiều dự án luật quan trọng.
Buổi thảo luận diễn ra ngày 21/5, với sự tham dự của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy.

Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng đề nghị sửa đổi một số nội dung và viết lại Điều 1 như sau: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ; hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, của toàn thể nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Góp ý với khoản 1 Điều 8 Luật Công đoàn, đại biểu Hùng đề nghị thay từ “các” bằng số “03” và viết lại như sau: “1. Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm 03 cấp sau đây…”. Tại Điều 10, đề nghị bổ sung các hành vi nghiêm cấm, cản trở hoạt động công đoàn trên môi trường số nhằm bảo vệ hoạt động công đoàn trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển của các hình thức lao động mới. Ở khoản 6 Điều 11 đề nghị bỏ cụm từ “cán bộ, công chức, viên chức”.
Góp ý đối với Luật Thanh niên, đại biểu Hùng cho rằng, ngoài các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên được quy định theo dự thảo (Điều 17, 18, 19, 20 và 21), cần nghiên cứu, bổ sung “Chính sách hỗ trợ thanh niên trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính, tín dụng ưu đãi để khởi nghiệp, lập nghiệp”. Bên cạnh đó, ngoài quy định đối tượng tại Điều 22, 23, 24, 25 và 26, cần bổ sung Điều 27 về Chính sách đặc thù hỗ trợ thanh niên yếu thế (thanh niên khuyết tật, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn...).
Tại Điều 3 Luật Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đại biểu Hùng đề nghiên cứu, bổ sung khoản 7: “7. Phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong việc công khai, tiếp cận thông tin và giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Tại khoản 4 Điều 5, đề nghị bổ sung và viết lại “Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ danh tính và bảo đảm quyền riêng tư, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật”.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An trao đổi tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2025, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An cho rằng, những kết quả đạt được ở lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại là đáng phấn khởi. Báo cáo đã đề cập rất chi tiết và có thể nói rằng, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại được triển khai rất bài bản và đạt những thành tựu to lớn, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Cùng với đó, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng được triển khai đồng bộ, toàn diện, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế trong nước.
Về giải pháp năm 2025, đại biểu An đề nghị Chính phủ cần chủ động nắm bắt tình hình và có giải pháp kịp thời để thực hiện đạt mục tiêu đề ra trong năm. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để sớm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các luật và nghị quyết được quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Tin, ảnh: PV - CTV